(TG) - Hội thảo “Định hướng chính sách về sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế” do Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế và Ngân hàng Thế giới vừa tổ chức mới đây đã thu hút sự quan tâm của các các chuyên gia bởi vấn đề bảo hiểm y tế (BHYT) không chỉ liên quan đến công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân mà còn là chính sách an sinh xã hội...
NHỮNG BẤT CẬP TỪ THỰC TIỄN
Thông tin tại hội thảo cho hay, Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương ban hành ngày 25/10/2017 đã nêu rõ mục tiêu đến năm 2025 tăng tỉ lệ tham gia BHYT đạt 95% dân số và giảm tỉ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho y tế giảm còn 35%. Chính phủ cũng cam kết đảm bảo các nguồn kinh phí đủ để đạt được các mục tiêu đề ra của chương trình chăm sóc sức khỏe toàn dân.
PGS.TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện nay, quá trình thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân ở Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực. Đến nay, tỉ lệ bao phủ BHYT tại Việt Nam ước đạt 87,4% dân số. Tỉ lệ đóng góp từ quỹ BHYT trong tổng chi y tế tăng qua các năm. BHYT đã đóng góp phần quan trọng trong tổng nguồn tài chính cho y tế, giúp người dân tiếp cận được các dịch vụ y tế, từng bước đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cũng thẳng thắn thừa nhận, trong quá trình thực hiện chính sách BHYT hiện vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Đơn cử, các văn bản hướng dẫn còn thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác, gây ra những khó khăn, vướng mắc như: Phạm vi được hưởng BHYT, mức hưởng; tổ chức khám chữa bệnh BHYT (hợp đồng, đăng ký khám chữa bệnh, chuyển tuyến, thủ tục khám chữa bệnh, giám định); phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT; quản lý và sử dụng BHYT; tổ chức và quản lý nhà nước về BHYT… Do đó, việc sửa đổi Luật BHYT là cần thiết.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã đưa ra những đề xuất, kiến nghị định hướng sửa đổi Luật BHYT như: Cần sửa đổi một số nội dung bất cập, thiếu khả thi như văn bản quy phạm pháp luật thiếu thống nhất, quy định mức đóng chưa tương xứng với mức hưởng; chưa có biện pháp quản lý cũng như chế tài kiểm soát người đi khám, chữa bệnh nhiều lần, nhiều nơi; còn tình trạng chỉ định quá mức cần thiết dịch vụ y tế; chưa xác định được hợp đồng khám chữa bệnh BHYT thuộc loại hình hợp đồng nào (hợp đồng kinh tế hay hợp đồng dân sự dẫn tới khó xử lý trong trường hợp vi phạm); thiếu công cụ để thực hiện công tác giám định BHYT; quy trình chuyên môn, phác đồ điều trị, hướng dẫn điều trị chưa rõ ràng...
SỬA LUẬT BHYT SẮP TỚ SẼ “BÀI BẢN” HƠN, ĐÁP ỨNG MONG ĐỢI CỦA XÃ HỘI
Theo TS. Nguyễn Văn Tiên - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Trưởng nhóm chuyên gia, đã giới thiệu hệ thống chính sách pháp luật hiện hành về BHYT. Ông cho rằng về cơ bản chính sách pháp luật BHYT đã đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhưng cần sửa đổi một số nội dung để tránh ảnh hưởng đến hoạt động chăm sóc sức khoẻ của người dân trong thời gian tới. Qua nghiên cứu, tham khảo Luật BHYT ở một số nước, TS Nguyễn Văn Tiên gợi ý một số chính sách sửa đổi Luật BHYT theo hướng sửa đổi toàn diện Luật BHYT; tiếp tục khẳng định thực hiện BHYT toàn dân; mở rộng phạm vi chi trả để sử dụng quỹ có hiệu quả, từng bước đa dạng hóa gói dịch vụ BHYT; có lộ trình và địa chỉ chịu trách nhiệm.
Theo ông Nguyễn Văn Tiên, Luật BHYT trải qua các lần sửa đổi đã ngày càng phù hợp thực tiễn, đi sâu đi sát vào cuộc sống người dân hơn. Tuy nhiên, đời sống xã hội luôn vận động không ngừng, khiến Luật BHYT bộc lộ những bất cập. Vì vậy, ông Tiên bày tỏ kỳ vọng, hoạt động sửa Luật BHYT sắp tới sẽ “bài bản” hơn, đáp ứng mong đợi của xã hội hơn.
Đưa ra ý kiến tại hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn nhấn mạnh, ý kiến đóng góp của các chuyên gia sẽ là cơ sở để định hướng sửa đổi Luật BHYT hoàn chỉnh, toàn diện. Đáng chú ý, phải giải quyết vấn đề phát triển đối tượng BHYT toàn dân mang tính bền vững; bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người dân; bảo đảm nguồn quỹ BHYT đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của người dân; đổi mới cơ chế kiểm soát, phát huy vai trò y tế cơ sở, y học gia đình trong quản lý sức khỏe, chăm sóc sức khỏe; cân bằng mức đóng hưởng BHYT…
Một ý kiến khác đến từ cơ quan BHXH Việt Nam của ông Nguyễn Tất Thao - Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) đưa ra đề xuất về phát triển đối tượng và công tác thu BHYT cần gắn liền với phát triển BHYT bền vững, tăng cường chế tài xử phạt đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng, đảm bảo công bằng trong đóng- hưởng BHYT.
“Cơ quan chủ trì nghiên cứu sửa đổi Luật BHYT cần xem xét lại chính sách thông tuyến và miễn cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT và miễn cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh khi tham gia bảo hiểm y tế 5 năm liên tục, có chi phí cùng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở; bổ sung đầy đủ công cụ và phương pháp giám định; quy định chặt chẽ về điều kiện ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT; thực hiện kiểm soát chi phí thông qua việc giao dự toán chi cho các cơ sở khám chữa bệnh…”- ông Thao nói
Liên quan đến Luật BHYT sẽ được sửa đổi trong thời gian tới, cũng tại một hội thảo về vấn đề này diễn ra trước đó, bà Nguyễn Kim Phương- đại diện Tổ chức y tế thế giới tại Việt Nam đã lưu ý về bản chất của BHYT không là mục tiêu, mà chỉ là phương tiện để giúp quốc gia đạt mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Do đó, để toàn bộ người dân có thể tiếp cận dịch vụ y tế với chi phí thấp- trong bối cảnh nguồn lực quỹ BHYT có hạn, thì chính sách chi trả BHYT cần phải “liệu cơm gắp mắm”.
Làm rõ hơn về vấn đề quan trọng này, bà Phương dẫn ví dụ Australia, Hà Lan, New Zealand… là những quốc gia có nguồn lực tài chính dồi dào, nhưng để đưa một kỹ thuật điều trị tiến bộ hay một loại thuốc mới hiệu quả hơn vào danh mục chi trả BHYT, họ phải “cân đo đong đếm” hết sức cẩn trọng, nhằm bảo lưu mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân./.
Hoàng Thái Bình