Thứ Ba, 26/11/2024
Chính sách
Thứ Năm, 29/9/2011 10:58'(GMT+7)

Thí điểm thực hiện Bảo hiểm nông nghiệp: Vẫn khó trăm bề

Chăn nuôi vẫn chủ yếu ở quy mô hộ gia đình. (Ảnh minh hoạ).

Chăn nuôi vẫn chủ yếu ở quy mô hộ gia đình. (Ảnh minh hoạ).

Tính đến năm 2010, có hơn 70% dân số Việt Nam sống ở nông thôn và lấy sản xuất nông nghiệp (SXNN) làm nghề chính phục vụ đời sống. Cũng trong năm này, giá trị sản xuất nông nghiệp chiếm 20,6% GDP. Do vị trí địa lý đặc thù thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra ở nước ta hàng năm lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Tính riêng năm 2010, 30.000 ha lúa và hoa màu bị mất trắng, tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra ước tính là 11.700 tỷ đồng.

Giảm rủi ro cho nông dân

Nhằm giúp nông dân khắc phục hậu quả thiên tai, Ngân sách Nhà nước và các nguồn tài chính khác đã phải chi hàng nghìn tỷ đồng để hỗ trợ. Tuy nhiên đây mới chỉ mang tính chất khôi phục cuộc sống tối thiểu chứ chưa phải giúp nông dân khôi phục và bù đắp chi phí sản xuất nông nghiệp.

Từ nhiều năm nay, Nông trường bò sữa Mộc Châu (Sơn La) luôn đi đầu về mô hình tự tổ chức BHNN và trở thành một điển hình thành công. Từ năm 2010, các hộ dân đã đóng phí BH 500.000 đến 600.000 đồng/con bò sữa. Khi bò bị chết, hộ dân được hỗ trợ 15 lần phí BH (khoảng 7,5 đến 9 triệu đồng/con bò sữa). Với khoản tiền BH được bồi thường, các hộ dân không may sẽ có cơ hội phục hồi hoạt động sản xuất ngay sau khi rủi ro xảy ra… Thế nhưng, ai cũng có thể nhìn thấy rằng, con bò là một tài sản có giá trị khá lớn của người dân và có thể dễ dàng kiểm soát, đo đếm được.

Với các loại vật nuôi khác như gia cầm, giá trị kinh tế nhỏ hơn thì việc nắm bắt lại phức tạp hơn rất nhiều chứ chưa nói đến cây lúa, con cá, lá rau... Đơn cử, một Công ty BH của Pháp vào Việt Nam từ năm 2001 và triển khai BH vật nuôi tại ĐBSCL. Công ty này đeo vào chân những con gà được BH một loại vòng. Tuy nhiên, không lâu sau người dân đã tự mua loại vòng tương tự bày bán ở TP HCM về đeo vào chân nhiều con gà khác.

Hai ví dụ nên trên là một trong nhiều lý do khiến DN ngại triển khai BHNN. Thống kê của Hiệp hội BH Việt Nam cho thấy, BHNN chỉ đóng góp khoảng hơn 10% phí BH trong tổng doanh thu phí trên thị trường mỗi năm. Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội BH Việt Nam cho biết, việc triển khai BHNN tại Việt Nam hiện gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do loại hình BH này phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên, chế độ chăm sóc, bảo vệ và đòi hỏi hạ tầng nông nghiệp tốt mới có thể giảm bớt rủi ro. Thế nhưng, hoạt động SXNN ở nước ta hiện manh mún, không có quy chuẩn, một gia đình chỉ có vài sào ruộng, vài con lợn. Như vậy, DN sẽ khó triển khai BHNN vì rủi ro quá lớn. Rủi ro quá cao nên phí BH sẽ cao tương ứng, nên người nông dân khó có thể “gánh” được.

Còn theo TS Đặng Kim Sơn - Viện Trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NNNT - thì: “Cái khó của BHNN là nếu xảy ra thiệt hại thì trên qui mô lớn, vì thế việc bồi hoàn sẽ vượt quá khả năng của cơ quan tài chính; thứ hai, các tiêu chí để đánh giá thiệt hại rất khó giám sát, nhiều khi nếu giám sát hết các tiêu chí thì chi phí lại vượt quá cả bồi hoàn. Đấy là những khó khăn khiến ít DN muốn làm BHNN. Phạm vi của bảo hiểm thiên tai không nhiều, nhưng thiệt hại bên nông nghiệp như dịch bệnh, thời tiết lại rơi vào hai điểm khó kia. Câu chuyện này không phải chỉ riêng có ở Việt Nam mà thế giới cũng vậy”.

Khó cũng quyết tâm làm

Trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài, sản xuất nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, đảm bảo cung cấp các sản phẩm thiết yếu cho đời sống, làm nguyên liệu cho các ngành công nghiệp và xuất khẩu.

Thời gian qua, một số doanh nghiệp bảo hiểm như Bảo Việt, Bảo Minh đã thực hiện nghiệp vụ bảo hiểm trong nông nghiệp ở một số địa bàn và một số sản phẩm cây trồng, vật nuôi nhất định trên quy mô nhỏ. Tuy nhiên, do đối tượng tham gia bảo hiểm ít, phí bảo hiểm cao, tổn thất lớn nên hoạt động bảo hiểm trong nông nghiệp chưa đạt được kết quả như mong muốn. Mặt khác, hoạt động sản xuất nông nghiệp của nước ta còn phân tán theo quy mô hộ gia đình, kỹ thuật canh tác nuôi trồng còn lạc hậu, nhận thức của nông dân trong việc đề phòng, hạn chế tổn thất chưa cao, nên chưa ý thức được lợi ích của việc tham gia bảo hiểm. Bên cạnh đó, Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm cho dân nghèo.

Theo đề nghị của Bộ Tài chính và các Bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 01/3/2011 về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013.

Theo đó, đối tượng được BH là cây lúa, trâu, bò, gia cầm và thủy sản. Đặc biệt, Chính phủ quyết định hỗ trợ 100% phí BHNN cho hộ nông dân, cá nhân nghèo tham gia SXNN. Sự hỗ trợ đắc lực của Nhà nước dự kiến sẽ giúp các hộ nông dân mạnh dạn tham gia loại hình BH này, qua đó giúp họ san sẻ bớt rủi ro do thiên tai, dịch bệnh gây ra hàng năm.

Để giải quyết khó khăn trong giai đoạn thực hiện thí điểm và lâu dài, theo TS Đặng Kim Sơn, Nhà nước phải lập ra được chính sách để bù đắp khi thị trường không xử lý được. Thứ hai, phải bàn với các cơ quan tài chính, vì họ mới là nơi cung cấp các dịch vụ này chứ không phải nói với người nông dân.

Còn theo ông Phùng Đắc Lộc, hoạt động SXNN ở nước ta còn nhỏ lẻ, manh mún, giá đầu ra của nông sản bấp bênh, nên khó xác định mức thiệt hại khi có thiên tai, dịch bệnh, khiến quá trình bồi thường của DNBH gặp khó khăn. Để khắc phục, cần có một bộ tiêu chí đánh giá rõ ràng, hướng dẫn cụ thể thì mới thu được hiệu quả cao khi triển khai BHNN…

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà khẳng định, tới đây, Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương triển khai thí điểm BHNN một cách hiệu quả. Theo Quyết định 315/QĐ-TTg, Nhà nước hỗ trợ từ 20-100% phí bảo hiểm cho các đối tượng tham gia sản xuất nông nghiệp. Để giám sát nguồn hỗ trợ của Nhà nước, Bộ sẽ xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ, bảo đảm vốn hỗ trợ sẽ đến tay các hộ nghèo./.

(Theo: Vũ Hạnh/VOV)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất