Sáng ngày 18/10, tại Hà Nội, trên tinh thần bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hoá dân tộc, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Nội cùng với Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp với Phòng Giáo dục - Đào tạo quận Hà Đông tổ chức chương trình hành trình di sản "Tìm hiểu về di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Lịch sử Thăng Long - Hà Nội".
Chương trình Hành trình di sản nhằm cung cấp thêm cho các em học sinh những hiểu biết cơ bản về Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, về lịch sử và truyền thống khoa bảng của Thăng Long - Hà Nội nói chung và Hà Đông nói riêng. Thông qua đó, giáo dục cho các em lòng yêu nước, yêu lịch sử dân tộc, khích lệ các em say mê học tập, tự rèn luyện vươn lên đạt thành tích cao trong học tập và có ý thức bảo tồn Di sản văn hóa dân tộc.
Tham dự chương trình hành trình di sản có 3 trường tiểu học thuộc quận Hà Đông gồm: Trường Tiểu học Văn Yên, Kiến Hưng và Trần Đăng Ninh. Các đội tham gia ba phần thi: Tìm hiểu về di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám; tìm hiểu về lịch sử Thăng Long - Hà Nội; hành trình đi tìm di sản.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám được thành lập năm 1070 dưới thời Vua Lý Thánh Tông, là Trung tâm giáo dục - đào tạo nhân tài lớn nhất Việt Nam thời quân chủ. Trải qua gần 1000 năm lịch sử, nơi đây không chỉ đào tạo ra hàng nghìn các bậc đại khoa, hiền tài cho đất nước mà còn là nơi hun đúc, bảo tồn và lưu truyền nhiều truyền thống quý báu của dân tộc như: Hiếu học, hiếu nghĩa, tôn sư trọng đạo, tôn trọng hiền tài...
Là một vùng đất trù phú, giàu truyền thống khoa bảng nằm ngay cửa ngõ Thủ đô Hà Nội, Hà Đông vẫn còn lưu giữ nhiều di sản văn hoá Nho học như: Văn từ, văn chỉ và các từ đường dòng họ Tiến sĩ, là nơi bảo tồn và lưu truyền nhiều giá trị văn hoá và tên tuổi của nhiều danh nhân nổi tiếng xứ Đoài như: Tư nghiệp Quốc Tử Giám Nguyễn Hoàn, anh em Tiến sĩ Ngô Duy Viên và Ngô Duy Trừng… Đó là những di sản văn hoá quí giá cần được giữ gìn và phổ biến rộng rãi đến đông đảo công chúng, đặc biệt là đến các em học sinh, sinh viên.
Trong suốt gần 1000 năm qua, với nhiều thăng trầm của lịch sử, Văn Miếu - Quốc Tử Giám vẫn giữ được dáng vẻ cổ kính với nhiều di vật quý hiếm, là chứng tích của nền văn hiến - khoa cử nghìn năm như: Khuê Văn Các, Điện Đại thành, tượng thờ, cùng hệ thống hoành phi, câu đối, đại tự phong phú... và đặc biệt là Di sản Tư liệu thế giới 82 bia tiến sĩ - Bảo vật quốc gia, không chỉ chứa đựng nhiều giá trị nhân văn có ý nghĩa giáo dục trong đời sống xã hội hiện đại, mà còn tái dựng lại bức tranh toàn cảnh về chế độ giáo dục, khoa cử xưa của đất nước, truyền thống khoa bảng của Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến.
Duy Phong