Sau gần 2 năm thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về gói hỗ
trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, những mục tiêu đạt
được vẫn còn xa cả về số lượng và chất lượng.
Theo báo cáo của Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và
công nghệ - đơn vị thực hiện chức năng quản lý nhà nước về phát triển
thị trường và doanh nghiệp khoa học, Bộ Khoa học và Công nghệ, đến nay
mới chỉ công nhận được trên 100 doanh nghiệp khoa học và công nghệ, con
số này quá nhỏ so với số lượng doanh nghiệp hiện hữu trên cả nước.
Cần phát triển thị trường công nghệ
Trong bối cảnh thị trường khoa học và công nghệ của Việt Nam đang hình
thành, Quyết định 2075 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát
triển thị trường khoa học và công nghệ đến 2020 có nhiều quan điểm và
cách tiếp cận đột phá mang tính chiến lược, điển hình như xây dựng 3 sàn
giao dịch công nghệ quốc gia ở 3 thành phố lớn; kết nối hệ thống các tổ
chức dịch vụ và các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công
nghệ trên phạm vi cả nước, khu vực và quốc tế.
Hiện nhiều địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An, Thành
phố Hồ Chí Minh… đã thành lập được các sàn giao dịch công nghệ, nhưng
hoạt động của các sàn giao dịch công nghệ chưa thực sự hiệu quả và chưa
khẳng định được vai trò thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công
nghệ.
Tiếp tục hỗ trợ thị trường khoa học và công nghệ phát triển, tổ chức
chung gian làm nhiệm vụ kết nối cung-cầu có vai trò quan trọng. Vì vậy,
ngày 13/6/2014, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư 16/2014
quy định về điều kiện thành lập, hoạt động của tổ chức trung gian của
thị trường khoa học và công nghệ.
Đây là cơ sở pháp lý để thúc đẩy hoạt động của các sàn, trung tâm giao
dịch công nghệ, tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo, trung tâm xúc tiến và
hỗ trợ chuyển giao công nghệ, trung tâm hỗ trợ định giá tài sản trí tuệ,
cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Tăng cường hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, quản
trị và nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp khoa học công nghệ.
Tại hội nghị Phát triển thị trường công nghệ và hội nghị Phát triển
doanh nghiệp khoa học và công nghệ vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Khoa học
và Công nghệ Trần Văn Tùng yêu cầu Cục Phát triển thị trường và doanh
nghiệp Khoa học và công nghệ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan,
hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý cho
phát triển thị trường công nghệ và doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Để hỗ trợ thị trường công nghệ, Nhà nước đã tập trung đầu tư nhiều dự
án, chương trình nhằm thúc đẩy nguồn cung sản phẩm khoa học và công nghệ
do các viện nghiên cứu, trường đại học hay doanh nghiệp tạo ra.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng thực hiện các chính sách hỗ trợ bên có nhu
cầu sử dụng sản phẩm khoa học công nghệ; ban hành chính sách tín dụng ưu
đãi thông qua thành lập các loại quỹ…
Các cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên
cứu, đổi mới công nghệ đã có những tác động tích cực giúp các doanh
nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh để phát
triển.
Thúc đẩy phát triển thị trường công nghệ khởi sắc chính là sự hình thành
và phát triển của các chợ công nghệ và thiết bị - Techmart Việt Nam, bà
Lê Thị Khánh Vân, Phó Cục trưởng, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ
quốc gia chia sẻ Techmart được tổ chức trên quy mô quốc gia được xem là
cú hích quan trọng đối với sự phát triển khoa học công nghệ nói chung,
thị trường công nghệ nói riêng.
Đặc biệt, từ sau năm 2006, hàng loạt các Techmart được tổ chức thành
công ở Hòa Bình, Khánh Hòa, An Giang, Buôn Ma Thuột, Hà Nam, Quảng Ninh,
Bình Dương, Quảng Nam, Hà Nội… nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã tham
gia vào thị trường mới mẻ này của Việt Nam.
Số lượng hợp đồng ký kết tại các kỳ Techmart ngày một tăng và giá trị
các giao dịch, mua bán công nghệ cũng tăng theo từng năm khoảng 35-40%.
Dù vậy, nhưng theo đánh giá thì thị trường khoa học công nghệ Việt Nam
chưa thực sự phát triển do sản phẩm công nghệ chất lượng cao còn ít, các
giao dịch trên thị trường khoa học công nghệ còn nghèo nàn.
Các doanh nghiệp đến sàn giao dịch hay hội chợ chủ yếu là để mua bán máy
móc chứ chưa tham gia các giao dịch có hàm lượng công nghệ cao như mua
bán bản quyền sáng chế, hợp đồng nghiên cứu và triển khai.
Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ
Cùng với việc phát triển thị trường khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học
và Công nghệ cũng ban hành Thông tư số 15/2014 quy định về trình tự, thủ
tục giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và
phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước tạo thuận lợi cho đơn vị
chủ trì chủ động thành lập doanh nghiệp khoia học và công nghệ, liên
kết thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ,
thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Bên cạnh đó, nhiều văn bản hướng dẫn tạo hành lang pháp lý cho phát
triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ như hướng dẫn việc giao sử dụng
các kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ, hướng dẫn định giá tài
sản trí tuệ đối với các sản phẩm nghiên cứu và phát triển công nghệ có
nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, ngoài ngân sách nhà nước cũng đã và
đang trong quá trình xây dựng…
Về vấn đề phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ trưởng Bộ
Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng: Để phát triển doanh nghiệp
khoa học và công nghệ, cần đổi mới phương thức đầu tư cho khoa học công
nghệ, không chỉ dựa vào 2% trong tổng chi ngân sách nhà nước mà phải huy
động được sự đầu tư của toàn xã hội, đặc biệt là đầu tư của các doanh
nghiệp cho phát triển khoa học công nghệ.
Bộ mong muốn nhiều doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp khoa học công
nghệ, được công nhận và được hưởng ưu đãi của nhà nước để có thể có được
sự phát triển mạnh mẽ, tạo giá trị gia tăng cho doanh nghiệp.
Hiện số lượng các doanh nghiệp khoa học và công nghệ được công nhận có
phân bố không đồng đều với quy mô nhỏ, các doanh nghiệp khoa học và công
nghệ chỉ tập trung ở các lĩnh vực giống nông nghiệp, chế biến dược
liệu, còn số các doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử phần mềm, công nghệ
sinh học và một số lĩnh vực công nghệ cao khác hầu như chưa đăng kí
hoặc chưa được công nhận là doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Thực tế cho thấy, doanh nghiệp khoa học và công nghệ phải đưa được một
phần, hay toàn bộ kết quả nghiên cứu và phát triển công nghệ vào các sản
phẩm sản xuất và thu nhập có lãi ở đầu ra.
Nhưng doanh nghiệp bị chồng chéo những chính sách ưu đãi theo từng
ngành, lĩnh vực, địa phương… và chính những quy định và cách hiểu khác
nhau trong việc hưởng ưu đãi thuế nên việc áp dụng chính sách ưu đãi
thuế cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ gặp khó khăn.
Đại diện Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ
cho biết, Cục đang phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng, đề
xuất một số giải pháp ngắn hạn, trung hạn cũng như dài hạn cho phát
triển thị trường công nghệ, giải quyết những yêu cầu, kiến nghị của
doanh nghiệp, tháo gỡ những vướng mắc trong thành lập và phát triển
doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Không chỉ chú trọng phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo
lĩnh vực riêng lẻ, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và
công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Cục Phát triển doanh
nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng phương án phối hợp phát triển
loại hình doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo mô hình phát triển
chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ, liên kết ngành và phát huy lợi thế cạnh
tranh của vùng, địa phương trong năm 2015./.
Hoàng Linh (TTXVN)