Chủ Nhật, 29/12/2024
Cuộc sống số
Thứ Hai, 17/11/2008 20:13'(GMT+7)

Thị trường đầu đọc sách điện tử Việt Nam – “mảnh đất” còn bỏ ngỏ

Một đầu đọc sách điện tử của HP

Một đầu đọc sách điện tử của HP

Nhu cầu có…

Từ nhiều năm nay, sách điện tử đã không còn xa lạ với người Việt. Sự tiện dụng và “sẵn có” của các cuốn sách điện tử trên mạng internet đã góp phần làm thay đổi thói quen đọc sách của nhiều người. Với những có thói quen đọc sách nhưng hay phải di chuyển, những cuốn sách điện tử đúng là một “cứu cánh”.

Đa số những cuốn sách điện tử được tải trên mạng internet sau đó người dùng chép vào điện thoại di động, máy tính cá nhân để sử dụng. Tuy nhiên, việc đọc sách bằng những thiết bị trên có nhiều hạn chế.


“Sách điện tử (tiếng Anh: electronic book; viết tắt: eBook) là một phương tiện số tương ứng của các loại sách in thông thường. Loại sách này ngày càng phổ biến do việc dễ dàng phân phát, chia sẻ trên Internet.
Với dung lượng nhỏ gọn nhưng chứa đựng một lượng tri thức lớn sách điện tử là một sự tuyệt vời cho nhu cầu lưu trữ và đọc sách mọi lúc, mọi nơi trên những thiết bị điện toán cá nhân...
(Theo từ điển Wikipedia)



Những chiếc điện thoại di động, phần đa có màn hình nhỏ nên khi được sử dụng để đọc sách sẽ gây khó khăn cho những người kém thị lực. Bạn hãy tưởng tượng nếu phải đọc một cuốn tiểu thuyết dày hàng trăm trang trên một chiếc điện thoại di động có màn hình nhỏ bằng lòng bàn tay sự khó chịu sẽ như thế nào. Đối với một chiếc máy tính xách tay, nhược điểm trên sẽ được giải quyết nhưng lại nảy sinh những bất cập mới. Bạn hoàn toàn có thể tin chắc rằng mình không thể lúc nào, ở bất kỳ đâu cũng có thể mở laptop để đọc sách, chưa kể pin của những chiếc máy tính xách tay thường chỉ giúp máy hoạt động được từ 2-4 tiếng – một khoảng thời gian không đủ để bạn đọc xong một cuốn sách dày.

Nhiều người Việt đã nghĩ đến sự cần thiết của những thiết bị giúp đọc sách điện tử một cách chuyên nghiệp, màn hình đủ rộng nhưng không quá cồng kềnh, dung lượng pin đủ để có thể phục vụ việc đọc và nghiên cứu sách điện tử trong một thời gian dài. Anh Phạm Duy Đông, một cựu sinh viên Đại học Luật Hà Nội cho biết công việc của anh đòi hỏi phải đọc sách rất nhiều. Hay phải di chuyển nên anh không thể đem theo một “lô xích xông” sách để nghiên cứu, chính vì thế, anh tìm đến các tài liệu thuộc dạng sách điện tử và mong muốn sở hữu một chiếc đầu đọc sách chuyên nghiệp. “Đọc trên máy tính lâu rất nhức mắt và việc mang theo máy tính nhiều khi không tiện. Còn trên điện thoại, có nhiều cuốn sách không thể định dạng lại cho phù hợp với độ rộng của màn hình điện thoại. Với những cuốn sách nhiều biểu đồ, xem trên điện thoại là điều không tưởng.”- anh Đông nhận xét.

Một thành viên của diễn đàn “Thanh niên xa mẹ” có nickname Tannguyen chia sẻ cảm nhận khi được đọc sách điện tử trên một thiết bị chuyên dụng: “Sướng cái là ngồi đâu cũng đọc được, đặc biệt là trong các cuộc họp chán ngắt, hoặc buổi đêm nằm trên giường. Thứ nữa là không ngại bằng việc cầm một quyển dầy cộp… Quan trọng là màn hình đủ to, và chọn fonts với config cho tốt. Đọc bằng smartphone thì không khoái, vì bé quá; đọc bằng laptop, PC cũng không khoái vì phải ngồi nghiêm túc quá”.

Tại Việt Nam, những người có nhu cầu như anh Đông không phải là ít. Và hiện tại, họ vẫn phải chấp nhận cách đọc thông thường: tải sách trên mạng, chép vào máy tính, điện thoại để tranh thủ đọc.

…Tìm sản phẩm khó

Truy cập vào trang tìm kiếm Google, gõ từ khóa “mua, bán đầu đọc sách điện tử”, yêu cầu tìm kiếm của bạn sẽ không được đáp ứng đúng như mong đợi. Kết quả tìm kiếm chỉ cho thấy những bài viết giới thiệu về các loại đầu đọc sách điện tử trên thế giới, tuyệt nhiên không có địa chỉ mua, bán sản phẩm này tại Việt Nam.

Trên thực tế, các cửa hàng, siêu thị điện tử, điện máy lớn tại Việt Nam đều không kinh doanh dòng sản phẩm này. Thi thoảng ở đâu đó, người ta thấy xuất hiện một vài chiếc máy xách tay từ nước ngoài về để phục vụ nhu cầu của cá nhân. Những chiếc đầu đọc sách điện tử có giá bán ở nước ngoài từ 50 – 400 USD, khi về đến Việt Nam, giá sẽ còn đội lên cao nữa nhưng vẫn không có để mua.

Nhìn ra thế giới, dòng sản phẩm đầu đọc sách điện tử “nhiều như nấm sau mưa”. Các hãng sản xuất thiết bị điện tử lớn như Sam Sung hay Sony đều đã không ngừng đưa ra những sản phẩm đầu đọc sách chuyên dụng mới với nhiều tính năng hơn, rất thuận tiện cho người dùng. Thậm chí như Apple cũng đang dần coi dịch vụ cung cấp sách điện tử và phần mềm đọc sách là những sản phẩm mang tính chất mũi nhọn. Theo một bản điều tra, tại Apple Store, phần mềm đọc sách điện tử hàng đầu được dùng cho iPhone là Stanza đã được download 400.000 lần và copy 5000 lần một ngày. Các phần mềm ứng dụng khác được dùng còn có eReader và BookZ.

Trong các loại đầu đọc sách điện tử hiện đại đang được tung ra thị trường, Sony PRS-700 là một sản phẩm đáng chú ý. Sản phẩm được Sony ra mắt vào đầu tháng 10/2008 có trọng lượng nhẹ, phù hợp cho việc di chuyển và đặc biệt là được trang bị màn hình cảm ứng thân thiện với người sử dụng. Thiết bị này còn được kèm theo một bút chấm, có thể đánh dấu những đoạn text cần ghi nhớ và ghi chú. Bộ nhớ trong của PRS-700 có thể lưu trữ 350 quyển sách và ngoài ra nó còn có thêm một thẻ nhớ ngoài. Sự đầu tư không ngừng của Sony vào dòng sản phẩm này và những con số từ Apple đã cho thấy nhu cầu về đầu đọc sách điện tử trên thế giới vẫn không ngừng tăng lên. Người dùng ngày càng đòi hỏi phải có được những thiết bị đọc sách chuẩn, tiện dụng và không gây hại cho sức khỏe.

Hiện nay, tại Việt Nam, bộ phận trí thức có thu nhập cao đang không ngừng tăng lên. Với nhu cầu, đòi hỏi của công việc, giải trí cùng với những ưu điểm rõ của sách điện tử, có lẽ sẽ không ít người chịu khó “đầu tư” cho mình một thiết bị đọc sách điện tử chuyên nghiệp. Tuy vậy, dù có tiền, những đối tượng này vẫn không thể được thỏa mãn nhu cầu bởi đơn giản loại sản phẩm trên vẫn rất khó tìm tại Việt Nam.

Có thể nói, “mảnh đất” tiềm năng từ dòng sản phẩm đầu đọc sách điện tử vẫn đang bị các nhà phân phối Việt Nam bỏ ngỏ…


(Theo cuocsongso)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất