Thứ Bảy, 5/10/2024
Cuộc sống số
Thứ Tư, 10/12/2008 20:30'(GMT+7)

Thị trường truyền hình di động Việt Nam - Ai đủ sức "phá băng"?

Truyền hình di động Việt Nam – “phiên chợ chiều” ảm đạm

Truyền hình di động đã từng được sự báo là sẽ bùng nổ trong tương lai gần. Tin vào dự báo đó, cách đây 2 năm, Sfone và VTC đã tiến hành cung cấp dịch vụ với những sự kỳ vọng lớn lao, rằng Mobile TV sẽ đủ sức để làm thay đổi thói quen xem ti vi thông thường của những người yêu thích truyền hình. Những ưu điểm, tiện dụng của phương thức xem truyền hình mới trong lý thuyết đã trở thành “cơ sở của niềm tin” để các nhà cung cấp đầu tư cho dịch vụ. Với VTC họ đặt ra kế hoạch sẽ có khoảng 500 ngàn thuê bao trong 3 năm đầu triển khai dịch vụ…

Thời điểm dịch vụ được cung cấp, thị trường được khấy động nóng dần lên với sự cạnh tranh của Sfone và VTC. Nhưng rồi, tất cả lại nhanh chóng “giảm nhiệt”. Cả 2 nhà cung cấp nhận ra, “miếng bánh” thị trường truyền hình di động Việt Nam vẫn quá bé nhỏ để có thể chia nhau, thậm chí, nó chưa đủ độ lớn để được gọi là một thị trường theo đúng nghĩa…

Gần 2 năm sau ngày đưa dịch vụ ra thị trường, VTC cho biết, họ mới chỉ đạt gần 20 ngàn thuê bao – một con số có thể vượt qua Sfone nhưng không thấm là bao so với những kỳ vọng…

Tại sao vậy? câu hỏi cho sự ảm đạm của thị trường này có lẽ không khó để trả lời. Phóng viên Vân Oanh – Báo Thời báo vi tính Sài Gòn cho rằng: Chỉ xem xét về mặt nội dung, dịch vụ của Sfone vẫn còn một khoảng cách khá xa so với dịch vụ truyền hình di động mà người dùng mong muốn. Nhà cung cấp này chủ yếu chỉ cung cấp những video, nhạc, phim đơn thuần nên không đủ sức hấp dẫn để lôi kéo người dùng.

“Còn dịch vụ truyền hình di động được cung cấp bởi VTC thì theo tôi có 2 rào cản là thiết bị để sử dụng và giá cước dịch vụ. Với giá cước khoảng 100 ngàn/tháng cho dịch vụ này thì không phải là cái giá cước mà người tiêu dùng sẵn sàng chấp nhận” – Phóng viên Vân Oanh cho biết thêm.

Truyền hình di động của Sfone thực chất là một tiện ích gia tăng của công nghệ CDMA – một công nghệ đang còn loay hoay tìm cho mình chỗ đứng tại Việt Nam. Khách hàng của Sfone muốn sử dụng Mobile TV cần đầu tư cho mình các thiết bị cao cấp với giá khá cao và thiết bị hỗ trợ cũng chỉ có một vài mẫu máy. Khi xem truyền hình trên di động, khách hàng phải trả tiền cho cả nội dung lẫn dữ liệu dịch vụ, với gói cước cao nhất lên đến 400.000 đồng/tháng. Nhìn rộng ra, có thể nói, Sfone đã “trói” khách hàng và “trói” mình bằng mạng CDMA kèm theo những gói cước đắt tiền.

VTC thì sao? để xem được truyền hình di động của VTC, người dùng phải bỏ tiền mua những thiết bị cao cấp của Nokia với giá lên đến cả chục triệu đồng. VTC đã từng kỳ vọng Nokia sẽ có những thiết bị hỗ trợ xem truyền hình với giá trên dưới 4 triệu. Tuy nhiên, cho tới nay, điều đó vẫn chưa xảy ra. Thậm chí, 2 loại máy Nokia N77 và N92 có thể xem được mobile TV của VTC đã ngày càng ít xuất hiện trên thị trường. N77 ngày càng ít được các nhà phân phối mang về, trong khi đó N92 đã ngừng sản xuất. Với những động thái của Nokia, nhiều người đã ra câu hỏi: VTC sẽ rơi vào tình trạng thế nào nếu nhà sản xuất này ngừng cung cấp thiết bị. Điều đó đã cho thấy, VTC đang tự làm khó mình với “cuộc kết hôn” cùng Nokia..

Về giá cước, mức thu khoảng 120 ngàn/tháng của VTC cũng khiến nhiều người chưa thực sự sẵn sàng trải nghiệm với dịch vụ.

Tình cảnh của Sfone và VTC Mobile đã cho thấy bức tranh ảm đạm của thị trường Mobile TV tại Việt Nam. Nhà cung cấp dịch vụ chưa thu được lời đã phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, trong khi đó người dùng chưa kịp vui vì được sử dụng dịch vụ đã “giật mình” vì những tốn kém chưa cần thiết. Có thể nói rằng thị trường truyền hình di động tại Việt Nam “mua vui chưa được một vài trống canh”…

Không chỉ là cuộc cạnh tranh tay đôi…

Chưa cần nghĩ cách để cạnh tranh với nhau, cả VTC, Sfone và những “ông lớn” đang có ý định cung cấp dịch vụ này đã phải đau đầu vì sự phát triển như vũ bão của các phương tiện nghe nhìn tương tự…

Bắt đầu bằng làn sóng điện thoại xem truyền hình có xuất xứ từ Trung Quốc. Đổ bộ vào Việt Nam chưa lâu, các dòng điện thoại này đã trở thành “kẻ phá bĩnh” của thị trường truyền thống. Với mức giá rẻ, xem được truyền hình với chất lượng khá, điện thoại Trung Quốc trở thành sự lựa chọn của nhiều người. Nhiều người còn không ngần ngại sang tận đất Trung Quốc để tự tay lựa chọn cho mình một chiếc điện thoại. Có thể nói, dù chỉ xem được truyền hình Analog, đối với nhiều người, như thế cũng là thỏa mãn cho “cơn khát” xem truyền hình trên điện thoại di động.

Trước khi điện thoại Trung Quốc có cuộc đổ bộ vào Việt Nam, các thiết bị xem USB xem truyền hình trên máy tính cũng đã trở thành sự lựa chọn của không ít người. Bỏ ra một khoản tiền trên dưới 1 triệu đồng, với chiếc máy tính xách tay có sẵn, nhiều người đã xem những chiếc USB này là “vật bất ly thân”…

Chưa hết, tốc độ phát triển bùng nổ của internet cũng trở thành một thách thức cho các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình di động. Khi ADSL đã sẵn, Wifi nhiều, và có thể sau này là Wimax, nhiều người sẵn sàng thỏa mãn cơn “nghiền” truyền hình bằng cách xem trực tuyến trên mạng… Tại các tụ điểm công cộng, quán café… các màn hình ti vi độ phân giải cao cũng không thiếu để phục vụ cho các tín đồ của tivi.

Tuy vậy, theo ông Trần Nam Trung, Giám đốc trung tâm dịch vụ công nghệ truyền hình “vẫn còn cửa” cho các nhà cung cấp dịch vụ Mobile TV bởi lẽ các thiết bị xem truyền hình tương tự còn tồn tại nhiều điểm yếu.

Đơn cử như các dòng điện thoại Trung Quốc, tuy giá rẻ nhưng chất lượng thu không ổn định. Chiếc điện thoại Trung Quốc khi di chuyển rất khó bắt được tín hiệu do đây là thiết bị thu truyền hình Analog. Khi bắt được tín hiệu cũng dễ xảy ra tình trạng mờ nhiễu, bóng ma khi xem.

VTV có đủ sức “phá băng”?

Trong bối cảnh thị trường đang ảm đạm một cách thảm hại, Trung tâm dịch vụ công nghệ Truyền hình - Đài Truyền hình Việt Nam tuyên bố chính thức thử nghiệm Mobile TV. Động thái của VTV có người đánh giá là dũng cảm, có người cho rằng là quá liều lĩnh vào lúc này. Không ít phóng viên nhận định, nếu VTV cũng triển khai theo đúng mô hình của Sfone hay VTC, dịch vụ sẽ “chết” trước khi nó có thể tạo nên một bất ngờ nào đó.

Vậy VTV đang đi theo con đường nào? Có đúng hướng để mang lại những giải pháp cứu vãn cho thị trường Mobile TV tại Việt Nam?

Khác với Sfone và VTC, VTV đã lựa chọn chuẩn T-DMB để thử nghiệm dịch vụ. Theo các kỹ sư của VTV, chuẩn T-DMB phát trên băng tần VHF có nhiều ưu điểm với khả năng lan truyền sóng tốt, cho phép nhận các chương trình truyền hình di động chất lượng cao, ngay cả khi người đi đường ở tốc độ lên tới 200km/h. Những kinh nghiệm triển khai T-DMB tại Hàn Quốc, Trung Quốc và một số quốc gia khác được xem là cơ sở để triển khai tốt dịch vụ tại Việt Nam. Những kinh nghiệm triển khai T-DMB tại Hàn Quốc, Trung Quốc và một số quốc gia khác đang được xem là cơ sở để triển khai dịch vụ tại Việt Nam. Tuy vậy, thực tế của Sfone và VTC khi cung cấp dịch vụ lại khiến bài toán về thiết bị thu xem cho người dùng lại một lần nữa sẽ là một thách thức cho VTV!

Kỹ sư Đỗ Trần Quỳnh – Trung tâm dịch vụ công nghệ truyền hình, Đài THVN cho biết VTV sẽ không phụ thuộc vào một nhà cung cấp thiết bị nào, sẽ có những những thiết bị ở các phân giá khác nhau cho người dùng chọn. Trên thực tế, phần đa người sử dụng di động vẫn lựa chọn những sản phẩm được sản xuất bởi các nhà sản xuất có uy tín như: Nokia, Samsung hay Sony Ericsson… nên trong trường hợp, các hãng này chưa sẵn sàng hỗ trợ chuẩn T-DMB, nhà cung cấp dịch vụ truyền hình di động chắc chắn lại gặp khó. Và nếu có hỗ trợ thì giá thành thiết bị đầu cuối có gắn chip TDMB sẽ không hề rẻ một khi thị phần thuê bao truyền hình di động mới chỉ dừng lại ở con số vài chục ngàn!

Cũng theo Trung tâm dịch vụ công nghệ truyền hình VTV, thêm một giải pháp nữa được đưa ra: khi người dùng không muốn thay đổi điện thoại đang sử dụng, họ có thể lựa chọn phương thức gắn thêm một con Chip thu tín hiệu truyền hình để có thể sử dụng dịch vụ. Tuy nhiên, một loạt câu hỏi lại được đặt ra: có bao nhiêu người sẵn sàng gắn thêm thiết bị vào điện thoại di động của minh? Và nếu có nhu cầu thì việc gắn chip thủ công liệu có đảm bảo bài toán cả về chất lượng lẫn số lượng?

Về giá cước sử dụng, ông Trần Nam Trung cho biết, Trung tâm dự kiến sẽ tung ra các gói kênh chủ yếu là miễn phí, khách hàng nếu muốn sử dụng thêm các kênh đặc biệt chỉ phải trả một mức thuê bao tương tự như truyền hình cáp, tức là từ 40 – 60 ngàn đồng mỗi tháng. Doanh thu chính của nhà cung cấp dịch vụ khi đó chủ yếu là từ quảng cáo và giá trị gia tăng từ các tiện ích tương tác.

Với VTV, dịch vụ Mobile TV vẫn còn nằm trong giai đoạn thử nghiệm và những khó khăn vẫn còn chờ đợi nhà cung cấp này ở phía trước, trong đó bao gồm cả những khó khăn trong việc xây dựng nội dung phù hợp cho truyền hình di động. Nếu không tính toán một cách kỹ lưỡng, không loại trừ khả năng khách hàng vẫn sẽ tiếp tục không mặn mà với truyền hình di động.

Cuối năm 2009, VTV sẽ kết thúc giai đoạn thử nghiệm, và chúng ta cùng chờ xem, “ông lớn” này sẽ làm thế nào để “hâm nóng” lại thị trường…

(Theo cuocsongso)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất