Chủ Nhật, 13/10/2024
Đời sống
Thứ Ba, 17/11/2009 16:18'(GMT+7)

Thị trường việc làm đang dần khởi sắc

Ảnh người lao động đăng ký xin việc

Ảnh người lao động đăng ký xin việc

Khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra cách đây một năm, cùng với đà suy giảm của sản xuất, kinh doanh thì lao động mất việc làm là điều khó tránh khỏi. Lúc đó, trong ngành lao động thương binh và xã hội cũng như dư luận xã hội đã có nhiều dự báo khá bi quan về tình hình thất nghiệp ở nước ta. Tuy nhiên, trên cả nước, an sinh xã hội được đảm bảo, một năm sau khủng hoảng, giờ đây phần đông số lao động mất việc đã trở lại nhịp điệu lao động thường ngày.

Chính sách hỗ trợ đồng bộ, kịp thời

Rất kịp thời ngay trong những tháng đầu năm 2009, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hàng loạt chính sách và cơ chế để hỗ trợ cả doanh nghiệp và người lao động chống chọi với “bão” khủng khoảng.

Đối với doanh nghiệp, được tăng vốn duy trì hoạt động để đảm bảo giải quyết việc làm, nếu bất khả kháng phải cắt giảm lao động, được vay vốn không lãi suất để thanh toán trợ cấp mất việc cho người lao động. Hỗ trợ các doanh nghiệp đang sử dụng và có khả năng sử dụng nhiều lao động như dệt may, da dày, chế biến... thông qua các gói hỗ trợ tín dụng ưu đãi, giảm thuế, hỗ trợ xuất khẩu, hỗ trợ quỹ lương và bảo hiểm, tiền thuê đất...

Đối với người lao động, trường hợp phá sản mà chủ doanh nghiệp bỏ trốn thì ngoài trợ cấp mất việc, Chính phủ hỗ trợ để đóng tiếp bảo hiểm xã hội cho người lao động, tạo điều kiện để họ tìm việc làm mới. Người lao động làm việc ở nước ngoài có hợp đồng bị mất việc phải về nước được trợ cấp mất việc, được vay vốn không lãi suất học nghề để chuyển đổi nghề, tự tạo việc làm ở trong nước và nước ngoài.

Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo triển khai nhanh các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và dân sinh thu hút nhiều lao động nhằm duy trì việc làm; Tăng cường giúp đỡ các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua tiếp cận tín dụng, công nghệ và thị trường mới; Mở rộng các hệ thống bảo hiểm xã hội và bảo trợ xã hội cho các nhóm lao động dễ bị tổn thương như da giày, may mặc và lao động tại các làng nghề. Đặc biệt, nên chú ý đến công tác đào tạo và nâng cao kỹ năng cho các công nhân bị thất nghiệp và lao động xuất khẩu hồi hương.

Đặc biệt, để duy trì được quy mô việc làm trong lĩnh vực nông nghiệp, kích cầu lao động, giảm sức ép việc làm và thu nhập ở nông thôn, Chính phủ đã cho phép triển khai một số giải pháp.

Đó là thúc đẩy sản xuất nông nghiệp; trước hết là sản xuất lúa gạo và các loại nông sản, đảm bảo thực hiện được mục tiêu sản lượng và giải quyết việc làm thông qua nhiều gói hỗ trợ, như gói tín dụng hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, ưu tiên các loại sản phẩm chiến lược như gạo, cao su, cà phê...; gói tín dụng hỗ trợ bao tiêu, chế biến nông sản... thông qua hoạt động của các tổng công ty; gói hỗ trợ lao động sản xuất nông nghiệp (nông dân) về giống, thủy lợi, phân bón... tăng cường thu mua và dự trữ quốc gia. Hỗ trợ phát triển mô hình kinh tế hộ tự sản xuất, tự tạo việc làm thông qua các gói hỗ trợ tín dụng vi mô, chương trình tín dụng việc làm và các chính sách hỗ trợ khác. Hỗ trợ tăng cường các hoạt động đào tạo nâng cao nguồn nhân lực nông thôn. Đặc biệt ưu tiên đào tạo lao động xuất khẩu, chuẩn bị để đáp ứng tốt hơn nhu cầu lao động quốc tế sau khủng hoảng.

Điểm sáng lao động – việc làm

Các giải pháp kịp thời và rất thiết thực đó đã phát huy tác dụng tốt đến kinh tế-xã hội. Theo báo cáo ngày 9/11 vừa qua của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thì trong quý III/2009, cả nước có gần 11.200 lao động làm việc tại các doanh nghiệp mất việc, giảm 83% so với quý I. Các tỉnh thành có hàng chục nghìn lao động mất việc như TP HCM, Bình Dương thì nay chỉ còn khoảng 500. Hà Nội không có lao động mất việc làm trong quý III, trong khi đó quý I có tới hơn 13.000. Hải Phòng cũng không có lao động bị sa thải, trong khi quý I có hơn 4.000.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội dự báo, cùng với việc thực hiện các gói kích cầu đầu tư và tiêu dùng, từ nay đến cuối năm, tình hình lao động mất việc của khối doanh nghiệp sẽ tiếp tục giảm. Nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp tăng cao trong 3 tháng cuối năm. Tỉnh Bình Dương dự kiến tuyển 20.000, Long An 8.700 và Vĩnh Long 7.000 lao động…

Công tác xuất khẩu lao động cũng là điểm sáng của năm 2009, theo thống kê của Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH), 10 tháng năm 2009, cả nước đã đưa được 58.260 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đạt 64% kế hoạch đề ra. Theo ông ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, xuất khẩu lao động đang có dấu hiệu phục hồi mạnh, các thị trường bắt đầu quay lại với doanh nghiệp Việt Nam để tuyển dụng lao động. Tuy nhiên, với các đơn hàng khai thác được vào thời điểm này phải đến đầu năm sau mới có kết quả.

Riêng thị trường lao động cấp cao đang có dấu hiệu phục hồi. Theo VietnamWorks.com, nhà cung cấp dịch vụ tuyển dụng trực tuyến lớn tại Việt Nam, chỉ số cầu nhân lực trực tuyến trong quý III tăng 11,4% so với quý II và tăng 52,4% so với quý đầu năm. Nhu cầu nhân lực của 24 trong tổng số 50 ngành nghề tăng, 21 ngành nghề khác không tăng không giảm.

Ông Chris Harvey, Tổng giám đốc VietnamWorks.com cho biết: “Thị trường đã bắt đầu hồi phục, các công ty đang chuyển dần sang trạng thái phát triển”.

Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất