Thứ Sáu, 22/11/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 17/3/2023 9:30'(GMT+7)

“Thiên thời, địa lợi” với doanh nghiệp lúa gạo Việt Nam

Chế biến gạo xuất khẩu. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Chế biến gạo xuất khẩu. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Năm 2023, ngành lúa gạo Việt Nam được cho là sẽ hưởng lợi từ giá gạo duy trì ở mức cao vì nhu cầu tăng cao, cùng đó biên lợi nhuận của doanh nghiệp gạo cũng được mở rộng nhờ chi phí đầu vào hạ nhiệt.

Theo chuyên gia từ Công ty trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS), ngành lúa gạo Việt Nam đang có yếu tố thiên thời và địa lợi.

Việc thời tiết thuận lợi đang tạo ra lợi thế cho doanh nghiệp Việt Nam so với đối thủ cạnh tranh. Trong khi đó, hạn hán kéo dài tại Trung Quốc khiến sản lượng niên vụ 2021-2022 của nước này giảm 2%.

Vì vậy, Trung Quốc dự kiến sẽ tăng nhập khẩu thêm 6 triệu tấn gạo trong niên vụ 2022-2023.

Bên cạnh đó, lượng tồn kho tại Philipines giảm do nhiều diện tích gieo trồng của nước này bị tàn phá bởi bão Noru, chi phí phân bón tăng cao khiến nước này phải gia tăng nhập khẩu gạo. Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo nước này tiếp tục phải nhập khẩu 2,8 triệu tấn cho niên vụ 2022-2023.

Diện tích gieo cấy tại Ấn Độ giảm 380.000 ha do hạn hán, dự kiến sản lượng của đợt gieo trồng Kharif (thu hoạch vào mùa thu và đầu mùa đông) chiếm 80% sản lượng nước này, có thể lên tới 10-12 triệu tấn cho niên vụ 2022/2023. Theo đó, sự sụt giảm nguồn cung tại Ấn Độ là tác nhân chính cho dự báo thâm hụt gạo toàn cầu năm tới.

Trong khi đó, tình hình thủy văn tại Việt Nam khá ổn định trong năm vừa qua với mưa nhiều và chuyển dần sang trung tính trong nửa đầu năm 2023, được kỳ vọng sẽ cho ra sản lượng ổn định.

VCBS đánh giá cao khả năng năm 2023, Việt Nam được hưởng lợi nhờ xu hướng giá gạo tăng do nguồn cung thu hẹp và sự dịch chuyển nguồn cầu từ Ấn Độ.

Thực tế, nhu cầu lương thực tăng cao đẩy giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ lên mức cao nhất trong gần hai năm. Một nhà giao dịch gạo tại Mumbai cho biết, nhu cầu đối với gạo Ấn Độ đã tăng mạnh hơn trong vài tuần qua vì giá gạo Ấn Độ ở mức thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh.

Xuất khẩu gạo năm 2022 của Ấn Độ đã tăng lên mức kỷ lục bất chấp các biện pháp hạn chế của chính phủ, do khách hàng tranh thủ giành lấy các đơn hàng có giá cạnh tranh từ nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Để hạn chế giá gạo tăng quá cao ở thị trường trong nước, Chính phủ Ấn Độ có kế hoạch duy trì lệnh cấm xuất khẩu gạo đồ và áp thuế 20% đối với gạo trắng xuất khẩu.

Trong khi đó, tại nước láng giềng Bangladesh, giá gạo trong nước cũng tăng cao bất chấp một vụ mùa bội thu và dự trữ dồi dào. Các quan chức nước này lý giải là do tình trạng đầu cơ của các thương nhân. Bangladesh gần đây đã cho phép một số công ty tư nhân nhập khẩu gạo để hạ nhiệt giá gạo địa phương.

Theo một thương nhân ở Việt Nam, nhu cầu gạo trên toàn cầu đang nhích lên do nhiều người lo ngại về bất ổn toàn cầu. Trong nửa đầu tháng Hai, các đơn hàng đến châu Phi và Malaysia thấp hơn nhiều so với năm trước, trong khi những lô hàng đến Trung Quốc và Philippines tăng mạnh.

Theo cân đối của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tổng lượng gạo hàng hóa dự kiến trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 4,124 triệu tấn; trong đó, xuất khẩu gạo tháng 1 là 390.000 tấn.

Do đó, tiêu thụ gạo hàng hóa 5 tháng còn lại cần đạt là 3,73 triệu tấn, chưa kể lượng gạo nhập khẩu từ Ấn Độ và lượng lúa từ Campuchia chảy về Việt Nam. Thời điểm lượng gạo hàng hóa cần tập trung xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm là tháng 2 đến tháng 4.

“Thien thoi, dia loi” voi doanh nghiep lua gao Viet Nam hinh anh 2
Nông dân Đồng Tháp thu hoạch lúa Thu Đông. (Ảnh: Chương Đài/TTXVN)

Mặc dù tình hình thế giới dự báo khá khó khăn, các doanh nghiệp gạo Việt Nam cho biết, đến cuối quý 1/2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ khởi sắc trở lại khi nguồn cung của thị trường dồi dào.

Trong khi đó, Thái Lan - đối thủ cạnh tranh của Việt Nam đang chịu sức ép về giá khi đồng baht tăng làm giảm lợi nhuận của các nhà phân phối ở nước ngoài. Do đó, nhiều đối tác có thể tìm nguồn hàng mới từ Việt Nam để tối ưu lợi nhuận. Hiện, gạo Việt có nhiều lợi thế về chất lượng và giá ở thị trường Mỹ, EU và Trung Quốc.

Bên cạnh việc giá gạo được duy trì ở mức cao, chuyên gia từ VCBS nhận định, chi phí đầu vào sản xuất lúa gạo dự kiến hạ nhiệt trong năm 2023, do động thái từ châu Âu và nguồn cung phân bón thế giới gia tăng.

VCBS cho biết các nước châu Âu nới lỏng lệnh trừng phạt và mở cửa cho các nhà xuất khẩu phân bón Nga. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng nới lỏng hạn ngạch xuất khẩu phân bón từ tháng 6/2022. Do đó chi phí đầu vào sản xuất lúa gạo năm 2023 được dự báo giảm, góp phần nâng cao biên lợi nhuận của doanh nghiệp.

Thực tế, năm 2022 dù xuất khẩu tăng cao, nhưng chi phí sản xuất lúa gạo cũng tăng mạnh đã “bào mòn” lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), chi phí sản xuất lúa gạo trong năm 2022 tăng mạnh, đẩy giá thành thu mua lúa, gạo hàng hóa lên cao, gây áp lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

Có thể kể đến trường hợp của Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (mã chứng khoán: TAR), riêng quý 4/2022, doanh thu của công ty đạt mức 1.575,8 tỷ đồng, tăng 35,2% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán cũng tăng mạnh khiến lợi nhuận gộp chỉ còn gần 67 tỷ đồng, giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm 2021.

Biên lãi gộp theo đó cũng giảm mạnh từ 9,6% xuống còn 4,25%. Trong kỳ, chi phí lãi vay của công ty tăng gần 42% lên 29,57 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ lên gần 6 tỷ đồng, trong khi chi phí bán hàng giảm 83% về còn 7,5 tỷ đồng. Khấu trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp chỉ đạt gần 18 tỷ đồng, giảm 58,9% so với quý 4/2021.

Năm 2022, doanh thu thuần của công ty đạt hơn 3.798 tỷ đồng, tăng gần 22% so với cùng kỳ, đây cũng là mức doanh thu trong một năm cao nhất của doanh nghiệp kể từ năm 2016. Tuy nhiên, do nhiều loại chi phí tăng mạnh, đặc biệt là chi phí lãi vay tăng gần 24,5% lên 89 tỷ đồng, Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An báo lãi sau thuế giảm 27,5% so với năm 2021 về còn 70 tỷ đồng.

Với trường hợp của Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (mã chứng khoán: LTG), năm 2022, tổng doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp lần lượt đạt 11.691 tỷ đồng và 412 tỷ đồng.

Công ty cho biết doanh thu thuần tăng trưởng 14,3% so với năm trước, trong khi lợi nhuận sau thuế giảm 1,45%, một phần do chi phí nguyên vật liệu cho ngành trồng trọt tăng cao.

Có thể thấy doanh nghiệp ngành gạo trải qua năm 2022 với nhiều khó khăn, đặc biệt việc chi phí tăng cao khiến doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm.

Giới phân tích nhận định, doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ thuận lợi hơn trong năm 2023, trong bối cảnh giá gạo vẫn duy trì ở mức cao và nhiều loại chi phí sản xuất, xuất khẩu gạo giảm dần giúp biên lợi nhuận doanh nghiệp ngành gạo đi lên./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất