Thứ Sáu, 4/10/2024
Kinh tế
Thứ Bảy, 27/8/2011 22:46'(GMT+7)

Thiết lập lại kỷ cương trên thị trường tiền tệ là nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân và lợi ích quốc gia

 

Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 02-KL/TW, khẳng định tính đúng đắn của Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ. Kết luận nêu rõ: “… Mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 gắn liền với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015 là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Đây là những nhiệm vụ có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau, cần được quán triệt, triển khai đồng bộ trong suốt quá trình phát triển… Tập trung ưu tiên hàng đầu cho việc kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội, coi đây vừa là nhiệm vụ cấp bách ngắn hạn của năm 2011, vừa là nhiệm vụ quan trọng của một vài năm tiếp theo. Trong năm 2011 và một vài năm đầu của kế hoạch 5 năm 2011 – 2015, không quá câu thúc bởi mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GDP năm 2011 cao hơn năm 2010 để tránh tạo ra lạm phát cao, tạo tiền đề vững chắc cho tăng trưởng cao hơn ở những năm cuối của kế hoạch 5 năm”.

Kết luận số 02-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình mạnh mẽ của mọi tầng lớp nhân dân, của cộng đồng các nhà tài trợ, đầu tư và bạn bè quốc tế. Cả nước với ý quyết tâm cao nhất đang bắt tay vào triển khai quyết liệt các chính sách, giải pháp của Đảng và Chính phủ, biến các chính sách và giải pháp này thành hiện thực của đời sống kinh tế - xã hội đất nước.

Sau 25 năm đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo và tổ chức thực hiện của Chính phủ, đất nước ta đã đạt được những thành tựu hết sức cơ bản, quan trọng và to lớn; đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện; quốc phòng, an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; thế và lực của Việt Nam trong khu vực và thế giới không ngừng được nâng cao. Những thành tựu to lớn đó là những mốc son đánh dấu một giai đoạn phát triển đã qua và là nền tảng vững chắc cho đất nước ta bước vào thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 – 2020 với tầm nhìn đến năm 2050.

Nhìn nhận một cách khái quát nhất có thể thấy trong suốt chặng đường đã qua nền kinh tế của nước ta chủ yếu phát triển theo chiều rộng. Chính nhờ chiến lược phát triển kinh tế theo chiều rộng, chúng ta đã khơi dậy, động viên được ý chí tự lực, tự cường của mọi tầng lớp nhân dân, huy động được mọi của cải vật chất trong xã hội cho sự nghiệp tái thiết và xây dựng đất nước. Sau 25 năm đổi mới, kiên trì chiến lược đã vạch ra, thu nhập bình quân theo đầu người của nước ta từ mức thấp nhất thế giới đã đạt mức trung bình của thế giới. Đây là một thành tựu rất ấn tượng và nhận được sự thán phục, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên chiến lược phát triển kinh tế chủ yếu theo chiều rộng, cũng như bất kỳ một chính sách nào cũng đều có những hạn chế của nó. Phát triển kinh tế theo chiều rộng thông thường đòi hỏi vốn đầu tư cao và dàn trải. Do vậy, hiệu quả vốn đầu tư khó có thể cao, biểu hiện chỉ số ICOR của Việt Nam mặc dù có được cải thiện, nhưng vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực và thế giới. Hiệu quả đầu tư không cao và dàn trải được tích tụ qua các năm là nguyên nhân chủ yếu làm cho lạm phát tăng cao. Do vậy, trong nhiều năm qua, so với các nước trong khu vực và thế giới ta luôn có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn họ nhưng lạm phát ở ta cũng luôn cao hơn họ. Nhu cầu đầu tư lớn dẫn đến tình trạng đầu tư vượt xa khả năng tích lũy của nền kinh tế, thâm hụt ngân sách luôn ở mức cao. Để bù đắp phần thiếu hụt phải trông cậy vào đầu tư nước ngoài và vay nợ nước ngoài. Thực tế này đã làm cho nợ quốc gia và nợ công nước ngoài tăng nhanh trong những năm vừa qua, mặc dù vẫn trong ngưỡng an toàn nhưng cũng đến lúc phải thận trọng.

Việc mở rộng đầu tư cũng làm cho nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên liệu sản xuất chủ yếu gia tăng nhanh chóng, vượt quá khả năng tái tạo ngoại tệ của nền kinh tế. Đến lượt mình, điều này cộng thêm tâm lý tiêu xài và sính hàng ngoại của một bộ phận dân cư làm cho thâm hụt cán cân thương mại, nhập siêu ở mức cao và trở thành căn bệnh kinh niên của nền kinh tế. Lạm phát cao, nhập siêu lớn là nguyên nhân cơ bản làm mất giá đồng Việt Nam, suy giảm dự trữ ngoại tệ quốc gia và đến lượt mình, điều này làm giảm lòng tin của người dân vào đồng tiền Việt Nam (VND), tạo cơ hội cho đầu cơ, găm giữ, buôn lậu, buôn bán trái phép ngoại tệ và vàng.

Nhận định về vấn đề này, Kết luận số 02-KL/TW ngày 16/03/2011 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ: “Nguyên nhân của tình hình trên: Về khách quan, do tác động tiêu cực của tình hình kinh tế thế giới; về chủ quan là do những hạn chế, yếu kém vốn có của nền kinh tế, mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế chậm được khắc phục, bị tích tụ nặng nề hơn trong những năm phải đối phó với tình trạng suy giảm kinh tế và do một số hạn chế trong quản lý, điều hành của các cấp. Đây cũng chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trong nhiều năm qua, nước ta luôn phải đối mặt với tình trạng lạm phát cao và kinh tế vĩ mô không vững chắc, gay gắt hơn các nước trong khu vực”.

Như vậy, bên cạnh những thành tựu to lớn và là cơ bản của giai đoạn phát triển đã qua, nền kinh tế nước ta bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm 2011 – 2015 và chiến lược 10 năm 2011 – 2020 cũng phải giải quyết nhiều vấn đề phức tạp. Kết luận số 02-KL/TW ngày 16/03/2011 của Bộ Chính trị đã xác định: “Các cấp, các ngành cần quán triệt sâu sắc, nhất quán tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 gắn liền với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 là: Kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội”. Đây là một quyết sách có ý nghĩa vô cùng quan trọng và cũng là một thông điệp rõ ràng cho cả trong nước lẫn quốc tế.

Đối với trong nước, như đã trình bày ở trên, mặc dù nước ta đã bước vào ngưỡng đầu của các nước có mức thu nhập trung bình, nhưng kết cấu cơ sở hạ tầng của nền kinh tế còn nhiều bất cập và yếu kém. Kinh nghiệm phát triển kinh tế thế giới cho thấy mức thu nhập trung bình cũng là một cái bẫy đối với nhiều nước đang phát triển trên thế giới. Khi đó tâm lý thỏa mãn lan tràn trong dân cư cũng như các nhà lãnh đạo chính trị - kinh tế của đất nước; quyền lợi của các phe phái, nhóm người trong xã hội trỗi dậy, đan xen và ràng buộc lẫn nhau kìm hãm mọi quá trình cải cách nền kinh tế; tham ô, tham nhũng làm bóp méo mọi quan hệ của đời sống kinh tế xã hội. Trong bối cảnh đó khó có thể có được những quyết sách đúng đắn có ý nghĩa chiến lược mang lại cho nền kinh tế có những thay đổi về chất, đạt tới tầm phát triển cao hơn và do vậy mà nhiều nước sau nhiều năm vẫn luẩn quẩn trong ngưỡng thu nhập trung bình.

Ở Việt Nam, Đảng và Chính phủ đã nhìn thẳng vào những tồn tại, yếu kém của nền kinh tế và kiên quyết đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. Chỉ có như vậy, chúng ta mới cũng cố được niềm tin trong nhân dân, phát huy được ý chí, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, đưa sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước lên một tầm cao, mới có sự thay đổi về chất, đưa nước ta từ một nước có mức thu nhập trung bình thành một nước về cơ bản là một nước công nghiệp vào năm 2020.

Đối với quốc tế, những chủ trương, quyết sách của Đảng, Chính phủ vừa qua thực sự là một thông điệp vô cùng phấn khởi đối với cộng đồng các nhà tài trợ, các nhà đầu tư cả trực tiếp lẫn gián tiếp vào Việt Nam. Đất nước ta luôn được quốc tế đánh giá cao là một nước có nền chính trị vững vàng, ổn định; trật tự, an ninh luôn được bảo đảm. Trong những giai đoạn kinh tế vĩ mô giữ được ổn định, Việt Nam thực sự trở thành một điểm đến lý tưởng của đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên trong những năm vừa qua, khi lạm phát gia tăng, kinh tế vĩ mô có nhiều biểu hiện không ổn định, đầu tư trực tiếp nước ngoài đã chững lại, đầu tư nước ngoài gián tiếp cũng nhỏ giọt. Sau khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới, mặc dù đã có dấu hiệu hồi phục, song các nền kinh tế lớn tăng trưởng còn chậm, không rõ nét và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, các luồng vốn đầu tư đang đổ dồn vào các nước Đông – Nam Á. Nhiều nước trong khu vực đang phải vất vả tìm mọi giải pháp để hấp thụ các luồng vốn này một cách hiệu quả nhất, đồng bản tệ của họ liên tục lên giá.

Trong khi đó ở Việt Nam, các luồng vốn này hầu như im ắng và VND liên tục mất giá. Thời gian qua, nhiều lần chúng ta đã đặt vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát nhưng vì chủ trương, giải pháp thiếu nhất quán và nhiều khi còn bị đánh đổi lấy các mục tiêu kinh tế khác, nên đã làm giảm lòng tin của cộng đồng các nhà đầu tư, các nhà tài trợ vào môi trường đầu tư của Việt Nam. Mức xếp hạng tín nhiệm đầu tư của ta bị giảm sút. Chính vì thế, những quyết sách nêu trên của Đảng và Chính phủ đã khẳng định rõ: kiềm chế lạm phát, bình ổn kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ không chỉ của năm 2011 mà có tính xuyên suốt cho cả thời kỳ phát triển sắp tới. Bằng việc tổ chức thực hiện thắng lợi các chủ trương chính sách này của Đảng và Chính phủ, chúng ta nhất định sẽ khơi thông được các luồng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, góp phần giải quyết được nhu cầu vốn vô cùng to lớn cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế đất nước, Việt Nam vẫn sẽ là một điểm thu hút đầu tư hấp dẫn trên thế giới.

Trong ngắn hạn, chúng ta có thể khẳng định rằng: bằng việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp mà Chính phủ đề ra trong Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/02/2011, chúng ta nhất định sẽ kiềm chế được lạm phát, ổn định một bước kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên kết quả đó có duy trì bền vững hay không còn phụ thuộc vào kết quả đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Nói một cách khác kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô tạo môi trường thuận lợi cho quá trình đổi mới mô hình phát triển, cơ cấu lại nền kinh tế. Tuy nhiên, đến lượt mình, các kết quả và thành tựu thu được từ đổi mới mô hình phát triển và cơ cấu lại nền kinh tế là cơ sở kinh tế vững chắc cho kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Nội dung đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế đã được phân tích trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 – 2020 và cũng đã được quán triệt sâu sắc tại Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Tuy nhiên đây là nhiệm vụ hết sức phức tạp, đòi hỏi phải tiến hành liên tục với những bước đi thích hợp vừa có tính kế thừa vừa có tính phát triển, đòi hỏi Đảng và Chính phủ phải kip thời có được các chủ trương, chính sách, giải pháp cụ thể, thích hợp cho ngay các bước đi đầu tiên.

Trong bối cảnh kinh tế đất nước đầu năm 2011, nói đến kinh tế vĩ mô là chúng ta nói đến lạm phát, tăng trưởng, thâm hụt ngân sách, thâm hụt cán cân thương mại, cán cân vãng lai và cán cân thanh toán tổng thể, tỷ lệ giữa đầu tư và tích lũy, tỷ lệ thất nghiệp, biến động của tỷ giá và dự trữ ngoại hối nhà nước, tỷ lệ nợ quốc gia, tỷ lệ nợ công… Các chỉ số và tỷ lệ trong các lĩnh vực nêu trên phụ thuộc lẫn nhau, tác động qua lại và đan xen lẫn nhau, và trong nhiều trường hợp lại có tính triệt tiêu lẫn nhau. Đôi khi nếu không cẩn thận, chỉ tiêu này lại triệt tiêu chỉ tiêu kia. Do vậy, tuỳ theo tình hình, đặc điểm của mỗi nước trong từng giai đoạn mà người ta quyết định lấy chỉ tiêu nào là chỉ tiêu tiên quyết phải đạt lấy, các chỉ tiêu khác phải là các chỉ tiêu thỏa hiệp, sẵn sàng nhân nhượng, hay nói một cách khác là sẵn sàng bị điều chỉnh để nhằm đạt được các chỉ tiêu tiên quyết.

Phân tích đặc điểm kinh tế của đất nước ta đầu năm 2011 cho thấy lạm phát tăng cao trong nhiều năm và có biểu hiện tiếp tục tăng cao hơn trong năm 2011; nền kinh tế nước ta đã có độ mở và hội nhập rất lớn (kim ngạch xuất, nhập khẩu đã trên 154% GDP). Trong bối cảnh đó, theo phân tích và đánh giá của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, các tổ chức tài chính phát triển quốc tế, Việt Nam nên chọn mục tiêu lạm phát; cải thiện và tăng dự trự quốc gia là hai mục tiêu tiên quyết cho giai đoạn phát triển hiện nay; các mục tiêu khác phải là các mục tiêu thỏa hiệp, sẽ bị điều chỉnh một cách thích hợp nhằm đạt được hai mục tiêu tiên quyết nói trên. Điều này có một ý nghĩa hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay, tạo ra một sự nhất quán trong các chính sách và giải pháp của Chính phủ và khi đạt được các mục tiêu tiên quyết này sẽ củng cố và nâng cao được vị thế đối nội và vị thế đối ngoại của nền kinh tế đất nước. Tuy nhiên, với đặc điểm là một quốc gia đông dân, lực lượng lao động trẻ, dồi dào, trình độ về cơ bản còn thấp, kinh tế phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, địa phương, đòi hỏi chúng ta phải giải quyết hài hòa với bài toán tăng trưởng ở mức hợp lý để giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh, trật tự, an toàn xã hội.

Kết luận 02-KL/TW ngày 16/03/2011 của Bộ Chính trị cũng như Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ đã chỉ rõ những chủ trương, chính sách giải pháp đồng bộ cho các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Không có một giải pháp đơn lẻ nào có thể giải quyết được mọi vấn đề. Các giải pháp có mối liên kết, tác động qua lại, hỗ trợ, bổ sung nhau, có nhóm giải pháp là tiền đề, điều kiện để thực hiện các nhóm giải pháp khác, và đến lượt mình, các nhóm giải pháp này lại là cơ sở để củng cố và tạo điều kiện cho các giải pháp kia phát huy tác dụng. Do vậy, nguyên tắc cơ bản là tính đồng bộ và quyết liệt của các giải pháp, sự phối hợp nhịp nhàng, linh hoạt của các Bộ, Ngành, chính quyền địa phương các cấp.

Trong ngắn hạn, nhóm giải pháp về chính sách tiền tệ có hiệu ứng nhanh nhất. Tuy nhiên những kết quả mà chính sách này mang lại sẽ không bền vững nếu nhóm các giải pháp khác như: chính sách tài khóa; chính sách đầu tư; chuyển đổi cơ cấu kinh tế … không kịp thời được triển khai đồng bộ.

Để triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời đưa ra 7 nhóm giải pháp và ban hành nhiều văn bản khác. Tuy nhiên, do chưa làm tốt công tác tuyên truyền theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Kết luận số 02-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ nên có những thời điểm, không định hướng rõ được nên còn gây hoang mang trong dư luận xã hội.

Theo Pháp lệnh quản lý ngoại hối, Nghị định số 160/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Pháp lệnh ngoại hối và các văn bản qui phạm pháp luật khác về quản lý ngoại hối, người dân có quyền sở hữu và cất trữ ngoại tệ; quyền gửi và rút ra bằng ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng được phép kinh doanh ngoại tệ; quyền nhận tiền kiều hối bằng ngoại tệ; quyền bán ngoại tệ và quyền mua ngoại tệ cho các nhu cầu hợp lý như: đi công tác, đi du lịch, đi học tập, đi chữa bệnh ở nước ngoài… với các tổ chức tín dụng được phép kinh doanh ngoại tệ; quyền sử dụng ngoại tệ thanh toán cho người không cư trú để mua sắm hàng hóa và dịch vụ được pháp luật cho phép… Pháp luật về quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng, vàng miếng (vàng miếng do các tổ chức kinh doanh vàng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép dập vàng miếng) cũng quy định những quyền cơ bản sau đây của người dân: quyền sở hữu và cất trữ vàng miếng, quyền mua bán, trao đổi vàng miếng, quyền gửi vào và rút ra vàng miếng tại các tổ chức tín dụng được phép kinh doanh vàng…

Từ trước đến nay Pháp luật quản lý ngoại hối của nước ta luôn nghiêm cấm việc mua bán ngoại tệ trên thị trường tự do; việc thanh toán bằng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam; việc niêm yết giá cả hàng hóa và dịch vụ bằng ngoại tệ… Tuy nhiên do công tác quản lý chưa tốt nên trong thời gian qua thị trường ngoại tệ tự do ngày càng trở nên sôi động, trắng trợn hoạt động bất chấp pháp luật. Ở những thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có hẳn những đường phố, tụ điểm mà ai cũng biết, ngang nhiên mua, bán, thanh toán ngoại tệ trái qui định của pháp luật. Đã hình thành ra một giới chuyên kinh doanh, mua bán vận chuyển ngoại tệ trái phép, có đội ngũ đông đảo, qui mô hoạt động lớn từ vài triệu đến hàng chục triệu đô la tiền mặt, có mạng lưới trong cả nước, thậm chí còn liên thông ra nước ngoài làm dịch vụ chuyển tiền trái phép. Chính các lực lượng này đã tổ chức làm giá, tung tin thất thiệt, tạo ra những cơn sốt giả làm náo loạn thị trường tự do để kiếm lời, gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội. Chính người dân là nạn nhân bị các lực lượng này lợi dụng kiếm lời. Bên cạnh thị trường ngoại tệ tự do, hoạt động thanh toán và niêm yết giá cả hàng hóa và dịch vụ bằng ngoại tệ trái pháp luật cũng diễn ra ngày càng phổ biến.

Về hoạt động sản xuất kinh doanh vàng, hiện nay trong cả nước có hàng nghìn doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vàng, riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã có gần 4.000 doanh nghiệp. Bên cạch các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, một số doanh nghiệp lợi dụng chức năng môi giới kinh doanh vàng trong giấy phép tổ chức các sàn giao dịch vàng mini làm chân rết cho các sàn vàng lớn trước khi Chính phủ có quyết định đóng cửa các sàn vàng; tổ chức các hoạt động huy động và cho vay nặng lãi bất chấp pháp luật để kinh doanh vàng; liên kết với nhau làm giá, đầu cơ trên thị trường, hoạt động mua bán ngoại tệ trái phép, tung tin thất thiệt ảnh hưởng tâm lý của người dân về giá vàng và ngoại tệ để kiếm lời. Hoạt động buôn lậu vàng qua biên giới diễn ra rất phổ biến và với qui mô ngày càng lớn, riêng nhập khẩu vàng lậu trung bình một năm cũng từ 20 đến 40 tấn. Lợi dụng việc chưa có các qui định cụ thể giữa vàng nguyên liệu và vàng trang sức, tình trạng xuất khẩu vàng nguyên liệu trá hình dưới dạng vàng trang sức trong những năm vừa qua cũng khá phổ biến, có năm lên đến hàng chục tấn.

Tình hình trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan chính sau:

Nguyên nhân khách quan: trong thời gian qua tình hình kinh tế vĩ mô của ta không vững chắc, lạm phát luôn ở mức cao, VND mất giá liên tục… điều này làm cho niềm tin của người dân vào giá trị VND bị giảm sút, tâm lý tiết kiệm và nắm giữ ngoại tệ, vàng gia tăng. Giá vàng quốc tế tăng mạnh và biến động thất thường vượt quá khả năng dự báo.

Nguyên nhân chủ quan: công tác quản lý thị trường chúng ta làm chưa tốt. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng như Công an, Quản lý thị trường, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước chưa chặt chẽ và thường xuyên; các chế tài xử lý còn bất cập, không còn phù hợp với tình hình mới, tính răn đe không cao; chưa có chế độ đãi ngộ và khen thưởng hợp lý để kịp thời động viên và tạo điều kiện làm việc cho các lực lượng quản lý thị trường.

Đối với hoạt động sản xuất kinh doanh vàng, có một số nguyên nhân chủ quan chính sau đây:

Chức năng quản lý nhà nước về vàng còn bị phân tán, do đó tạo ra nhiều kẽ hở trong quản lý. Theo qui định tại Luật Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng nhà nước có chức năng quản lý hoạt động kinh doanh vàng, nhưng theo các qui định hiện hành, Ngân hàng Nhà nước chỉ có chức năng quản lý về vàng đối với các loại hình hoạt động sau đây: hoạt động xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu dưới dạng khối, thỏi, hạt, miếng; hoạt động sản xuất vàng miếng; hoạt động huy động và cho vay bằng vàng của các tổ chức tín dụng; quản lý vàng trong dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Các hoạt động khác như: mua bán, sản xuất, gia công vàng trang sức; xuất nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ; hoạt động kinh doanh vàng miếng trên thị trường đều không do Ngân hàng Nhà nước quản lý mà được cấp phép từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố; quản lý thị trường của Bộ Công thương; xuất nhập khẩu qua hải quan của Bộ Tài chính; quản lý chất lượng của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Các qui định cụ thể để điều tiết mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, mua bán vàng, xuất nhập khẩu vàng của các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan còn rất thiếu. Theo qui định tại điều 8 Nghị định 174/1999/NĐ-CP (đã sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 64/2003/NĐ-CP) tổ chức, cá nhân muốn mua bán, kinh doanh vàng phải đáp ứng đủ điều kiện. Tuy nhiên, trên thực tế không có các qui định cụ thể nào đối với hoạt động này. Theo qui định tại mục 2 phụ lục III Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 của Chính phủ qui định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, thì hoạt động sản xuất, kinh doanh, mua bán vàng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng không cần cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh. Do vậy, tổ chức, cá nhân muốn tham gia chỉ cần đăng ký kinh doanh tại Sở Kế hoạch và Đầu tư trên địa bàn và hoạt động trên cơ sở Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vàng. Ngay cả hoạt động xuất nhập khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ cũng không có các qui định để điều phối, kiểm soát. Không có các qui định để phân biệt vàng trang sức, mỹ nghệ với các loại vàng khác.

Các qui định của pháp luật về hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng miếng cũng còn nhiều bất cập. Hiện nay, có 8 doanh nghiệp kinh doanh vàng đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép sản xuất vàng miếng. Riêng vàng miếng của Công ty Vàng bạc đá quí Sài Gòn SJC chiếm trên 80% thị phần vàng miếng cả nước và được một số thị trường vàng quốc tế có uy tín chấp nhận. Như vậy vàng miếng SJC hầu như có đầy đủ các chức năng của một đồng tiền thứ hai trên lãnh thổ Việt Nam: thước đo giá trị, phương tiện cất trữ, phương tiện thanh toán, tự do lưu thông, chuyển đổi, mua bán. Đã là tiền tệ thì phải là hàng hóa đặc biệt do Ngân hàng trung ương quản lý từ khâu phát hành đến lưu thông. Hơn nữa, nước ta không phải là một nước sản xuất vàng, số vàng có được đều có nguồn gốc nhập khẩu từ nước ngoài và có tính chuyển đổi ra ngoại tệ rất cao. Như vậy vàng miếng còn là ngoại tệ, mà ta có cả chế độ quản lý ngoại hối trong khi đó pháp luật hiện hành của ta coi vàng miếng là hàng hóa thông thường, lưu hành như mọi hàng hóa khác.

Qua phân tích tình hình nêu trên, cũng như đánh giá các nguyên nhân khách quan và chủ quan, chúng ta thấy rằng để xóa bỏ thị trường tự do về ngoại tệ, lập lại kỷ cương quản lý ngoại hối, cũng như tạo dựng môi trường pháp lý phù hợp, lành mạnh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng nói chung, vàng miếng nói riêng theo hướng từng bước thu hẹp và tiến tới xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do, chúng ta phải giải quyết được cả các nguyên nhân khách quan và các nguyên nhân chủ quan như đã trình bày ở trên.

Nội dung xuyên suốt của Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ và Kết luận 02-KL/TW của Bộ Chính trị là kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị đồng Việt Nam, hay nói một cách khác, việc tổ chức triển khai để thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách, giải pháp nêu trên của Đảng và Chính phủ sẽ giải quyết tận gốc rễ các nguyên nhân khách quan của vấn đề.

Bên cạnh đó Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và Kết luận số 02-KL/TW của Bộ Chính trị đã chỉ rõ phương hướng và nhiệm vụ nhằm giải quyết các nguyên nhân chủ quan nêu trên. Cụ thể, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ nêu rõ: “… Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vàng, trong quý II năm 2011 trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng tập trung đầu mối nhập khẩu vàng, tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do; ngăn chặn hiệu quả các hoạt động buôn lậu vàng qua biên giới. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Công thương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các qui định về thu đổi ngoại tệ, kinh doanh vàng. Ban hành qui định về chế tài xử lý vi phạm, kể cả đình chỉ, rút giấy phép hoạt động, thu tài sản, qui định khen thưởng đối với việc phát hiện các hành vi vi phạm hoạt động thu đổi, mua bán ngoại tệ, vàng. Xử lý nghiêm theo pháp luật đối với hành vi cố tình vi phạm”.

Kết luận số 02-KL/TW của Bộ Chính trị chỉ rõ: “Nhanh chóng xây dựng các cơ chế, chính sách tăng cường quản lý thị trường ngoại tệ (đô la) và vàng, khắc phục tình trạng đầu cơ tích trữ, buôn bán trái phép. Có lộ trình và biện pháp phù hợp trong từng thời kỳ, đảm bảo lợi ích hợp pháp của người dân có tài sản này, quan tâm đúng mức nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp và nhân dân, tránh tạo ra các “cú sốc” về tâm lý, gây bất ổn xã hội, khuyến khích, không gây trở ngại cho việc thu hút các nguồn ngoại tệ từ nước ngoài về nước, tổ chức lại thị trường kinh doanh vàng”.

Như đã trình bày ở trên, để triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ và Kết luận số 02-KL/TW của Bộ Chính trị, Ngân hàng Nhà nước đã xây dựng 7 nhóm giải pháp cụ thể. Bên cạnh các nhóm giải pháp về chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, tăng dần dư trữ ngoại hối, còn có các nhóm giải pháp nhằm thực hiện các nhiệm vụ nêu trên của Đảng và Nhà nước về quản lý và kiểm soát thị trường vàng và ngoại tệ. Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Công an, các lực lượng quản lý thị trường của Bộ Công thương tích cực tiến hành kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các qui định của pháp luật về thu đổi, mua bán ngoại tệ và kinh doanh vàng. Bước đầu đã có kết quả rất khả quan.

Ngân hàng nhà nước cũng đã phối hợp với các Bộ, các Ngành dự thảo xong Nghị định sửa đổi và bổ sung Nghị định 202/2004/NĐ-CP ngày 10/12/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng (phần về ngoại tệ và vàng). Nghị định này đã được Chính phủ cho phép xây dựng theo qui trình rút gọn để sớm có hiệu lực thi hành và hiện đang chờ ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để trình Chính phủ ký ban hành trong tháng 4/2011. Ngân hàng Nhà nước cũng đã dự thảo xong Nghị định thay thế Nghị định 174/1999/NĐ-CP ngày 9/12/1999 về hoạt động kinh doanh vàng. Dự thảo Nghị định sẽ được lấy ý kiến rộng rãi của các Bộ, Ngành, các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh vàng trong tháng 4/2011 và trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong quý II/2011. Nội dung các văn bản nêu trên bám sát tinh thần chỉ đạo của Đảng, Chính phủ tại Kết luận số 02-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.

Có thể khẳng định rằng, việc triển khai quyết liệt và đồng bộ các chủ trương, chính sách, giải pháp được qui định tại Kết luận số 02-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ nhất định sẽ tạo ra cơ sở vững chắc cho việc bảo vệ và thực hiện đầy đủ hơn, thuận lợi hơn các quyền cơ bản của người dân về ngoại tệ và vàng được pháp luật công nhận; tạo môi trường pháp lý minh bạch, lành mạnh cho các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh vàng; khơi dậy các tiềm năng tài chính to lớn trong dân, trong nền kinh tế để phục vụ một cách hiệu quả nhất sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước trong thời kỳ mới với phương châm ích nước lợi nhà.

Chính vì vậy, chủ trương trên đã nhận được sự đồng tình ủng hộ và đánh giá cao của mọi tầng lớp nhân dân, bạn bè quốc tế. Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để khẳng định rằng với kinh nghiệm và các bài học quí báu mà Đảng ta đã tích lũy và đúc kết được sau 25 năm đổi mới; trên nền tảng thế và lực của đất nước ta đã không ngừng được nâng lên; ý chí đồng lòng, quyết tâm của toàn hệ thống chính trị; sự đồng tình, chia sẻ gánh vác của mọi tầng lớp nhân dân, mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế mà Đảng, Chính phủ đề ra chắc chắn thành công, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà Đại hội Đảng lần thứ XI đã đề ra./.


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất