Đề án “Sớm đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nêu rõ: “Phấn đấu đến năm 2020 , Việt Nam nằm trong top 10 nước dẫn đầu về cung cấp dịch vụ gia công phần mềm và nội dung số”. Điều đó đồng nghĩa với nhu cầu nhân lực của ngành này ngày càng lớn, nhất là công nghệ nội dung số. Do vậy, nhiều cơ sở đào tạo và doanh nghiệp đã đẩy mạnh việc nghiên cứu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành này.
Nội dung số chiếm lĩnh thị trường
Khái niệm nội dung số (NDS) đã gắn bó với người dân, đặc biệt là giới trẻ, trên các phương tiện quen thuộc hằng ngày như máy tính, điện thoại với rất nhiều loại dịch vụ như báo điện tử, email, chat, blog, game nhạc online, thương mại điện tử.… Tiềm năng của thị trường Việt Nam rất lớn với 30 triệu người dùng Internet và khoảng 50 triệu người dùng thiết bị di động.
Đối với các doanh nghiệp Việt Nam, cách đây vài năm, sản phẩm NDS còn khá đơn điệu với vài tên tuổi như VNG, VTC, FPT, VDC, …Nhưng đến nay, các doanh nghiệp đã có sự tăng tốc và đa dạng hóa dịch vụ, sản phẩm. Nhiều sản phẩm nội dung số Việt Nam đã cạnh tranh được với những tên tuổi lớn của thế giới như mạng xã hội go.vn hay Zingme, Báo điện tử VnExpress.… Thậm chí, VTC còn đang đặt mục tiêu xuất khẩu game online. Nhưng trong cuộc cạnh tranh này, những tên tuổi “khủng” như Google, Yahoo, Facebook, Twitter... vẫn đang chiếm ưu thế.
Tốc độ phát triển nhanh kéo theo nhu cầu lớn về nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao. Yêu cầu về nhân lực công nghệ NDS không đơn thuần là giỏi công nghệ thông tin mà còn cần sự am hiểu tâm lý xã hội, sự sáng tạo đột phá. Trong khi đó, nước ta hiện còn quá ít cơ sở đào tạo chuyên nghiệp, bài bản cho sự gia tăng chóng mặt của ngành công nghệ này.
Dự báo doanh số từ NDS toàn cầu sẽ đạt con số ấn tượng: từ 1,3-1,7 nghìn tỉ USD vào năm 2014. Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ có doanh số tăng mạnh nhất. Tại Việt Nam, năm 2010, doanh thu của lĩnh vực NDS đã chạm mốc 1 tỷ USD. Chỉ sau 5 năm với tốc độ tăng trưởng trên 50%/năm, NDS đã theo kịp doanh thu của ngành phần mềm với sự phát triển hơn chục năm nay.
Để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực này, nhiều trường đại học và doanh nghiệp đã đầu tư lớn để tạo ra nguồn nhân lực cho chính mình. Trong đó phải kể đến Đại học FPT, ĐH Quốc tế Bắc Hà (do CMC và Viettel đầu tư). Riêng VTC đầu tư vào Đại học Văn Hiến, tập trung vào các chuyên ngành thế mạnh của VTC như công nghệ NDS, quản trị công nghệ và truyền thông. “Nguồn cung nhân lực trong lĩnh vực này đang rất thiếu, chưa có trường đào tạo chuyên sâu ở Việt Nam. Phần lớn doanh nghiệp phải tự đào tạo. Vì vậy chúng tôi quyết định đầu tư thêm vào giáo dục, mở trường đào tạo các chuyên ngành: Công nghệ NDS, Quản trị Truyền thông, là thế mạnh và cũng là để đáp ứng nhu cầu nhân lực của chính chúng tôi” - ông Phan Sào Nam, Giám đốc VTC Online cho biết.
Xu hướng đón đầu, cạnh tranh trong đào tạo
Lợi thế của lĩnh vực Công nghệ và Nội dung số (CN&NDS) là mô hình triển khai rất linh hoạt. Nhân sự ngồi tại Việt Nam vẫn có thể làm cho các văn phòng nước ngoài và ngược lại, máy móc thiết bị đặt ở nước này có thể dùng cho các hoạt động ở nước khác. Ngoài ra tỷ suất lợi nhuận trên quy mô đầu tư cao, nên vốn bỏ ra không cần nhiều. Tuy nhiên, những người có kỹ năng trong ngành rất ít, người có khả năng và sẵn sàng làm việc tại môi trường quốc tế lại càng ít.
Việc đào tạo nguồn nhân lực NDS lâu nay còn khá dàn trải, chưa bài bản, nhiều khi “học” chưa đi đôi với “hành” nên không ít cử nhân ra trường phải “bổ túc” thêm cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Các cơ sở đào tạo CNTT đang ra sức khắc phục tình trạng này bằng cách đầu tư mạnh mẽ cho giáo trình, thiết bị và giảng viên. VTC Online hiện là một trong số ít công ty Việt Nam có chi nhánh tại hơn 10 quốc gia, gồm cả các quốc gia có nền khoa học công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới như Mỹ, Nga, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc... “Tận dụng lợi thế đó, VTC Online sẽ mời các chuyên gia đa quốc gia đến giảng dạy và giao lưu với sinh viên. Đồng thời, chúng tôi tạo điều kiện để sinh viên năm cuối được thực tập tại các công ty con, từ đó họ dễ dàng thích nghi với môi trường sống và làm việc ở bất kỳ quốc gia nào như những “Công dân toàn cầu” - ông Phan Sào Nam tiết lộ.
Làm thế nào để việc đào tạo ra một đội ngũ sản xuất và nắm bản quyền sản phẩm mà không chỉ “gia công” là đòi hỏi của công tác đào tạo. Các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp CNTT đang có cuộc cạnh tranh để nâng cao chất lượng nguôn nhân lực. Chẳng hạn, VTC online dành 80% thời gian để đào tạo các ngôn ngữ lập trình, 20% còn lại dạy các môn phụ trợ để sinh viên ra trường có thể tự sản xuất 1 sản phẩm NDS hoàn thiện hoặc có thể hiểu rõ các khâu sản xuất khác để phối hợp cùng đội nhóm.
Năm 2009, cả nước mới chỉ có 295.000 lao động làm việc trong lĩnh vực CNTT. Trong đó hơn một nửa làm việc trong các doanh nghiệp phần cứng và điện tử, 25% hoạt động ở các công ty phần mềm và 20% nghiên cứu ở các đơn vị NDS. Số lượng và chất lượng lao động làm trong lĩnh vực này đang ngày một tăng, góp phần hiện thực hóa đề án "Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.
(Theo: VOV)