Thơ anh truyền cho ta khát vọng chờ đón mùa xuân: “Mạch sống nổi chìm năm tháng/ Lá rụng, cây ủ mầm xanh/ Sau đông từng cành gân guốc/ Bình minh bung nở chồi xuân!” (Cây vào đông). Cuộc đời là vậy, khi lá rụng là lúc cây ủ mầm xanh, phải có mùa đông thì cây mới có thể “bung nở chồi xuân”. Đấy là triết lý về cuộc sống vốn tồn tại trong những khái niệm đối lập, lá rụng/ mầm xanh, mùa đông/ mùa xuân, cành khô gân guốc/ chồi xuân. Đấy cũng là quy luật phổ quát: Đưa tiễn những gì cỗi cằn, lạc hậu, xưa cũ đi vào quá khứ để đón những gì khỏe khoắn, tươi mới, hy vọng. Bài Lặng thầm sen ngắn gọn, tứ vững, hình ảnh quen thuộc, nhưng giàu ý nghĩa: “Sen tàn dần giữa gió đông/ Cọng vẫn căng mình giữ nhựa/ Lặng thầm sống trong nước lạnh/ Chờ xuân, bật nhú mầm xanh!”. Câu đầu vẫn là chuyện cũ, “sen tàn cúc lại nở hoa” đã thành mòn, nhưng đến câu hai, đã có sự quan sát tinh tế. Người bình thường như tôi chỉ nhìn thấy cọng sen đỡ bông sen, nhưng phẩm chất thi sĩ giúp tác giả nhìn sâu vào bên trong, thấy cọng sen “căng mình giữ nhựa” và bền bỉ lặng thầm trong giá lạnh đợi chờ. Đến câu cuối thì ý thơ bật ra mới mẻ, dồi dào ý tưởng: “Chờ xuân, bật nhú mầm xanh!”. Bài thơ cho ta một khái quát: Cũng như cọng sen kia phải chờ xuân để có mầm xanh, con người ta cũng phải chờ đợi một cơ hội để thể hiện tài năng. Cơ hội của sen là mùa xuân theo chu kỳ thời gian của tạo vật. Cơ hội của con người không thế, chủ yếu là do anh tự đi tìm lấy…?!

Minh họa: KHOA AN

Thơ Nguyễn Hồng Vinh giàu màu sắc triết lý về cuộc đời, về con người. Có nhiều bài anh hay nói tới cây xanh, chồi xanh, lá xanh, mầm xanh để tạo cho chúng một mã của sự sống đang đâm chồi, cựa quậy, phát triển. Có bài mang ý vị triết học riêng trong mối quan hệ tự nhiên giữa cây xanh với con người: “Cây thì thầm gì với xuân?/ Từng cọng lá khô cuốn xoay theo gió/ Ném sầu đau vào quá khứ/ Vang khúc Tình ca ngày mai!” (Thì thầm xuân). Bài thơ là những cặp quan hệ “cây”/ “xuân”; “lá khô”/ “gió”; “sầu đau”/ “tình ca”; “quá khứ”/ “ngày mai”. Mùa xuân đến cũng đồng nghĩa với những lá khô rụng cành bay theo gió như đưa những đau buồn đi vào quá vãng. Xuân đến đón chồi non cũng như đời đón khúc “tình ca”. Thi phẩm bật ra ý nghĩa về một niềm tin sâu sắc, chứa chan hy vọng vào ngày mai với những gì tốt đẹp.

Thơ triết lý thường tìm tới những cặp khái niệm với những quan hệ triết học đối lập, tương hỗ, tương phản, nhân quả… để tự chúng bật toát ra ý nghĩa, mỗi bạn đọc bằng vốn kiến văn, vốn trải nghiệm mà thu nhận cho riêng mình một bài học nào đó. Thơ Hồng Vinh hay đi theo hướng này: “Dải đất này có tự ngàn năm/ Lúa hoa sinh sôi, tình yêu đằm thắm/ Tàn khốc bão giông, dữ dằn bom đạn/ Người mãi mãi yêu nhau, cây xanh ngát bãi bờ…” (Đất). Câu đầu chưa có thơ được hình thành trong mối quan hệ không gian (dải đất này) và thời gian (ngàn năm). Câu hai là quan hệ thiên nhiên cây trái (lúa hoa) và con người (tình yêu). Hình ảnh ở câu hai đối lập đến triệt để với câu ba (Tàn khốc bão giông, dữ dằn bom đạn). Ý của câu bốn (Người mãi mãi yêu nhau, cây xanh ngát bãi bờ), thực ra đã có ý ở câu hai, nhưng nhờ đặt sau câu ba, lại tạo ra hình ảnh đối lập mới để nhấn mạnh hơn: Càng qua bom đạn, bão giông mà con người càng yêu nhau hơn, cây trái càng tươi xanh hơn. Tứ thơ toát ra sức sống mãnh liệt của đất nước “có tự ngàn năm” này. Những bài như thế, dù hình ảnh, ngôn từ, nhịp điệu không đặc sắc, nhưng đọc lên vẫn thấy hay là nhờ kết cấu vững, chặt, mà bật ra tứ. Bài Có thể và không thể là ví dụ điển hình.

Thơ xuân của anh hầu như bài nào cũng “đứng” được, một phần, như đã nói là nhờ tứ, cơ bản hơn là cái tâm, cái tình với người, với đời. Hẳn nhiên cái tối kỵ của thơ là “lộ”, thật thà quá cũng “lộ”, “xảo” quá cũng “lộ”, thế nên một phẩm chất muôn thuở của thơ là chân thành. Chân thành nói những nung nấu suy nghĩ của mình. Có bài tác giả giúp ta thêm tin yêu vào cuộc sống này một cách thành thực: “Có phút giây thư thả/ Nghe chầm chậm xuân về/ Có phút giây hối hả/ Xanh trải dài đồng quê/ Những nỗi buồn nhân thế/ Còn hiện hữu đời nay/ Song tình người khắp nẻo/ Đang đầy thêm tháng ngày” (Hối hả xuân). Cái “thư thả” và “hối hả” là những đối lập thường tình của cuộc đời vẫn còn nhiều “những nỗi buồn nhân thế”. Nhưng hình như sự “hiện hữu” của nó càng tô thêm tình người “đang đầy thêm” mà thôi. Đây không phải là lối lạc quan tếu, mà là sự thực, dù còn nhiều trái ngang, nhiều cái xấu, cái tiêu cực, thấp hèn…, nhưng như cách nói của một nhà văn lớn người Nga, đó là “bi kịch lạc quan”. Trong cuộc đời này, cái màu hồng đáng yêu của tình người, của niềm tin vẫn là chủ đạo. Người đọc được vui lây cái vui của nhà thơ: “Hoa pháo bừng nở đất trời/ Lung linh mắt huyền xao động/ Hồng Hà phù sa lặng trôi/ Con chữ dâng dâng như sóng/ Bãi bờ màu xanh lan tỏa/ Tứ thơ ào ạt ùa về/ Trái tim rộn ràng nhịp lá/ Rung rinh nốt nhạc Tình ca!… (Tình ca). Trước những hình ảnh vui với pháo hoa bừng nở, đôi mắt huyền long lanh thiếu nữ, vui với sông Hồng chở nặng phù sa, cảm hứng thi sĩ “dâng dâng như sóng” để sáng tạo những tác phẩm mới góp ích cho đời.

Mùa xuân đất nước được khúc xạ trong thế đối lập không gian, thời gian hình như còn đẹp hơn, đáng tự hào hơn, cảm xúc cũng dâng trào hơn bởi nhuốm một chút buồn vì nhớ nhung. Đấy cũng là xuất xứ bài thơ Nhớ sông Hồng được anh sáng tác khi đang ở nước ngoài, bên kia Thái Bình Dương. Xứ người tuyết rơi, khi mà bờ sông cây đen đúa rụng lá trơ cành vì giá rét, nhưng trong nỗi nhớ của người con xa quê, đất nước mình thì khác, thật ấm áp, sinh động, tươi tắn: “Nao nao nhớ sông Hồng-Thăng Long/ Quê nhà đang nắng xuân bừng ấm/ Bãi bờ xanh mướt mía, ngô/ Những đồng hoa trắng, xanh, vàng, tím/ Nối nhau rực thắm hoàng hôn!/ Những người Việt xa quê lòng đau đáu/ Lưu dáng Hồng Hà-nguồn cội nước Văn Lang/ Nuôi dưỡng tin yêu và khí phách Lạc Hồng!”. Câu chữ khép lại, nhưng gieo niềm tự hào về sức sống trường tồn của văn hóa Việt…

Xin khép lại cảm nhận thơ xuân Hồng Vinh bằng bài thơ của anh, mà tôi thích, thích cái tâm trạng từng được, từng có như thế; nhưng thích hơn cả là cảm xúc về hình tượng mang tính biểu trưng của mùa xuân: “Ngập ngừng dòng tin/ Bồi hồi trang giấy/ Bồn chồn hò hẹn/ Thẹn thùng nắm tay/ Tháng Ba mưa bay/ Hạt gieo trồi đất/ Con tim nén dồn/ Bật lên tiếng hát!... (Mưa bay tháng ba). Phải chọn hạt giống tốt, đất tốt và người gieo hạt nhiều kinh nghiệm, mới có “hạt gieo trồi đất” trong “tháng Ba mưa bay”. Đó cũng là quá trình sáng tạo nghệ thuật “Con tim nén dồn/ Bật lên tiếng hát!”. Thì ra quy luật cuộc đời cũng là quy luật nghệ thuật vậy!

NGUYỄN THANH TÚ/QĐND