Sáng 11/7 tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam đã tổ chức buổi tọa đàm thơ “Nguyễn Thế Kỷ về Hoàng Sa – Trường Sa”. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên, NSND Lê Tiến Thọ, đông đảo các Nhà thơ, các nhà nghiên cứu, đông đảo các bạn trẻ yêu thơ đã đến dự.
Phát biểu tại buổi tọa đàm NSND Lê Tiến Thọ nhấn mạnh: Khi đọc những vần thơ của Nguyễn Thế Kỷ, những hình ảnh về Trường Sa lại ùa về. Ông đã mở ra một không gian biển, đảo rất thực, khiến những người đã từng đến Trường Sa và cả những người chưa đặt chân tới đây đều cảm thấy xúc động và tỏ lòng cảm phục, biết ơn những chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ biển trời của Tổ quốc.
Nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ sinh năm 1935, tại xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa, TP. Quảng Ngãi. Ông là hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Ông là nhà viết kịch đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nghệ thuật sân khấu nước nhà và của tỉnh Quảng Ngãi, ông là tác giả của những vở diễn về đề tài cách mạng như: “Đốm lửa núi hồng”, “Núi rừng năm ấy”, “Những đứa trẻ không cô đơn”, “Thánh Gióng”…Năm 2013, tập thơ “Con đường, con người” gồm 100 bài thơ, nhà viết kịch, nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong công tác tuyên truyền an toàn giao thông và văn hóa giao thông.
Tại buổi Toạ đàm các Nhà thơ, các Nhà nghiên cứu, những người yêu thơ đã được nghe các nghệ sỹ trình bày một số tác phẩm tiêu biểu của Nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ viết về quê hương, đất nước, nổi bật là các bài thơ viết về Hoàng Sa, Trường Sa, một phần máu thịt của Tổ Quốc. Đồng thời các ý kiến phát biểu đã nói lên tình cảm, suy nghĩ của mình về những đóng góp, trách nhiệm của đội ngũ văn nghệ sỹ trong đó có Nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ đã có nhiều tác phẩm hay ca ngợi tình yêu đất nước, ca ngợi biển đảo, về Hoàng Sa, Trường Sa, qua các tác phẩm nói lên trách nhiệm của mỗi người dân Việt Nam góp tiếng nói chung trong cuộc đấu tranh bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ trên biển đảo.
Tin,ảnh: Duy Phong