Tại Việt Nam, đã ghi nhận 2 đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 3 và lần thứ 4, lây lan trong cộng đồng, đặc biệt đại dịch bùng phát tại các tỉnh, thành phố phía Nam đã gây tác động tiêu cực và làm xáo trộn đến mọi mặt của đời sống. Nhưng cũng chính trong đại dịch cam go, phức tạp, tình yêu, sự sẻ chia, đoàn kết chưa bao giờ trở nên ấm áp và lan tỏa rộng lớn như vậy. Đây chính là sức mạnh đã giúp đất nước vượt qua những ngày tháng nguy nan, tiếp tục phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Theo nghiên cứu của tác giả, báo mạng điện tử ở Việt Nam năm 2021 đã truyền tải những thông điệp này bằng ảnh báo chí, tạo ấn tượng và tác động tới nhận thức của công chúng.
Khảo sát thông điệp ảnh báo chí về đại dịch COVID-19 tại Việt Nam trong năm 2021, có thể nhận thấy những nội dung chính như sau:
Thứ nhất, thông điệp ảnh báo chí về sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao quyết liệt, chủ động trong phòng chống dịch COVID-19.
Bằng thông điệp ảnh báo chí, báo mạng điện tử ở Việt Nam đã truyền tải thông điệp về sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt, chủ động kịp thời của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID- 19 trong công tác phòng, chống dịch trước yêu cầu mới, với mục tiêu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết. Công tác phòng chống dịch đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của cả hệ thống chính trị. Hình ảnh trong bài viết “Thủ tướng: Người dân còn lúng túng chưa biết gọi ai khi cần” của chuyên mục Thời sự, đăng trên VNE ngày 27/8/2021 phản ánh sự kiện Thủ tướng dành thời gian tới thăm hỏi, động viên người dân tại khu nhà trọ hẻm 966, đường Nguyễn Thị Định, phường Thạnh Mỹ Lợi, Thành phố Thủ Đức.
Người đứng đầu Chính phủ đến tận nơi người dân ở, kiểm tra mọi điều kiện cần thiết nhất để đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho người dân đang thực hiện giãn cách và phòng chống dịch. Hành động cúi xuống, ân cần bắt tay và trò chuyện với cháu bé; tặng nhu yếu phẩm cho người dân thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với người dân đang thực hiện giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, chiếc áo của Thủ tướng thấm đẫm mồ hôi thể hiện sự không ngại khó khăn vất vả (thời tiết nắng nóng, nguy cơ lây truyền dịch bệnh) của Thủ tướng xuống tận nơi ở của người dân để thăm hỏi.
Thứ hai, thông điệp ảnh báo chí về tinh thần trách nhiệm, nỗ lực không mệt mỏi của các lực lượng chức năng nơi tuyến đầu chống dịch.
Trong hành trình của gần 600 ngày chống dịch, đất nước ta đã sống trong sức mạnh của sự đoàn kết, sự đồng lòng của mọi tầng lớp nhân dân với sự quyết liệt, quyết tâm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị, của sự chia sẻ, của tình yêu thương và nhân ái… Điều đặc biệt, chúng ta đã chứng kiến những nghĩa cử cao cả, đẹp đẽ, những đức hy sinh, những trái tim nhiệt huyết, những tấm lòng nhân ái tỏa sáng… của đội ngũ bác sĩ, cán bộ và nhân viên y tế, thầy thuốc trên cả nước, họ không chỉ có trái tim nhân ái, nhân hậu mà còn trí tuệ thông minh, nghị lực kiên cường, sự chịu đựng bền bỉ, đặc biệt khi cuộc chiến diễn ra rất gay go. Phóng sự ảnh “Đêm trắng ở “thành trì” cuối cùng chặn COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh" của tác giả Đinh Đức Long đăng trên Dân trí ngày 22/7/2021 là câu chuyện bằng ảnh (photostory) gồm 20 ảnh kể về cuộc chiến giành giật sự sống cứu các bệnh nhân COVID-19 chưa bao giờ ngừng nghỉ, thậm chí là nhiều đêm trắng không ngủ đối với các nhân viên y tế Bệnh viện hồi sức cấp cứu lớn nhất Thành phố Hồ Chí Minh. Bệnh viện đang điều trị 260 bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch, trong đó hiện còn hơn 40 trường hợp nguy kịch, nhiều trường hợp phải chạy ECMO (tim phổi nhân tạo). Một nhân viên y tế sẽ phải phụ trách 3 tới 4 bệnh nhân mỗi đêm, làm việc liên tục không nghỉ trong bộ đồ bảo hộ kín mít thuộc cấp độ 4 (cấp cao nhất cho nhân viên y tế khu vực nguy hiểm).
Đó là những hình ảnh bệnh nhân nguy kịch, bệnh nhân hôn mê duy trì sự sống bằng máy móc, chi tiết đặc tả những vết hằn trên mặt, trên tay các bác sỹ khi mặc đồ bảo hộ trong khi làm việc, những giọt mồ hôi ướt đẫm sau màng chắn giọt bắn, những phút hối hả cấp cứu bệnh nhân nguy kịch, những giây phút tranh thủ nghỉ ngơi vội vã ngay trên những chiếc ghế làm việc…
Qua từng góc máy, độc giả đã hiểu thêm về những nỗ lực phi thường của các y bác sĩ trong cuộc chiến giành giật mạng sống cho các bệnh nhân COVID-19. Tác phẩm đã giúp truyền đi những thông điệp giá trị, giúp người dân ý thức sâu sắc hơn về sự nguy hiểm của dịch bệnh, đóng góp vào công tác tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.
Đội ngũ y bác sỹ đã quên hiểm nguy đe dọa bản thân mình để cứu chữa cho bệnh nhân. Họ đã gác lại hạnh phúc riêng tư, gác lại cuộc sống yên bình để đi vào tâm dịch. Họ quên đi giấc ngủ, quên những bữa ăn, quên ngày quên tháng, quên Thứ Bảy, Chủ Nhật, quên đi sự nóng nực của những bộ đồ bảo hộ giữa mùa hè đổ lửa, quên đi nỗi sợ hãi, ám ảnh khi chứng kiến những phút giây sinh tử… Đó là câu chuyện lùi, hoãn kết hôn của nữ điều dưỡng Ngọc Diệp (Bệnh viện Bạch Mai), bác sĩ Đình Hoàng (Bệnh viện Hùng Vương, Phú Thọ); hay vợ chồng bác sĩ Nguyễn Thị Giang - Ðỗ Ngọc Anh (Bệnh viện Kiến An, Hải Phòng) gửi lại con thơ để xung phong lên đường chống dịch... Có nhiều bác sĩ, tình nguyện viên đã gần như không nghỉ, liên tục chi viện từ vùng dịch này sang vùng dịch khác, như bác sĩ Trần Thanh Linh (Bệnh viện Chợ Rẫy) vừa trở về từ Khu công nghiệp Bắc Giang lại bắt tay ngay vào cứu chữa bệnh nhân tại Bệnh viện Hồi sức COVID-19 Thành phố Hồ Chí Minh… Nhưng đổi lại, họ cảm thấy ấm áp, vui mừng, tự tin khi từng bệnh nhân khỏi bệnh… Và những con người ấy dẫu có nghị lực kiên cường đến đâu cũng đã rơi nước mắt khi những bệnh nhân nặng không qua khỏi… Nhưng cũng chính trong hành trình gian nan ấy, chúng ta đã chứng kiến nhiều anh chị em đã bị nhiễm bệnh và có những người đã ra đi mãi mãi. Không thể miêu tả hết, ghi hết những cam go, khó khăn, khốc liệt trong phòng chống dịch, những gian lao, vất vả, hy sinh thầm lặng của lực lượng tuyến đầu, nhất là ngành y, đặc biệt là của những y bác sĩ trực tiếp điều trị bệnh nhân. Ngành Y tế đã và đang khẳng định được tâm thế, vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình trước tính mệnh và sức khoẻ của người dân. Đội ngũ cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế tham gia chống dịch vừa qua đã nỗ lực gấp 2-3 lần so với bình thường. Họ không chỉ phải vượt qua những khó khăn vì phải cứu người trong những hoàn cảnh ngặt nghèo và thiếu thốn, mà còn phải chịu nhiều áp lực rất lớn khi số lượng bệnh nhân tăng lên quá nhanh, phải giành giật sự sống cho nhiều bệnh nhân cùng lúc. Bên cạnh đó là những gian khổ khi phải xa gia đình, người thân kéo dài; làm việc dài ngày trong môi trường lây nhiễm và căng thẳng. Nhưng những khó khăn đó đều không cản trở được tinh thần của người thầy thuốc với phương châm “coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết”. Các thầy thuốc đều xác định “Không được phép buông tay”, vượt lên mọi gian khổ, sẵn sàng đón nhận rủi ro về phía mình, cống hiến hết mình, phát huy sáng tạo, đoàn kết hiệp lực để chiến thắng dịch bệnh. Hàng nghìn cán bộ y bác sĩ, nhân viên y tế đã bị nhiễm COVID-19, có người đã vĩnh viễn ra đi khi vẫn đang tràn đầy hoài bão và cháy bỏng khát vọng cống hiến.
Bên cạnh lực lượng ngành Y tế, các lực lượng Quân đội, Công an cũng căng mình chống dịch. Đó là hình ảnh những chiến sỹ biên phòng căng mình tuần tra giữa rừng bảo vệ biên giới Tây Nam trước tình trạng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, do dịch COVID- 19 ở Campuchia diễn biến phức tạp. Trong đợt dịch bùng phát lần thứ tư, hơn 140.000 cán bộ, chiến sĩ và dân quân tự vệ đã được huy động tham gia phòng, chống dịch; triển khai, duy trì hoạt động của 190 khu cách ly tập trung; tuần tra, kiểm soát tuyến biên giới ngăn chặn sự xâm nhập của dịch bệnh; phối hợp bảo đảm an ninh trật tự, đi chợ giúp dân, lo hậu sự và vận chuyển tro cốt đồng bào tử vong vì COVID-19.... Hơn 600 tổ quân y lưu động từ miền Bắc vào chi viện đã ngày ngày với bình oxy, túi thuốc đến từng gia đình trực tiếp chăm sóc, cứu chữa bệnh nhân COVID-19, trong đó có rất nhiều bệnh nhân F0 trở nặng. Sáng kiến này đã góp phần làm giảm áp lực cho hệ thống y tế. Trong đợt dịch vừa qua, những người lính đã hỗ trợ nhân dân không chỉ bằng mệnh lệnh của người chỉ huy mà còn bằng mệnh lệnh từ trái tim.
Thứ ba, thông điệp ảnh báo chí phản ánh sâu sắc những tác động khắc nghiệt, đau thương của dịch COVID- 19 đối với cuộc sống của người dân.
Đại dịch COVID-19 có tác động sâu sắc đối với mọi mặt của đời sống người dân Việt Nam.
Hình ảnh làn sóng người lao động rời Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trở về quê tác động sâu sắc đến người đọc.
Từng đoàn hàng trăm, hàng nghìn người đội mưa nắng, xuyên ngày đêm về quê tránh dịch và tránh… cả nghèo đói khi mất việc, hết tiền, cuộc sống khó khăn. Họ đã kiệt quệ cả về tâm lý, sức khoẻ và kinh tế trong thời gian giãn cách. Theo kết quả tổng hợp nhanh báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tính đến ngày 15/12/2021, cả nước có khoảng 2,2 triệu người trở về địa phương do ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 lần thứ tư. Hàng trăm ngàn người đi xe máy về quê dưới cơn mưa tầm tã, nhà bạt được dựng để người dân trú mưa; người dân được hỗ trợ đồ ăn, nước uống và áo mưa. Thông điệp ảnh báo chí về việc hàng chục ngàn người lao động tại khu vực phía Nam rời thành phố về quê cho thấy những hạn chế trong vấn đề an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động. Tình trạng này cũng được dự báo sẽ tạo ra một đợt “khát” lao động phổ thông ở các khu công nghiệp.
Người đọc cũng ám ảnh về sự ra đi lặng lẽ của những bệnh nhân tử vong vì COVID-19.
Tính riêng trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 trong năm 2021, cả nước ghi nhận đã có hơn 1,7 triệu ca mắc, trên 32 nghìn ca tử vong. Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 với biến chủng Delta, các tỉnh thành phía Nam, nhất là Thành phố Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng nặng nhất với hơn 17.000 trường hợp tử vong, chiếm 74% tổng số ca tử vong trên cả nước. Ngày đỉnh điểm, Thành phố ghi nhận 340 người tử vong do COVID-19. Đó là những con số đau xót, ám ảnh mà không người dân Việt Nam nào có thể lãng quên. Thông điệp ảnh báo chí về sự đau thương, khắc nghiệt của đại dịch COVID-19 đã được khắc họa ám ảnh trên báo mạng điện tử.
Trong bài viết “Những phận người lặng lẽ ra đi trong đại dịch COVID-19 ở Thành phố Hồ Chí Minh” đăng tải trên báo điện tử Dân trí ngày 19/11/2021, đội tình nguyện viên mai táng thiện nguyện thắp hương, làm lễ chỉ đơn giản với nải chuối, vái lạy thay gia đình người đã khuất như lời tiễn biệt cuối cùng. Các thành viên trong đội mai táng thiện nguyện khiêng “chiếc túi ngủ” đi xuống cầu thang tăm tối, chật hẹp. Những ngày đỉnh dịch, các đội mai táng thiện nguyện thay quan tài gỗ công nghiệp bằng túi đựng tử thi - túi ngủ. Lý do sử dụng "túi ngủ" là do những người mất thường là người nghèo, thuê trọ, lang thang hoặc sống ở chung cư cũ, lối đi chật hẹp, di chuyển qua nhiều khúc quanh nên nếu mang quan tài thì đi không... lọt. Một thành viên trong đội mai táng theo sau đeo bình phun khử khuẩn.
Những phận người lặng lẽ ra đi trong đại dịch, không người thân thích, không lễ đưa tiễn, để lại sự ám ảnh cho tất cả độc giả vì sự tang thương, ly biệt, vì sự tàn khốc của đại dịch. Sự ra đi đột ngột đã khiến hàng nghìn gia đình lâm vào cảnh ly biệt tang thương.
Thứ tư, thông điệp ảnh báo chí về tinh thần đoàn kết, những hành động đẹp vì cộng đồng trong đại dịch COVID-19.
Trong trận chiến chống đại dịch COVID-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Đảng, Chính phủ Việt Nam đã sớm kêu gọi nhân dân quyết liệt, đoàn kết một lòng, tạo nên sức mạnh tập thể, cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh. Từ đó, đã huy động được sức mạnh hưởng ứng, chung tay của mỗi người dân, mỗi cá nhân trong phòng, chống dịch. Mỗi người dân, các tầng lớp nhân dân, các giới tùy khả năng của mình, người có tiền góp tiền, người có hiện vật góp hiện vật, người có sức giúp sức, người có ý tưởng góp ý tưởng... Với truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân đã tự nguyện vận động, ủng hộ một số địa phương, cơ sở, cá nhân và những trường hợp phải cách ly, điều trị. Nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, đồng bào ta ở nước ngoài, với tình cảm sâu sắc và trách nhiệm của mình đã tích cực tham gia ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19. Những câu chuyện, những tình cảm đẹp đã được lan tỏa đã được báo mạng điện tử lan tỏa bằng những thông điệp xúc động lòng người.
Rõ ràng, trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid- 19, Đảng ta đã tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, thông qua thông điệp ảnh báo chí để truyền tải phương châm "Chống dịch như chống giặc", "Coi sức khoẻ và tính mạng con người là trên hết", "Mỗi người dân là một chiến sĩ", cả hệ thống chính trị vào cuộc với trách nhiệm cao nhất, các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng và Nhà nước trong phòng, chống dịch.
Đây là những thông điệp trực quan tích cực chủ động tuyên truyền, đấu tranh phản bác những thông tin xấu, độc, tin giả, thông tin sai sự thật, bịa đặt, xuyên tạc, gây hoang mang trong người dân. Từ đó, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong phòng, chống dịch COVID- 19.
Thông điệp ảnh báo chí trong giai đoạn này đã thể hiện sự chung sức, đồng lòng, đoàn kết của cả hệ thống chính trị và người dân trong phòng, chống dịch.
Nhờ sự huy động kịp thời, sự vào cuộc quyết liệt, không một phút chần chừ của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, đồng thuận, chung sức của nhân dân, việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh đã diễn ra ở quy mô chưa có tiền lệ và đạt được những kết quả thắng lợi bước đầu. Chúng ta đã kiểm soát tốt tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch, ngăn chặn, cách ly triệt để, chăm sóc và điều trị tốt, phát hiện sớm và truyền thông hiệu quả, nâng cao tinh thần cảnh giác và sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân. Thế giới bày tỏ ấn tượng trước những kết quả Việt Nam đã làm được. Người dân tin tưởng, ủng hộ, đồng lòng, chung sức với Đảng, Nhà nước trong việc xử lý cuộc khủng hoảng toàn cầu này. Chiến thắng bước đầu này là chiến thắng của cả một quốc gia đoàn kết. Là chiến thắng từ các quyết sách đúng và dứt khoát của Đảng, Nhà nước và từ sự đồng lòng hưởng ứng, nỗ lực hợp tác của người dân.
Hoàng Thu Hằng