Nhân dịp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng được mời làm diễn giả chính
cho hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á Đối thoại Shangri-La, báo Viet
Weekly đã có bài viết "Thông điệp chính trị vừa mềm dẻo, vừa cứng rắn
của Việt Nam tại Hội nghị Đối thoại Shangri-La."
Vietnam+ xin trân trọng gửi đăng bài viết này để quý độc giả tham khảo.
Bắt đầu từ năm 2002 cho đến nay, Đối thoại Shangri-La ngày càng có một
vị thế cao trong sinh hoạt của giới chính trị quân sự quốc tế như là một
môi trường độc lập, bình đẳng, cởi mở, và uyển chuyển để việc “ngoại
giao quân sự” đa phương có thể xảy ra một cách dễ dàng, nhanh chóng và
kịp thời đối phó nhu cầu và tình huống khủng hoảng có thể đang xảy ra.
Hội nghị thường xuyên có những nhân vật lãnh đạo tối cao về quân sự của
các cường quốc tham gia, trong quá khứ có sự hiện diện của Bộ trưởng Bộ
Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt.
Năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã dùng diễn đàn Đối
thoại Shangri-La để tuyên bố chiến lược quan trọng “Dịch chuyển về châu
Á-Thái Bình Dương” của Mỹ. Năm nay 2013, bộ trưởng quốc phòng vừa mới
được 3 tháng của Mỹ, ông Chuck Hagel, từng là một cựu chiến binh trong
chiến tranh Việt Nam, cũng tham gia và phát biểu.
Trong bối cảnh có nhiều căng thẳng về xung đột quân sự đang xảy ra ở
Biển Đông, biển Hoa Đông và bán đảo Triều Tiên, việc Thủ tướng Việt Nam
Nguyễn Tấn Dũng được mời làm diễn giả chính cho Hội nghị thượng đỉnh an
ninh châu Á Đối thoại Shangri-La nói lên vai trò và vị thế được coi
trọng của Việt Nam trong cái nhìn của của giới chính trị và quân sự
trong vùng và trên thế giới.
Lãnh đạo chính quyền của Việt Nam phát biểu về quan điểm chính sách
ngoại giao chính trị quân sự trước một diễn đàn cử tọa quốc tế như thế
cũng là một việc chưa có tiền lệ. Điều này cho thấy Việt Nam quyết định
chủ động lên tiếng nói, khẳng định chủ trương, thuyết phục đối tác, và
tranh thủ dư luận quốc tế trước tình thế có nhiều tranh chấp liên quan
đến Biển Đông và những vấn đề khác như bảo vệ nguồn nước của sông
Mekong.
Vị thế địa chính trị Việt Nam quan trọng vào hàng bậc nhất ở Đông Nam Á,
nhất là vào thời điểm hiện nay khi Biển Đông trở thành điểm tranh chấp
nóng bỏng. Một mặt Việt Nam là nước ven biển tiếp giáp đại lục Đông Nam
Á, có biên giới đất liền với Trung Quốc, đồng thời là nước có nhiều
tranh chấp nhất về mặt biển với Trung Quốc liên quan đến hai quần đảo
Hoàng Sa và Trường Sa.
Việt Nam là cửa ngõ và nút chặn đối với Trung Quốc trong cuộc Nam tiến
vào khu vực Đông Nam Á. Cho nên quyết định chiến lược của Việt Nam trong
quan hệ với Trung Quốc và Mỹ sẽ có ảnh hưởng rất lớn trong sự hình
thành thế chiến lược của toàn vùng Đông Nam Á. Mời lãnh đạo Việt Nam
phát biểu trước cử tọa hàng đầu của thế giới cũng là một cách để buộc
Việt Nam vào cái thế phải bày tỏ, tiết lộ chủ trương chiến lược mà ai
cũng muốn biết, một cách công khai.
Thay vì từ chối để giữ sự im lặng, Việt Nam quyết định tham gia, cho
thấy Việt Nam đang muốn chủ động tạo ảnh hưởng lên sự hình thành thế
chiến lược an ninh trong vùng. Thông điệp chính của Việt Nam qua bài
phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là để mang lại sự ổn định, hợp
tác và phát triển, phải có “lòng tin chiến lược” được đặt trên nền tảng
tôn trọng chủ quyền, tôn trọng pháp luật quốc tế, giải quyết bằng biện
pháp hòa bình và phải được thể hiện bằng những hành động cụ thể. Đó là
những tiền đề mà Việt Nam đưa ra như là nguyên tắc của mình cho việc
theo đuổi những quan hệ lâu dài với những quốc gia, các cường quốc quân
sự như Mỹ, Trung Quốc, Nga, cũng như những quốc gia như Nhật, Ấn Độ,
Australia, Liên minh châu Âu và ASEAN.
Ông Dũng không ngần ngại cảnh báo sự xuất hiện “những biểu hiện đề cao
sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật
pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cường quyền,” một sự tố cáo
gián tiếp, mặc dù không nói ra, nhưng ai cũng hiểu đó là Trung Quốc.
Đây là một động thái chính trị khá mạnh mẽ, để lại ấn tượng trên trường
quốc tế rằng Việt Nam sẵn sàng đối diện thách thức và không hề có thái
độ sợ hãi Trung Quốc.
Tuy nêu lên những đe dọa tiêu cực, nhưng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng
khẳng định Việt Nam sẽ không liên minh quân sự với quốc gia này để chống
quốc gia khác, không cho các ngoại quốc đặt căn cứ quân sự trên đất
nước. Đồng thời ông gián tiếp đề cao sức mạnh quân sự Việt Nam bằng cách
nói rằng nỗ lực hiện đại hóa quân đội Việt Nam là để tự vệ và không
nhắm vào nước nào. Ông cũng chọn diễn đàn hội nghị này để đưa ra tuyên
bố quân đội Việt Nam sẽ tham gia nỗ lực gìn giữ hòa bình của Liên hợp
quốc.
Tất cả những tín hiệu là một nỗ lực khôn khéo về mặt ngoại giao để cho
thế giới thấy một Việt Nam chuộng hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế,
sẵn sàng có những quan hệ bền vững, có thực chất, và đáng tin cậy đối
với các quốc gia, nhưng cũng sẵn sàng tự vệ chính đáng nếu bị đàn áp.
Tiếng nói của một quốc gia từng trải qua hàng ngàn năm chiến đấu chống
trả sự xâm lăng của Trung Quốc, và từng chứng tỏ khả năng quân sự kiên
cường qua nhiều cuộc chiến, ở một diễn đàn quân sự hàng đầu chắc chắn
gửi đi những thông điệp cương nhu vừa phải, khiến cho kẻ thù phải bán
tín bán nghi về nội lực, quyết tâm và thực chất quan hệ của Việt Nam với
những quốc gia khác, trong khi mời gọi những quốc gia muốn trở thành
đồng minh lại gần.
Phát biểu công khai của Việt Nam trước một diễn đàn hàng đầu của thế
giới phần nào cho thấy một chính sách đối ngoại kế thừa truyền thống
ngoại giao cương nhu từng được triển khai bởi những thiên tài chính trị
quân sự như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi và Nguyễn Huệ./.
TTX