Thứ Năm, 10/10/2024
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
Thứ Sáu, 6/5/2022 10:5'(GMT+7)

Thống nhất, đồng thuận, phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển xanh, bền vững và toàn diện Tây Bắc

Cánh đồng Mường Thanh (Điện Biên).

Cánh đồng Mường Thanh (Điện Biên).

Từ ngày 6/4 đến 8/4, Đoàn Công tác số 6 của Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Phó Trưởng ban Trần Thanh Lâm làm trưởng đoàn đã đi thăm và làm việc tại một số tỉnh Tây Bắc: Sơn La, Điện Biên và Lai Châu.

Nội dung làm việc của Đoàn là khảo sát và kiểm tra việc triển khai nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; một số mặt trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức theo các kế hoạch, kết luận, chỉ thị và quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII; triển khai học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh; công tác tăng cường, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch trong tình hình mới cũng như tình hình triển khai công tác tuyên giáo, nắm bắt tư tưởng, dư luận xã hội của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên các địa bàn; tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc, lắng nghe những đề xuất, kiến nghị của địa phương với Trung ương.

Chuyến công tác được thực hiện trong bối cảnh Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là nghị quyết đầu tiên về phát triển vùng được Bộ Chính trị khóa XIII xem xét, ban hành, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, cho thấy vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của cả nước trong những giai đoạn phát triển tới.

VỊ TRÍ CHIẾN LƯỢC ĐẶC BIỆT QUAN TRỌNG

Sơn La, Điện Biên, Lai Châu - 3 tỉnh Đoàn số 6 đi thăm và làm việc là 3 trong số các tỉnh thuộc tiểu vùng Tây Bắc nằm trong vùng Trung du và miền núi Bắc bộ là 1 trong 6 vùng của cả nước theo quy hoạch của Chính phủ. Đây là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, nơi được mệnh danh “phên dậu”, “địa đầu” và “lá phổi xanh” của đất nước. Trong vùng, tiểu vùng Tây Bắc là nơi xa xôi, hiểm trở nhất, đường đi khó, nhiều vực sâu, núi cao, nơi án ngữ của đầu nguồn nhiều dòng sông, có diện tích rừng lớn, tỷ lệ che phủ rừng cao, có đường biên giới dài giáp Trung Quốc và Thượng Lào.

Đây cũng là vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển bền vững; là vùng đất có bề dày lịch sử với truyền thống cách mạng vẻ vang, yêu nước, đoàn kết, thống nhất, có ý chí và quyết tâm cao. Nhiều tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú, nhiều di sản văn hóa văn hóa đặc sắc nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Quang cảnh buổi làm việc của đoàn công tác với Tỉnh ủy Sơn La. (Ảnh: TTXVN)

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, chính sách tập trung ưu tiên phát triển vùng. Sơn La, Điện Biên, Lai Châu cũng như các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ nói chung đã có nhiều thay đổi to lớn trong diện mạo và phát triển, đóng góp quan trọng vào bảo đảm sự ổn định và phát triển của cả nước. Vượt lên trên những khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh đã nỗ lực xây dựng, tạo ra nhiều đổi thay, hạ tầng kinh tế - xã hội đã có bước phát triển mới, tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân có nhiều đổi mới. Phát triển kinh tế - xã hội được kết hợp chặt chẽ với tăng cường quốc phòng, an ninh. Biên giới quốc gia được giữ vững và củng cố, bảo đảm hòa bình, hữu nghị và ổn định với các nước bạn láng giềng.

KHÁT VỌNG BỨT PHÁT, XÓA “VÙNG TRŨNG”, “LÕI NGHÈO”

Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ những năm qua đã có nhiều đổi thay, bứt phá. Tuy nhiên, sự phát triển này hiện nay chưa đồng đều, bên cạnh một số tỉnh đang vượt lên và ngày càng bỏ xa các tỉnh khác như Thái Nguyên, Bắc Giang, Lào Cai, thì các tỉnh khác trong đó có Điện Biên, Lai Châu, Sơn La,… vẫn còn nhiều khó khăn đang kìm hãm, nhiều tiềm năng, lợi thế chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả, về cơ bản, vẫn là “vũng trũng” trong phát triển và là “lõi nghèo” của cả nước.

Nhiều khó khăn, thách thức cả về khách quan lẫn chủ quan đang cản trở sự bứt phá của vùng. Đó là, xuất phát điểm về kinh tế - xã hội thấp với điều kiện tự nhiên không thuận lợi, xa các trung tâm lớn; thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, biến đổi khí hậu, lũ quét, lũ ống, sạt lở; các điều kiện giao thông vận tải, trình độ dân trí thấp. Vẫn còn tồn tại phong tục, tập quán, hủ tục lạc hậu như tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tục kéo vợ, mê tín dị đoan, cúng bái... Kết quả giảm nghèo tuy đã có những kết quả vượt bậc nhưng chưa bền vững, nhất là những tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số. Đường biên giới dài và hiểm trở, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo gia tăng các hoạt động kích động tư tưởng li khai, tự trị, truyền đạo trái phép, lôi kéo người dân đi theo tà đạo, di cư tự do… gây mất an ninh trật tự, kích động chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc, hòng làm giảm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên một số địa bàn, ảnh hưởng đến công tác tư tưởng.

Với vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc bộ, định hướng phát triển xanh, bền vững của các tỉnh Tây Bắc là đặc biệt coi trọng giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh sinh thái, bảo vệ môi trường, chống lại các thách thức của biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng an ninh, khai thác hợp lý, hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên; giữa nâng cao chất lượng lao động, ổn định dân cư và di dân tự do… Tập trung bảo vệ, khôi phục rừng, nhất là rừng đầu nguồn, phát triển cây lâm nghiệp bền vững, cây công nghiệp, cây ăn quả, cây đặc sản, cây dược liệu, chăn nuôi gia súc với công nghiệp chế biến. Cải thiện các chỉ số để thu hút các nguồn lực, đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn gắn với chế biến và thị trường xuất khẩu; nỗ lực trong các chương trình nông thôn mới và OCOP… Coi trọng phát triển du lịch, khai thác di sản thiên nhiên, cảnh quan, lịch sử, bản sắc văn hóa và con người thành tài sản cũng đang là một hướng đi mà các tỉnh như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đang đặc biệt quan tâm. 

XÂY DỰNG ĐẢNG LÀ KHÂU THEN CHỐT

Tầm nhìn, khát vọng phát triển đất nước và tầm nhìn, khát vọng phát triển kinh tế - xã hội cho từng vùng, từng địa phương cần nhiều giải pháp đồng bộ và toàn diện. Nghị quyết 11 Trung ương vừa ban hành thể hiện tầm nhìn, khát vọng, quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước ta: Phấn đấu đến 2030, “vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện”. Để tạo ra chuyển biến đột phá, Nghị quyết 11 tập trung vào đổi mới tư duy phát triển, nhằm khắc phục những điểm hạn chế trong liên kết và phát triển vùng.

Trong mọi hoạch định và khát vọng vươn tới, yếu tố con người và thể chế luôn nằm ở vị trí trung tâm. Thời gian qua, Trung ương đặc biệt nhấn mạnh đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ uy tín, phẩm chất ngang tầm nhiệm vụ,... coi đây là điều kiện tiên quyết để tạo nên những bước phát triển đột phá.

Bám sát Nghị quyết của Đại hội XIII, Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, các tỉnh uỷ đã xây dựng Chương trình hành động sớm và kỹ lưỡng, toàn diện và đầy đủ các nội dung, quan điểm, mục tiêu, điểm trọng tâm, đột phá. Cơ bản đã ban hành đầy đủ các hệ thống văn bản, bao trùm và xác định các trụ cột chính, cụ thể hoá thành các nhiệm vụ nghị quyết chuyên đề trong giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030. Đến nay, đã và đang đánh giá 1 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết của địa phương, có sự rà soát, bổ sung thêm những quan điểm, định hướng phát triển mới theo tinh thần của Nghị quyết 11-NQ/TW mà Bộ Chính trị mới ban hành.

Bám sát chỉ đạo, định hướng của Trung ương, nhiệm vụ chính trị của tỉnh, các cấp uỷ đảng, các cơ quan, đơn vị luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức và cán bộ, trọng tâm là thực hiện Kết luận 21-KL/TW về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; Kết luận 14-KL/TW ngày 11/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; Quy định 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; Quy định 41-QĐ/TW ngày 3/11/2021 của Bộ Chính trị về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, trong đó chú ý tới nội dung miễn nhiệm đối với cán bộ, công chức khi bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa; vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và cơ quan, đơn vị nơi đang công tác; triển khai thực hiện hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”...

Thực hiện các kết luận quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, Ban Thường vụ các Tỉnh uỷ đã kịp thời tổ chức các hội nghị quán triệt, học tập, chỉ đạo, ban hành các văn bản quán triệt, tuyên truyền triển khai thực hiện nghiêm túc, sâu rộng trong toàn Đảng bộ. Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đạt được nhiều kết quả quan trọng, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên được nâng lên, nhiều mô hình hay, các làm hiệu quả đã phát huy góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Quang cảnh buổi làm việc của đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương với Tỉnh ủy Điện Biên. 

Về thực hiện các nhiệm vụ của công tác tuyên giáo ở vùng địa bàn biên giới, miền núi với nhiều đặc thù, các tỉnh đã có nhiều nỗ lực đổi mới về nội dung, phương thức. Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn được chú trọng. Công tác tuyên truyền, củng cố, kiện toàn lực lượng làm công tác tuyên truyền, phát huy ưu thế của từng loại hình tuyên truyền phù hợp với đối tượng, đặc biệt là những vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác đấu tranh, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phòng chống âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch được tăng cường đạt kết tích cực; nắm chắc tư tưởng, dư luận xã hội, kịp thời giải quyết những vấn đề tư tưởng nảy sinh ngay từ cơ sở. Tình hình tư tưởng các tầng lớp nhân dân cơ bản ổn định, đồng thuận. Các lĩnh vực văn hoá, văn nghệ, khoa giáo, lịch sử đảng được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển, nâng lên về chất lượng và hiệu quả, qua đó góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của các tầng lớp nhân dân.

Qua các buổi làm việc với Đoàn Công tác số 6, địa phương cũng đã nêu một số tồn tại, hạn chế, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị một số vấn đề. Công tác học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại một số cấp uỷ cơ sở chưa đi vào chiều sâu. Việc cụ thể hoá, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chương trình hành động của Tỉnh uỷ ở một số cấp uỷ, tổ chức đảng còn chậm, chất lượng còn có mặt hạn chế. Công tác tuyên truyền còn có mặt hạn chế, chưa hấp dẫn. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở một số địa phương, đơn vị chất lượng, hiệu quả chưa cao.

Công tác tuyên giáo nằm trong dòng chảy của mọi sự vận động, tham gia vào các lĩnh vực nhằm tạo đồng thuận và thống nhất tư tưởng tạo sức mạnh, động lực cho hành động, là nhiệm vụ quan trọng của cấp ủy. Song, sự quan tâm của một số cấp uỷ, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương về công tác tuyên giáo chưa thường xuyên; có thời điểm, có nhiệm vụ chưa huy động được cả hệ thống chính trị thực hiện công tác tuyên giáo. Một bộ phận cán bộ làm công tác tuyên giáo, nhất là tuyên giáo cơ sở, đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội, cộng tác viên trình độ còn hạn chế, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm. Đội ngũ làm công tác tuyên giáo của địa phương còn mỏng. Phương tiện, trang thiết bị phục vụ tuyên truyền của hệ thống tuyên giáo và các cơ quan thông tin đại chúng còn thiếu và lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Tại các cuộc làm việc, nhiều ý kiến nêu, các văn bản quy định về cơ cấu tổ chức của hệ thống tuyên giáo từ tỉnh đến cơ sở hiện nay chưa có sự thống nhất dẫn đến có những lúng túng trong tổ chức thực hiện. Từ đó, đề xuất cần có sự nghiên cứu, hướng dẫn thống nhất cơ cấu, tổ chức của hệ thống tuyên giáo cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; khẩn trương ban hành quy định, hướng dẫn về trung tâm chính trị chuẩn.

 

Đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu kết luận buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy Lai Châu.

Đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương kết luận tại các buổi làm việc với địa phương đều bày tỏ sự đánh giá cao sự phát triển và thay đổi của các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Đồng chí đánh giá cao những nỗ lực của cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân đã khơi dậy khát vọng vươn lên, khắc phục khó khăn, đạt được nhiều kết quả đặc biệt trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đạt nhiều kết quả nổi bật trong công tác tuyên giáo. Đồng thời, chia sẻ những tồn tại, hạn chế cả khách quan và chủ quan của các tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn, thách thức. Đồng chí cho rằng, các báo cáo cần các góc nhìn rộng hơn về công tác xây dựng Đảng thể hiện trên các mặt, các phương diện, các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt chú ý đến công tác tư tưởng, củng cố niềm tin và đồng thuận xã hội tạo nên sức mạnh nội lực để các tỉnh Tây Bắc chuyển đổi đột phá. Đồng chí Trần Thanh Lâm đề nghị các Tỉnh ủy, tiếp tục tăng cường làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo về công tác xây dựng Đảng thông qua triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương. Tăng cường bồi dưỡng cán bộ làm công tác tuyên giáo, làm tốt các công tác phối hợp với báo chí, truyền  thông… Báo cáo và ý kiến các địa phương nêu tại các buổi làm việc là cơ sở thực tiễn quan trọng để Đoàn Công tác tổng hợp, xây dựng báo cáo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Trong bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị toàn quốc quán triệt phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ ngày 15/4 vừa qua tại Trụ sở Văn phòng Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Phát triển nhanh và bền vững vùng trung du và miền núi Bắc bộ, từng bước thu hẹp trình độ phát triển và mức sống của nhân dân trong vùng so với các vùng khác trong cả nước là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa không chỉ về kinh tế - xã hội mà trước hết là về chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của các địa phương trong vùng và cả nước.

Tổng Bí thư đã nêu nhiều định hướng, trong đó nhấn mạnh cần: “Khơi dậy và phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần chủ động sáng tạo, ý thức tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên và nhân dân các địa phương trong vùng; quyết tâm vượt lên chính mình, khắc phục tư tưởng bằng lòng, trung bình chủ nghĩa, không cam chịu đói nghèo, thua kém các tỉnh khác, vùng khác”. Cùng với đó là, “xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị; phát huy cao độ truyền thống văn hóa, cách mạng; sự cần cù và ý chí tự lực, tự cường của nhân dân trong vùng. Xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân trong vùng với nhân dân các nước bạn láng giềng”.

Chắc chắn rằng, để thực hiện được tầm nhìn và khát vọng phát triển, vượt qua khó khăn, thách thức, bứt phá vươn lên, các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu cũng như các địa phương thuộc các vùng trên cả nước, trước tiên, cần đặc biệt chú trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; xây dựng đội ngũ đảng viên và cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ; làm tốt công tác tuyên giáo, góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân, thống nhất và tạo đồng thuận xã hội để huy động các nguồn lực, động lực cho phát triển, sớm đưa nghị quyết thành hiện thực sinh động trong cuộc sống. /.

Cao Nguyên

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất