(TG) - Hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm năm 2021 khắc họa đậm nét những nỗ lực vượt bậc đầy tâm huyết, trách nhiệm của những người làm xuất bản và phát hành xuất bản phẩm. Đó là cơ sở để ngành Xuất bản và phát hành xuất bản phẩm sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt được nhiều kết quả mang tính bứt phá trong năm 2022 và những năm tới.
NHỮNG KẾT QUẢ NỔI BẬT
Năm 2021 được đánh giá là năm có nhiều thách thức đối với nền kinh tế và đời sống xã hội của Việt Nam do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, đặc biệt là ảnh hưởng nặng nề của làn sóng dịch lần thứ tư. Trong bối cảnh đó, ngành Xuất bản cũng đối mặt với nhiều khó khăn như: hoạt động xuất bản bị gián đoạn do thời gian giãn cách xã hội; sức mua giảm; các chi phí nguyên vật liệu tăng giá do khó khăn về nguồn cung cấp; tình trạng thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao; thiếu kinh phí hoạt động dẫn đến việc đầu tư cơ sở vật chất còn hạn chế… Tuy vậy, ngành Xuất bản đã có những nỗ lực rất lớn trong việc nắm bắt thị trường, nhu cầu của độc giả tới việc thích ứng nhanh nhạy để chuyển đổi các hình thức kinh doanh, tuyên truyền, quảng bá sách, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Trong đó, nổi bật là một số kết quả tích cực như:
Thứ nhất, công tác xây dựng, triển khai kế hoạch đề tài bám sát yêu cầu, nhiệm vụ, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị trọng tâm của ngành, của đất nước, đặc biệt là tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Nhiều xuất bản phẩm có giá trị, góp phần đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết quan trọng khác của Đảng vào cuộc sống. Đặc biệt, năm 2021, một số ấn phẩm tiêu biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được xuất bản, nhận được nhiều ý kiến đánh giá rất cao của độc giả, học giả trong nước và bạn bè quốc tế; góp phần vào việc nâng tầm tư duy lý luận của Đảng, đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, cung cấp kịp thời cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Nhiều ấn phẩm tuyên truyền về kiến thức phòng, chống dịch bệnh COVID-19 hay sách giải trí, kỹ năng sống, sách văn học được xuất bản đa dạng, phong phú, kịp thời trở thành món ăn “an sinh tinh thần” cho người dân trong những ngày diễn ra đại dịch.
Thứ hai, hiệu quả kinh tế ngành được duy trì, ổn định, có nhiều điểm sáng tích cực. Theo báo cáo của cơ quan quản lý nhà nước, tổng doanh thu toàn ngành tăng 12,4% và lợi nhuận sau thuế tăng 95,8%. Kết quả đó đặt trong bối cảnh đất nước phải đối diện với tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội... mới thấy hết ý nghĩa của mọi sự nỗ lực, cố gắng. Đặc biệt, trong những ngày đại dịch bùng phát, các đơn vị xuất bản, in, phát hành đã có những cách làm đổi mới, sáng tạo, ứng dụng nhanh quá trình chuyển đổi số như: Xuất bản sách truyền thống kèm các sản phẩm sách điện tử, phát hành sách trực tuyến qua Internet, mạng xã hội nhằm thích ứng và phát huy hiệu quả kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh, đáp ứng nhu cầu đọc của người dân.
Thứ ba, công tác phát hành, giới thiệu và quảng bá xuất bản phẩm được quan tâm, đầu tư, góp phần cổ vũ và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Trong những năm gần đây, hoạt động quảng bá sách đã có những bước chuyển tích cực với nhiều hình thức quảng bá quy mô, sáng tạo, thu hút độc giả thuộc mọi lứa tuổi, nâng cao hiệu quả kinh doanh, góp phần phát triển văn hóa đọc. Ví dụ, Chương trình giới thiệu sách trên các kênh truyền hình “Sách hay thay đổi cuộc đời” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo.
Vừa qua, Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành văn bản gửi các tỉnh ủy, thành ủy, ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, các cơ quan chủ quản, các đơn vị xuất bản, in và phát hành sách, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương về việc tăng cường công tác chỉ đạo, định hướng tạo điều kiện và tuyên truyền, triển khai sâu rộng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và cụ thể hóa Quyết định số 1862/QĐ-TTg, ngày 4/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.
Thứ tư, công tác chỉ đạo, định hướng, quản lý hoạt động xuất bản có nhiều đổi mới và chủ động bám sát với tình hình thực tiễn, có trọng tâm, trọng điểm. Công tác phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam ngày càng được tăng cường, nâng cao, nhuần nhuyễn, hiệu quả, từ đó có sự điều chỉnh kịp thời, phù hợp trong chỉ đạo, quản lý hoạt động xuất bản. Định kỳ, thường xuyên phối hợp tổ chức các hội nghị giao ban xuất bản: Hội nghị giao ban báo chí xuất bản 6 tháng đầu năm 2021; Hội nghị giao ban cơ quan chủ quản xuất bản 2021; Gặp mặt các cơ quan báo chí, xuất bản, văn học nghệ thuật tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Các hội nghị này đều nhận được sự quan tâm tham dự trực tiếp, chỉ đạo sát sao của đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và các đồng chí lãnh đạo Ban, qua đó, thể hiện sự quan tâm của Đảng đối với hoạt động báo chí, xuất bản. Thông qua các hội nghị, cuộc gặp mặt giúp lãnh đạo các cơ quan xuất bản trực tiếp trao đổi, nói lên tiếng nói của những người làm xuất bản về những vấn đề đang đặt ra; cũng là cơ hội quý báu giúp các cơ quan chỉ đạo, quản lý hoạt động xuất bản nắm bắt những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn để kịp thời tháo gỡ, tạo điều kiện cho các hoạt động xuất bản phát triển. Đồng thời, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tích cực phối hợp trong bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng cán bộ lãnh đạo nhà xuất bản; trong việc phát hiện, thẩm định, đánh giá và cho ý kiến về xuất bản phẩm có nội dung quan trọng, phức tạp, nhạy cảm để kịp thời có những chỉ đạo, định hướng phù hợp.
Tính hết năm 2021, cả nước có 57 nhà xuất bản, trong đó có 15 nhà xuất bản hoạt động theo mô hình doanh nghiệp (Công ty TNHH một thành viên 100% vốn Nhà nước) và 42 đơn vị sự nghiệp công lập.
Tính đến hết ngày 31/12/2021, tổng số xuất bản phẩm nộp lưu chiểu là 32.948 xuất bản phẩm (giảm 9%) với 400.610.118 bản (giảm 0,7%). Trong đó: Xuất bản phẩm dạng sách in đạt 29.274 cuốn (giảm 9%) với 350.000.000 bản (giảm 3,6%); Xuất bản phẩm dạng điện tử là 2.300 xuất bản phẩm (tăng 12,2%) với ước tính khoảng 25 triệu bản (tăng 16 lần). Xuất bản phẩm khác (đĩa DVD, tranh ảnh, bản đồ, lịch các loại...) đạt 1.374 xuất bản phẩm (giảm 31,6%) với 25.610.118 bản (giảm 34%).
Tỷ lệ xuất bản phẩm bình quân đầu người đạt 4,08 bản/người/năm (giảm 1,2%).
|
PHÁT TRIỂN THEO HƯỚNG TINH GỌN, CHẤT LƯỢNG, HIỆN ĐẠI HÓA
Năm 2022, là năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; tình hình thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự đoán; kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng và có thể còn kéo dài do tác động của đại dịch COVID-19; xung đột Nga - Ucraine căng thẳng, cũng như những yếu tố bên ngoài diễn biến khó lường. Xuất phát từ thực tiễn hoạt động xuất bản; từ yêu cầu, nhiệm vụ đang đặt ra, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định phải “sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hoá. Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục”. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra nhiệm vụ: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia - dân tộc”.
Trước yêu cầu nhiệm vụ nêu trên, những người làm công tác xuất bản phải đổi mới tư duy, bắt nhịp thời cuộc, nhạy bén xử lý những tình huống cụ thể, đồng thời, phải giải quyết những vấn đề chiến lược của ngành, góp phần khẳng định xuất bản là lĩnh vực tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Trong đó, tập trung thực hiện một số nội dung chính như sau:
Một là, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực xuất bản, tăng cường phối hợp, tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động xuất bản. Nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hoạt động xuất bản; đề xuất những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp yêu cầu chỉ đạo, quản lý và thực tiễn phát triển xuất bản.
Hiện nay, Ban Tuyên giáo Trung ương đang chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam và các cơ quan có liên quan tiến hành tổng kết việc thực hiện Quyết định số 282-QĐ/TW, ngày 26/1/2010 ban hành Quy định trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo nhà xuất bản để báo cáo, đề xuất Ban Bí thư ban hành quy định mới.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông sớm tổng kết, nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Luật Xuất bản (2012) phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và sự vận động của hoạt động xuất bản trong tình hình mới.
Hội Xuất bản Việt Nam cần tiếp tục quan tâm, tăng cường công tác trao đổi thông tin, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông trong chỉ đạo, định hướng, quản lý và hoạt động nghề nghiệp liên quan đến công tác xuất bản, đặc biệt, trong công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội Hội Xuất bản Việt Nam nhiệm kỳ 2022-2027.
Tiếp tục đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giao ban xuất bản; thanh tra, kiểm tra, xử lý sai phạm; đẩy mạnh bồi dưỡng nghiệp vụ theo phương châm thiết thực, hiệu quả, gắn với nhu cầu của các đơn vị.
Hai là, các cơ quan chủ quản, các nhà xuất bản thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền trong năm 2022, nâng cao năng lực hoạt động của các nhà xuất bản, nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, góp phần triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, đó là: “Chủ động nâng cao sức đề kháng của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên đối với các văn hoá phẩm ngoại lai độc hại” nhằm từng bước “xây dựng môi trường văn hoá thật sự trong sạch, lành mạnh, cải thiện điều kiện hưởng thụ văn hoá của nhân dân”, “thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời” để thực hiện đúng tinh thần của Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức vào ngày 24/11/2021; Chỉ thị 42-CT/TW, ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư (khóa X) về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản và Thông báo số 19-TB/TW ngày 29/12/2016 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư khóa IX về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản.
Đồng thời, để thích ứng linh hoạt trong phòng chống dịch COVID-19, cần tăng cường tính chủ động, bảo đảm hài hòa, chặt chẽ, hiệu quả giữa các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 với việc khôi phục triển kinh tế - xã hội theo tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng và Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ về ban hành Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 mới ban hành.
Ba là, tăng cường quảng bá, truyền thông sách, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia phát triển văn hóa đọc. Thời gian qua, cùng với những kết quả đạt được, công tác quảng bá, truyền thông sách chưa tương xứng với đòi hỏi, yêu cầu, mục tiêu mới. Việc tham gia các triển lãm, hội chợ sách quốc tế còn hạn chế về số lượng và chất lượng, chưa tạo thành sân chơi tiềm năng cho các đơn vị xuất bản trong liên doanh, liên kết quốc tế. Việc tổ chức các hội chợ sách ở một số tỉnh, thành phố cần những đổi mới về phương thức, nội dung cho phù hợp với nhu cầu độc giả. Việc triển khai mô hình phố sách cần sớm tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng, phát huy mặt tích cực, tháo gỡ khó khăn, hạn chế, làm cho các phố sách, đường sách thực sự là thiết chế văn hóa quan trọng của mỗi địa phương (mô hình phát triển văn hóa đọc cộng đồng, thông qua hoạt động của nhà văn hóa thôn, bản...), cần quan tâm thích đáng đến mạng lưới phát hành sách ở miền núi, vùng sâu, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm khắc phục sự chênh lệch về trình độ phát triển, mức độ thụ hưởng và đời sống văn hoá giữa các vùng, miền./.
Trần Thanh Lâm
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương