Thông tư liên tịch này quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc.
Theo đó, các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc sẽ cùng áp dụng một mức
giá chung cho các dịch vụ kỹ thuật; giá khám bệnh, ngày giường vẫn theo
hạng bệnh viện.
Đối với các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán
từ quỹ bảo hiểm y tế thì khung giá và thẩm quyền quy định mức giá cụ thể
thực hiện theo quy định tại Luật Giá, Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các
văn bản hướng dẫn liên quan.
Theo Thông tư, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh gồm: Giá dịch vụ khám
bệnh; giá dịch vụ ngày giường điều trị; giá các dịch vụ kỹ thuật.
Thông tư được chia làm 2 lộ trình thực hiện: từ 1/3 thực hiện mức giá
gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù (phụ cấp thường trực 24/24h,
phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật). Từ 1/7 mức giá gồm cả tiền lương. Thời
điểm thực hiện cụ thể của các đơn vị, địa phương do Bộ Y tế xem xét,
quyết định.
Thời điểm thực hiện cụ thể của các đơn vị, địa phương do Bộ Y tế xem xét, quyết định.
Thông tư nêu rõ, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được cơ quan có thẩm
quyền phân loại là đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên, đơn vị tự bảo đảm
chi thường xuyên và chi đầu tư được thực hiện mức giá gồm chi phí trực
tiếp, phụ cấp đặc thù và tiền lương kể từ ngày 1/3/2016.
Cụ thể, từ ngày 1/3/2016, giá dịch vụ khám bệnh được áp dụng từ 7.000 –
200.000 đồng (chưa bao gồm tiền lương). Từ ngày 1/7/2016, giá dịch vụ
khám bệnh từ 29.000 – 200.000 đồng (gồm chi phí trực tiếp và tiền
lương). Trong đó, cao nhất là 200.000 đồng áp dụng cho các trường hợp
mời chuyên gia từ nơi khác đến hội chẩn xác định ca bệnh khó.
Giá dịch vụ ngày giường bệnh áp dụng từ 1/3/2016 từ 31.000 đồng-354.000
đồng (gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp thường trực); từ ngày 1/7/2016,
giá dịch vụ từ 108.000 - 677.000 đồng (gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp
thường trực và tiền lương)...
Giá ngày giường cao nhất là giường điều trị hồi sức tích cực (ICU)/ghép
tạng/ghép tủy/ghép tế bào gốc sẽ điều chỉnh lên khoảng 350.000 đồng cho
hạng đặc biệt, hạng 1 và 2; giai đoạn tiếp theo dao động
568.900-677.100.
Thông tư liên tịch có hiệu lực thi hành từ 1/3/2016.
Theo ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế),
việc điều chỉnh giá lần này theo nguyên tắc tính đủ chi phí trực tiếp và
tiền lương của cán bộ y tế nên đối với những dịch vụ kỹ thuật có chi
phí tiền lương cao (như tiền ngày giường; các phẫu thuật nặng được xếp
loại đặc biệt, loại một có tới 7-8 bác sỹ tham gia làm trong 3-4 giờ...)
thì sẽ có mức tăng cao. Còn các dịch vụ sử dụng ít nhân lực, chi phí
tiền lương trong giá dịch vụ thấp như các dịch vụ chiếu chụp, chẩn đoán,
xét nghiệm thì có mức tăng thấp hơn.
Với mức giá chi trả của dịch vụ kỹ thuật thống nhất, người bệnh sẽ được
cung cấp dịch vụ y tế công bằng, đồng đều ở tất cả cơ sở khám chữa bệnh,
không phân biệt vùng miền./.
TG