Thứ Bảy, 28/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Năm, 27/5/2010 15:59'(GMT+7)

Thông tin kiểu ấy, thật thiếu trách nhiệm...!

Ảnh  minh họa

Ảnh minh họa

Trời thì nóng nực, công việc nhiều sức ép, ra đường căng thẳng lo kẹt xe, tai nạn giao thông… nay lại thêm câu chuyện này, dù không muốn đọc - xem - nghe đi nữa thì nó cũng cứ đập vào mắt hằng ngày, khiến cho không ít người bị ám ảnh.

Thông tin vụ án này lẽ ra nên khép lại, chuyện điều tra của cơ quan chức năng, chuyện mẹ cô gái bị sốc đến chết ngất ở nhà, chuyện cha cô theo đoàn điều tra đi tìm thi thể con gái với nỗi đau xé ruột… thiết nghĩ không có gì đáng phải tuyên truyền sâu rộng đến thế, nếu không muốn nói là hãy tôn trọng việc riêng tư bất hạnh của một gia đình, nhất là lúc này và để họ được yên!

Thế nhưng thật phản cảm, vụ việc đã được một số phương tiện thông tin đeo bám, khai thác triệt để các tình tiết, hình ảnh rồi đưa lên mạng lưới truyền thông đại chúng. Dư luận không ít phản đối việc thông tin nói trên đã đặt câu hỏi: Người làm tin và cho đưa thông tin hiếu kỳ như vậy phải chăng không nghĩ tới mục đích của việc thông tin, tuyên truyền? Có gì ích lợi cho xã hội khi cứ đeo bám, miêu tả chi tiết về một vụ giết người hy hữu ấy, nếu không muốn nói là nhằm giật gân câu khách rẻ tiền?

Đã có rất nhiều hiện tượng thông tin nhằm mục đích giật gân câu khách mà xã hội lên án, cơ quan quản lý phê phán, ngăn chặn, nhưng rồi tình trạng vẫn cứ xảy ra. Đây không phải là lần đầu tiên và chắc cũng không phải là cuối cùng có cung cách thông tin đáng chê trách kiểu này, nếu như người làm công tác thông tin, truyên truyền không ý thức hết trách nhiệm của mình trước xã hội và tự trọng nghề nghiệp bản thân.
 
Tất cả phụ thuộc vào nhận thức và ý thức tự giác của người thông tin. Pháp luật không thể cấm đoán, nhưng với góc độ quản lý về mặt nhà nước, có thể nêu ra đây một kinh nghiệm của Hàn Quốc: Ở quốc gia này, các thông tin về vụ việc gây “sốc” như đâm, chém, giết hiếp, cướp giật… đều được đăng tải trên một số tờ báo riêng chuyên viết về các vấn đề này.

Ai quan tâm thì tìm các loại báo chí đó xem – đọc, ai không quan tâm thì thôi. Như vậy tránh cho nhiều người bị ám ảnh bởi những câu chuyện không muốn biết mà cứ in, phát nhan nhản trên các phương tiện thông tin đại chúng./.

(Lao Động điện tử)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất