Chủ Nhật, 24/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 27/6/2013 20:37'(GMT+7)

Thông tin thống kê Nhà nước sẽ được phổ biến thường xuyên, định kỳ

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Bích Lâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống Kê cho biết trong bối cảnh kinh tế thế giới có những biến động phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Chính vì vậy, công tác bảo đảm an ninh, dự báo và phân tích thống kê là vô cùng quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng của các cuộc điều tra, công bố số liệu, góp phần đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các hệ thống chỉ tiêu thống kê cũng như Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

 

Theo đó, với việc Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 34/2013/ QĐ-TTg ngày 04/6/2013 Ban hành Chính sách phổ biến thông tin thống kê Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối tổ chức việc thực hiện Chính sách phổ biến thông tin thống kê Nhà nước và thống nhất chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ đối với toàn bộ hoạt động trên, qua đó xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn triển khai và báo cáo kết quả tổng hợp định kỳ với Thủ tướng Chính phủ.

 

Đồng thời giao cho Tổng cục Thống kê có trách nhiệm phổ biến thông tin thống kê quy định trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, cấp tỉnh, huyện, xã; phổ biến báo cáo tình hình kinh tế- xã hội vào ngày 28 của hàng tháng; niên giám thống kê quốc gia hàng năm vào tháng 6 năm sau; các kết quả thực hiện chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm, 10 năm; kết quả của các cuộc tổng điều tra thống kê trong Chương trình điều tra quốc gia…

 

Cũng tại buổi họp báo, đại diện Tổng cục Thống kê đã công bố số liệu Tổng điều tra cơ sở kinh tế, hành chính, sự nghiệp năm 2012. Theo đó, tính đến thời điểm 1/7/2012, cả nước có gần 5,2 triệu đơn vị kinh tế, hành chính, sự nghiệp thu hút 22,8 triệu lao động. Sự phát triển về số lượng đơn vị và lao động thể hiện theo xu hướng tích cực, bình quân hàng năm tăng 5,1% về số lượng và 7,4% về lực lượng lao động. 

 

Cơ cấu ngành kinh tế tiếp tục thể hiện xu hướng phát triển nhanh về số lượng và thu hút lao động. Mức tăng cao nhất về số lượng đơn vị và lao động gồm: hoạt động kinh doanh bất động sản 17,2% và 19,3%; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ 13,7% và 14,8%; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ 8,7% và 14,2%; y tế và trợ giúp xã hội 25,9% và 11,6%...

 

Cũng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn từ 2006-2011, bình quân mỗi năm số lượng doanh nghiệp tăng 21%, trong đó tăng nhanh nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước với 21,7%, khu vực FDI 16,4%. Riêng khu vực doanh nghiệp nhà nước mỗi năm giảm 2,5% do chủ trưởng cổ phần hóa, đổi mới và sắp xếp lại doanh nghiệp. Mặc dù vậy, tỷ lệ số doanh nghiệp kinh doanh có lãi trong năm 2011 là chưa cao (53,9%). Tỷ lệ số doanh nghiệp kinh doanh không lãi, không lỗ là 3,2%. Còn lại 42,9% số doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ với nguyên nhân chủ yếu là do năm 2011 nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam đang trong gia đoạn khủng hoảng và suy giảm.

 

Cũng tại buổi họp báo, đại diện Vụ Thống kê Tổng hợp đã thông báo một số vấn đề cơ bản về tình kinh tế - xã hội của 6 tháng đầu năm 2013, theo đó, mức tăng trưởng GDP quý II đạt 5%, cao hơn mức tăng của quý I và đưa tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm lên 4,9%. Các chỉ số về lạm phát tiếp tục được kiềm chế, giá cả, thị trường khá ổn định, xuất khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, vốn ODA và FDI thực hiện đều tăng so với cùng kỳ năm trước…

 

Tuấn Đạt

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất