Thứ Hai, 30/9/2024
Nghiệp vụ công tác tuyên giáo
Thứ Ba, 24/3/2009 13:37'(GMT+7)

Thông tin truyền thông và việc đẩy mạnh ngoại giao văn hóa

1 - Khái niệm văn hóa và chức năng văn hóa

Văn hóa là tổng thể những nét riêng biệt tinh thần và vật chất, trí tuệ và xúc cảm quyết định tính cách của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội. Văn hóa bao gồm nghệ thuật và văn chương, những lối sống, những quyền cơ bản của con người, những hệ thống các giá trị, những tập tục và tín ngưỡng. Văn hóa đem lại cho con người khả năng suy xét về bản thân. Chính văn hóa đã làm cho chúng ta trở thành một sinh vật đặc biệt nhân bản, có lý tính, có óc phê phán và dấn thân một cách có đạo lý. Chính nhờ văn hóa, con người tự thể hiện, tự ý thức bản thân, tự biết mình...

Đứng từ góc độ bản chất, văn hóa có các chức năng:

- Chức năng giáo dục: là chức năng mà văn hóa thông qua các hoạt động, các sản phẩm của mình nhằm tác động một cách có hệ thống đến sự phát triển tinh thần, thể chất của con người, làm cho con người dần dần có những phẩm chất và năng lực theo những chuẩn mực xã hội đề ra.

- Chức năng nhận thức: là chức năng đầu tiên, tồn tại trong mọi hoạt động văn hóa.

Con người không có nhận thức thì không thể có bất cứ một hành động văn hóa nào.

- Chức năng thẩm mỹ: cùng với nhu cầu hiểu biết, con người còn có nhu cầu hưởng thụ, hướng tới cái đẹp. Con người “nhào nặn” hiện thực theo quy luật của cái đẹp cho nên văn hóa phải có chức năng này. Nói cách khác, văn hóa là sự sáng tạo của con người theo quy luật của cái đẹp.

- Chức năng giải trí: trong cuộc sống, ngoài hoạt động lao động và sáng tạo, con người còn có nhu cầu giải trí. Các hoạt động văn hóa, câu lạc bộ, bảo tàng, lễ hội, ca nhạc... sẽ đáp ứng được các nhu cầu ấy. Như vậy, sự giải trí bằng các hoạt động văn hóa là bổ ích, cần thiết, góp phần giúp con người lao động sáng tạo có hiệu quả hơn và phát triển toàn diện. Các chức năng trên chứng tỏ văn hóa có một đời sống riêng, quy luật hoạt động riêng nhưng lại không nằm ngoài kinh tế và chính trị.

2 - Tiếp xúc và giao lưu văn hóa - cốt lõi của ngoại giao văn hóa

Tiếp xúc văn hóa là hiện tượng nền văn hóa của cộng đồng này gặp gỡ hoặc ở gần đến mức có thể trực tiếp tác động hay chịu sự tác động, dẫn đến những biến đổi văn hóa của cộng đồng khác. Đây là giai đoạn đầu, là điều kiện dẫn tới sự giao lưu văn hóa. Song không phải cuộc tiếp xúc nào cũng dẫn đến quá trình giao lưu văn hóa. Giao lưu văn hóa chỉ có thể xem là hệ quả tất yếu của sự tiếp xúc văn hóa khi sự tiếp xúc đó diễn ra liên tục, trong một thời gian dài và gây ra những biến đổi về mô thức văn hóa ban đầu. Giao lưu văn hóa là sự trao đổi qua lại trong một quá trình lâu dài, trực tiếp giữa hai nền văn hóa của hai cộng đồng người khác nhau. Giao lưu văn hóa là sự vận động thường xuyên của văn hóa. Nó không chỉ là động lực phát triển của văn hóa mà còn là động lực của sự tiến hóa xã hội.

Sự tiếp xúc và giao lưu văn hóa đã diễn ra từ thời tiền sử nhân loại. Song điều đó không phải là bản thân hoạt động văn hóa mang lại mà diễn ra nhờ hoạt động trao đổi kinh tế và nhiều hoạt động trao đổi “phi kinh tế”, như sự trao đổi tặng phẩm tôn giáo hoặc nhờ những sự tiếp xúc khác như hôn nhân, ngoại giao... Ngoài ra, các cuộc thiên di thường xảy ra trong thời nguyên thủy và cổ trung đại làm cho các tập đoàn người có văn hóa khác nhau đã vô tình đến gần nhau, xen kẽ nhau cùng dẫn đến sự tiếp xúc và giao lưu văn hóa.

Trong quá trình giao lưu văn hóa, một điều tất yếu sẽ xảy ra là, bất kể văn hóa của cộng đồng người đang ở nấc thang nào của sự tiến hóa nhân loại thì một số yếu tố văn hóa của cộng đồng người này có thể lan truyền đến cộng đồng người kia. Các yếu tố văn hóa này có khi là cá biệt, rời rạc nhưng có khi lại kết thành hệ thống chặt chẽ; có khi lại kết dính với những yếu tố văn hóa truyền thống; có khi lại làm đổi mới mạnh mẽ các yếu tố văn hóa cũ. Người ta gọi những yếu tố văn hóa đó là yếu tố ngoại sinh. Vì vậy, có thể giao lưu văn hóa vừa là kết quả của trao đổi, vừa chính là bản thân sự trao đổi. Có hiểu như vậy mới thấy hết tầm quan trọng của giao lưu văn hóa trong lịch sử nhân loại. Nó là một động lực thúc đẩy sự phát triển của lịch sử.

Như mọi sự vật và hiện tượng khác, văn hóa cũng có tính hai mặt tích cực và tiêu cực, tốt và chưa tốt, văn hóa và sản phẩm văn hóa. Song, nếu vì thế mà từ chối và ngăn cấm một cách cực đoan, thái quá việc giao lưu văn hóa là hết sức sai lầm. Chỉ có việc giao lưu văn hóa một cách chủ động, tích cực và có lựa chọn mới là phương sách thông minh và đúng đắn nhất.

Việt Nam nằm ở ngã ba đường của sự giao lưu khu vực Đông - Nam á và thế giới. Vì thế, trong lịch sử dân tộc đã tiếp xúc và giao lưu với nhiều nền văn hóa của nhân loại. Đó là sự tiếp xúc, giao lưu văn hóa đầu tiên giữa Việt Nam và Đông - Nam á. Sự tiếp xúc và giao lưu văn hóa của người Việt Nam với văn hóa Trung Hoa qua con đường triều đình hoặc con đường truyền giáo và cả con đường di dân, với nhiều lĩnh vực như: kỹ thuật (nghề in, làm giấy, chế tạo thuốc súng...), trong đời sống văn hóa (chữ viết, nho giáo, đạo đức, y học...). Mặt khác, Việt Nam lại tiếp xúc và giao lưu văn hóa với văn hóa ấn Độ. Bước vào thời kỳ cận đại, Việt Nam, một mặt, phải tiến hành cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân giành độc lập dân tộc; mặt khác, phải tiếp nhận nhiều nhân tố phương Tây để hiện đại hóa đất nước. Trong điều kiện chiến tranh khốc liệt, sự tiếp xúc này dù chưa sâu, nhưng để lại dấu ấn nhất định vừa tiêu cực, vừa tích cực. Vóc dáng và trữ lượng của văn hóa Việt Nam hôm nay mang đầy đủ truyền thống văn hóa người Việt cổ - những yếu tố nội sinh, bản địa, đồng thời cũng hòa đồng những giá trị văn hóa ngoại lai - những yếu tố ngoại sinh của các dân tộc khác mà văn hóa Việt Nam đã tiếp nhận và “Việt hóa” trong những cuộc tiếp xúc và giao lưu văn hóa đó.

Trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước hôm nay, với phương châm “Việt Nam là bạn với các nước”, văn hóa Việt Nam sẽ có những vận hội mới để tiếp xúc và giao lưu hơn nữa với văn hóa khu vực và thế giới.

3 - Vai trò của thông tin và truyền thông trong việc đẩy mạnh ngoại giao văn hóa

a) Lực lượng truyền thông đại chúng ở Việt Nam

Cùng với quá trình đổi mới đất nước, báo chí Việt Nam có bước phát triển vượt bậc về nhiều mặt. Ngày nay, cả nước có một hệ thống báo chí khá hoàn chỉnh từ trung ương đến địa phương. Hầu hết các lĩnh vực thiết yếu của đất nước và đời sống xã hội đều có báo, đài đảm nhiệm hoặc được thông tin, phản ánh trên báo, đài. Thông qua các loại hình báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử, các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước nhanh chóng được chuyển tải đến các tầng lớp nhân dân. Báo chí góp phần nâng cao dân trí, đáp ứng một phần nhu cầu văn hóa, giải trí của nhân dân, giới thiệu với các dân tộc và bạn bè trên thế giới về đất nước, con người Việt Nam, về những thành tựu của công cuộc đổi mới.

Lĩnh vực báo in: toàn quốc hiện có 633 cơ quan báo chí với 803 ấn phẩm, một hãng thông tấn quốc gia. Đội ngũ phóng viên phát triển về số lượng và được nâng lên về chất lượng.

Hiện nay, cả nước có gần 15 nghìn nhà báo được cấp thẻ, nhiều nhà báo có lập trường chính trị, tư tưởng vững vàng, tiến bộ nhanh về nghiệp vụ, am hiểu nghề nghiệp, tiếp cận nhanh chóng cách làm báo hiện đại, trưởng thành từ thực tiễn của đổi mới.

Báo điện tử: số lượng các cơ quan báo chí cung cấp thông tin trên in-tơ-nét là 168. Trong đó số lượng các báo điện tử không phụ thuộc tòa soạn báo in hoặc đài phát thanh truyền hình là 10 báo. Ngoài ra còn có trên 2.500 website đang hoạt động và thường xuyên cung cấp thông tin.

Tuy là loại hình báo chí ra đời muộn, nhưng ngay từ khi gia nhập làng báo Việt Nam, báo điện tử đã thể hiện “sức trẻ” vượt bậc so với các loại hình báo chí khác về mọi phương diện. Đó chính là nhờ khả năng kết hợp đa dạng các loại hình báo chí, lợi thế cập nhật thông tin nhanh, liên tục, không bị hạn chế bởi không gian và thời gian. Chính nhờ những lợi thế này, chỉ trong một thời gian ngắn báo điện tử Việt Nam đã khẳng định vai trò và hiệu quả lớn trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đây thực sự là “cầu nối” thông tin trong nước với cộng đồng người Việt đang sinh sống và học tập ở nước ngoài vốn đang rất mong muốn được giao lưu tình cảm với quê hương, người thân và muốn theo dõi tình hình đổi mới ở trong nước. Các cơ quan báo chí truyền thống như báo in, phát thanh - truyền hình đã rất coi trọng phát triển hình thức thông tin trên in-tơ-nét, coi đây là phương tiện thông tin đối ngoại hiệu quả nhất.

Hệ thống phát thanh, truyền hình: cả nước có 67 đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương, trong đó có 03 đài phủ sóng toàn quốc: Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, 64 đài phát thanh, truyền hình địa phương gồm 62 đài phát thanh, truyền hình của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; riêng Thành phố Hồ Chí Minh có 2 đài: Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh và Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Theo số liệu chưa đầy đủ, toàn quốc có gần 1.000 trạm phát lại tín hiệu truyền hình được đầu tư từ chương trình phủ sóng vùng lõm, các chương trình của các bộ, ngành; hơn 8.000 đài phát thanh hoặc cụm phát thanh cấp xã, gần 700 đài phát thanh truyền hình cấp huyện. Trong đó có khoảng 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có hệ thống đài cấp xã phủ kín toàn bộ số lượng các xã, thị trấn.

Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng với thời lượng hơn 200 giờ/ ngày trên 6 hệ phát thanh (4 hệ đối nội và 2 hệ đối ngoại). VOV1 là hệ thời sự chính trị tổng hợp, cung cấp tin tức thời sự; VOV2 là hệ văn hóa và đời sống xã hội, cung cấp thông tin về các vấn đề liên quan đến văn hóa, đời sống tinh thần; VOV3 là hệ âm nhạc, thông tin và giải trí phát sóng liên tục 24 giờ mỗi ngày trên sóng FM; VOV4 là hệ phát thanh các thứ tiếng dân tộc, phát sóng 11 thứ tiếng hướng đến đối tượng là thính giả người dân tộc thiểu số Việt Nam; VOV5 phát sóng trên FM bằng nhiều thứ tiếng cho đối tượng là cộng đồng người nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam; VOV6 là hệ phát thanh đối ngoại trên sóng trung AM, sóng ngắn SW, FM và phát trực tuyến trên mạng bằng 12 thứ tiếng dành cho kiều bào Việt Nam ở xa Tổ quốc. Tổng công suất phát sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam là 7.200KW, diện phủ sóng quốc gia là 97,5% diện tích lãnh thổ với khoảng 82% dân số cả nước.

Đài truyền hình Việt Nam phát sóng với thời lượng 112,5 giờ/ ngày trên 6 kênh truyền hình quảng bá, bao gồm: VTV1 là kênh thời sự - chính trị, kinh tế - xã hội tổng hợp với nội dung phong phú, đa dạng; VTV2 là kênh thông tin khoa học - giáo dục, phổ biến kiến thức; VTV3 là kênh thể thao, giải trí, thông tin kinh tế, phát sóng 24/24 giờ; VTV4 là kênh thông tin đối ngoại hiện đang phát sóng đến nhiều châu lục phát sóng 24/24 giờ; VTV5 là kênh thông tin dành cho đồng bào dân tộc thiểu số phát bằng 15 thứ tiếng các dân tộc, phát sóng 10 giờ/ ngày. Đài Truyền hình Việt Nam đang phát thử nghiệm kênh truyền hình VTV6 dành cho thanh thiếu niên với thời lượng 8 giờ/ ngày.

Về phát sóng quảng bá, Đài Truyền hình Việt Nam hiện đang sử dụng phương thức phát sóng mặt đất tương tự (analog) trên 90% diện tích lãnh thổ và phủ sóng trực tiếp qua vệ tinh kỹ thuật số DTH 100% diện tích. Riêng chương trình VTV4 đang được phát trên vệ tinh đã phủ sóng toàn bộ lãnh thổ Việt Nam và đến nhiều khu vực trên thế giới, như châu á (100% diện tích), châu Âu, Bắc Mỹ, Bắc Phi.

Do ưu thế về công nghệ, các chương trình của Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC sử dụng đa phương tiện truyền thông để truyền dẫn, phát sóng các chương trình truyền hình, bao gồm truyền hình kỹ thuật số mặt đất và truyền hình tương tự, truyền hình trên điện thoại di động, truyền hình trên mạng In-tơ-nét và cả trên một số mạng cáp. Do sớm tích hợp thành công phát thanh truyền hình với viễn thông và công nghệ thông tin, hiện nay truyền hình trên in-tơ-nét của VTC đang trở thành kênh thông tin đến được với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trở thành phương tiện truyền thông hiệu quả phục vụ thông tin đối ngoại.

b) Vai trò của thông tin đại chúng trong việc đẩy mạnh ngoại giao văn hóa

Với khả năng tác động nhanh chóng, mạnh mẽ và rộng lớn các phương tiện thông tin đại chúng có vai trò to lớn trong việc nâng cao dân trí, xây dựng các chuẩn mực lối sống, đạo đức, ứng xử tốt đẹp, bồi dưỡng nhân cách, làm phong phú thêm đời sống văn hóa của toàn xã hội, góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh ngoại giao văn hóa.

Thông tin đại chúng là nơi truyền tải, tiêu thụ các sản phẩm văn hóa do các nghệ sĩ trong nước và quốc tế sáng tạo như thơ, văn xuôi, kịch, múa, âm nhạc, tranh ảnh, phim các loại, các công trình nghệ thuật kiến trúc, công trình khoa học lớn... Giới thiệu các công trình nghiên cứu về văn hóa trong và ngoài nước; diễn đàn của các nghệ sĩ, các nhà khoa học nổi tiếng trong nước và thế giới. Phát hiện, giới thiệu các di sản và truyền thống văn hóa dân tộc tốt đẹp của các địa phương, vùng, các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách về văn hóa của Đảng và Nhà nước; đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực, xuống cấp về văn hóa, đề cao, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc, chống ảnh hưởng văn hóa ngoại lai, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại.

Nhiều tờ báo lớn đã dùng nhiều thể loại và mở nhiều chuyên mục, chuyên trang, số chuyên đề văn hóa và thường xuyên mỗi ngày có nửa trang hoặc cả trang văn hóa - nghệ thuật, các số chủ nhật, cuối tháng, cuối tuần tỷ lệ nội dung văn hóa - nghệ thuật khá lớn; số báo có trang văn nghệ thường xuyên, các tạp chí văn nghệ, số chuyên đề văn nghệ khá nhiều và mang nội dung văn hóa dân tộc và tính nhân dân.

Sự truyền tải thông tin bằng âm thanh của đài phát thanh đã tạo cho nó ưu thế đặc biệt về công chúng. Đối với nước ta, với phương tiện phát thanh, phần lớn nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, miền núi còn nghèo cũng có thể được thưởng thức những tác phẩm âm nhạc nổi tiếng do những nghệ sĩ tài năng trong và ngoài nước biểu diễn. Một chương trình phát thanh trở thành chương trình văn hóa tổng hợp, thành món ăn tinh thần bổ ích, thành nhà sư phạm tập thể, giáo dục và hướng dẫn con người những tri thức về cuộc sống, cách đối nhân xử thế, lối sống trong tập thể, ngoài xã hội...

Với chương trình đối ngoại phong phú, hấp dẫn, đài phát thanh là phương tiện tuyên truyền đối ngoại quan trọng giới thiệu văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, nhất là đối với trên 3 triệu người Việt Nam đang sinh sống, học tập và công tác ở nước ngoài và những người nước ngoài quan tâm đến Việt Nam.

Sự xuất hiện của truyền hình thực sự là cuộc cách mạng trong thông tin đại chúng, tạo ra những điều kiện và khả năng to lớn cho báo chí thực hiện chức năng văn hóa, giải trí. Truyền hình trở thành một loại nhà hát, quảng trường công cộng, trường học nhân dân, người hướng dẫn văn hóa đại chúng, phương tiện thông tin, giải trí có sức hấp dẫn và hiệu quả lớn nhất, là sân khấu của mọi người, mọi tầng lớp...

Cuộc cách mạng công nghệ thông tin hiện nay đang đưa loài người vào kỷ nguyên thông tin, xã hội thông tin. Hệ thống thông tin vệ tinh phủ sóng khắp địa cầu truyền thông tin qua cáp quang, các dịch vụ phát thanh - truyền hình, bưu chính - viễn thông và đặc biệt là in-tơ-nét đã làm cho thế giới thu nhỏ lại. Hiện nay, ở Việt Nam đã có hơn 24% dân số với hơn 18 triệu người sử dụng in-tơ-nét. Đây là một bước phát triển nhảy vọt trong lĩnh vực thông tin. Có thể nói in-tơ-nét là một kho thông tin khổng lồ và hiệu quả đem đến cho con người điều kiện thuận lợi và khả năng hết sức to lớn trong việc nâng cao kiến thức, thưởng thức văn hóa - nghệ thuật, làm phong phú đời sống văn hóa của mình và là một công cụ quan trọng góp phần thúc đẩy nhiệm vụ ngoại giao văn hóa.

Báo chí, phát thanh - truyền hình, in-tơ-nét, các phương tiện bưu chính - viễn thông... đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc truyền bá, lưu giữ, xây dựng nền văn hóa của mỗi dân tộc, đồng thời cũng tạo thời cơ lớn cho sự tăng cường giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, quốc gia, làm cho con người hiểu biết về nhau đầy đủ, sâu sắc hơn. Những giá trị văn hóa của mỗi dân tộc, nhờ các phương tiện thông tin đại chúng mà trở thành tài sản, giá trị chung của nhân loại và ngược lại mỗi dân tộc có điều kiện tiếp thu những giá trị chung của văn hóa nhân loại. Sự hiểu biết và đời sống tinh thần của con người có khả năng được nâng cao và trở nên phong phú với những phương tiện thuận lợi, giá chi phí ngày càng rẻ cho phép đông đảo nhân dân có điều kiện nâng cao dân trí, thưởng thức văn hóa, nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu của đời sống tinh thần.

c) Một số nhiệm vụ chủ yếu của thông tin đại chúng trong việc đẩy mạnh nhiệm vụ ngoại giao văn hóa

Ngoại giao văn hóa là một trong ba trụ cột quan trọng của công tác ngoại giao. Để làm tốt công tác ngoại giao văn hóa, thông tin truyền thông cần tập trung một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

Thứ nhất, ngoại giao văn hóa là con đường ngắn nhất, là cầu nối liên kết các dân tộc trên thế giới gần lại với nhau. Vì vậy, thông tin và truyền thông phải đi trước một bước, phải thực sự là người lính xung kích mở đường cho việc thực hiện các nhiệm vụ quan trọng khi tiến hành ngoại giao văn hóa.

Thứ hai, tăng cường quảng bá, giới thiệu trên các phương tiện thông tin của Việt Nam và các nước về hình ảnh đất nước, con người và văn hóa của các quốc gia trên thế giới, giúp cho nhân dân mỗi nước hiểu rõ hơn bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc, làm tiền đề cho công tác ngoại giao văn hóa.

Thứ ba, thường xuyên mời và trao đổi các đoàn phóng viên báo chí của các nước trực tiếp đến Việt Nam tiếp xúc, khai thác và giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng của nước bạn những thông tin và hình ảnh của đất nước để giúp nhân dân các nước hiểu rõ hơn đất nước, con người và văn hóa Việt Nam.

Thứ tư, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với đại sứ quán Việt Nam ở các nước chủ động hơn nữa việc tổ chức mời, trao đổi, cung cấp thông tin để các phương tiện thông tin nước ngoài hiểu đầy đủ, toàn diện và có thái độ khách quan khi thông tin về tình hình nước ta.

Thứ năm, nâng cao hơn nữa trình độ mọi mặt, sự hiểu biết về văn hóa của các dân tộc trên thế giới cho đội ngũ nhà báo Việt Nam, để họ làm tốt hơn vai trò là người xung kích trong lĩnh vực thông tin tuyên truyền về ngoại giao văn hóa.

Thứ sáu, phát huy lợi thế của báo chí điện tử, trang tin điện tử trong thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền về văn hóa và ngoại giao văn hóa trên mạng in-tơ-nét. Tranh thủ các kênh để đưa báo chí, sách Việt Nam ra nước ngoài. Chủ động tham gia các hội chợ sách báo quốc tế để quảng bá, giới thiệu văn hóa Việt Nam./.

Đỗ Quý Doãn
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

(Theo Tạp chí Cộng sản)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất