Thứ Ba, 24/9/2024
Nghiên cứu trao đổi
Thứ Ba, 23/8/2011 21:30'(GMT+7)

Thông tin về xét tặng Giải thưởng, Danh hiệu năm 2011

(Ảnh minh hoạ: TCTG)

(Ảnh minh hoạ: TCTG)

Ông Nguyễn Hải Anh, Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có cuộc trao đổi nhằm giúp công chúng hiểu rõ hơn thông tin về việc xét tặng Giải thưởng cũng như các Danh hiệu Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú năm 2011.

PV: Xin ông cho biết quy trình xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật và Danh hiệu NSND, NSƯT năm 2011 được thực hiện theo các bước cụ thể như thế nào? Theo các văn bản pháp quy nào của Nhà nước?

Ông Nguyễn Hải Anh: Việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật và Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú được quy định tại Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2005; Nghị định số 42/2010/NĐ-CP năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng; Thông tư số 02/2011/TT-BNV ngày 24/01/2011 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 42/2010/NĐ-CP của Chính phủ; Thông tư số 03/2010/TT-BVHTTDL ngày 27/5/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật và Thông tư số 06/2010/TT-BVHTTDL ngày 16/7/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú.

Đây là những Danh hiệu và Giải thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước nhằm ghi nhận, tôn vinh những nghệ sĩ có phẩm chất đạo đức tốt, tài năng nghệ thuật xuất sắc, có nhiều cống hiến cho nghệ thuật nước nhà và sự nghiệp cách mạng Việt Nam, được đông đảo đồng nghiệp và nhân dân mến mộ; những tác giả có tác phẩm văn học, nghệ thuật đặc biệt xuất sắc, có giá trị rất cao về nghệ thuật và nội dung tư tưởng, có tác dụng lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong nhân dân, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ Tổ quốc và sự nghiệp văn học nghệ thuật nước nhà, quảng bá hình ảnh đất nước, dân tộc, con người Việt Nam, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước trên thế giới. Với mục đích, ý nghĩa đặc biệt quan trọng và ảnh hưởng sâu rộng đối với xã hội, việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật và Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú được thực hiện theo một quy trình chặt chẽ, khoa học qua các cấp Hội đồng. Nhiệm vụ quan trọng nhất mà các cấp Hội đồng phải thực hiện và phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Nhà nước đó là: Tổ chức thật tốt công tác xét tặng, đảm bảo lựa chọn chính xác các nghệ sĩ, tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật xứng đáng nhất trình Thủ tướng Chính phủ xét, đề nghị Chủ tịch nước xem xét, ra quyết định phong tặng.

Theo Thông tư số 03/2010/TT-BVHTTDL, việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước phải được thực hiện qua 3 cấp Hội đồng: cấp cơ sở; cấp bộ/ngành/tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và cấp Nhà nước trước khi trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định. Hội đồng cấp cơ sở là Hội đồng do Chủ tịch Hội Văn học, Nghệ thuật tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Chủ tịch Hội Văn học, Nghệ thuật Trung ương quyết định thành lập. Hội đồng cấp bộ/ngành/tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương do Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định thành lập hoặc Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thành lập Hội đồng cấp Nhà nước.

Theo quy định tại Thông tư số 03/2010/TT-BVHTTDL, tác giả, đồng tác giả hoặc người đại diện hợp pháp của tác giả, đồng tác giả phải gửi hồ sơ đăng ký tác phẩm đề nghị xét Giải thưởng về Hội đồng cấp cơ sở, cụ thể là về Hội văn học, nghệ thuật tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, nơi có hộ khẩu thường trú của tác giả, đồng tác giả, người đại diện hợp pháp của tác giả, đồng tác giả hoặc gửi về Hội văn học, nghệ thuật Trung ương nếu thấy thuận tiện. Hồ sơ đăng ký tác phẩm đề nghị xét tặng Giải thưởng phải được làm theo mẫu quy định tại Thông tư nêu trên. Hội đồng cấp cơ sở có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, tổ chức xét chọn hồ sơ đủ điều kiện, tiêu chuẩn trình lên Hội đồng cấp bộ/ngành/tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Hội đồng cấp bộ/ngành/tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tiếp nhận hồ sơ từ Hội đồng cấp cơ sở, tổ chức xét chọn và trình lên Hội đồng cấp Nhà nước. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm nhận hồ sơ kết quả xét duyệt từ các Hội đồng cấp bộ/ngành/tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; thành lập các Hội đồng chuyên ngành để tư vấn, đánh giá về mặt chuyên môn các chuyên ngành nghệ thuật trước khi trình lên Hội đồng cấp Nhà nước. Hội đồng cấp Nhà nước tổ chức xét và trình lên Thủ tướng Chính phủ xét, đề nghị Chủ tịch nước ra quyết định. Hội đồng các cấp làm việc theo nguyên tắc dân chủ, công khai và bỏ phiếu kín; không nhận và xét hồ sơ không đúng trình tự, thủ tục.

Theo Thông tư số 06/2010/TT-BVHTTDL, việc xét phong tặng Danh hiệu cũng được thực hiện qua 3 cấp Hội đồng: Hội đồng cấp cơ sở, Hội đồng cấp bộ/ngành/tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương và Hội đồng cấp Nhà nước. Người được đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT có trách nhiệm lập hồ sơ, kê khai thành tích theo mẫu quy định tại Thông tư số 06/2010/TT-BVHTTDL. Hội đồng các cấp làm việc theo nguyên tắc dân chủ, công khai, quyết định theo đa số và bỏ phiếu kín. Hội đồng cấp trên chỉ xem xét các trường hợp đã được Hội đồng cấp dưới đề nghị.

PV: Vậy so với các năm trước, quy định xét tặng năm 2011 có những điểm nào đổi mới? Những điểm mới này đã giải quyết được những tồn tại, bất cập nào so với trước đây?

Ông Nguyễn Hải Anh: Thông tư số 03/2010/TT-BVHTTDL ngày 27/5/2010 được xây dựng trên cơ sở kế thừa, sửa đổi, bổ sung Thông tư số 23/2007/TT-BVHTT và Quyết định số 165/2005/QĐ-TTg ngày 04/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định tạm thời về điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự và thủ tục xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật. Thông tư số 06/2010/TT-BVHTTDL ngày 16/7/2010 được xây dựng trên cơ sở kế thừa, sửa đổi, bổ sung Thông tư số 24/2007/TT-BVHTT và Quyết định số 166/2005/QĐ-TTg ngày 06/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định tạm thời về điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự và thủ tục xét tặng Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú năm 2005. Trong quá trình xây dựng Thông tư, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan; các Hội VHNT chuyên ngành Trung ương và địa phương; dự thảo được đăng tải trên trang Cinet của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Điểm mới của Thông tư số 03/2010/TT-BVHTTDL so với trước đây là các tác phẩm, cụm tác phẩm; công trình, cụm công trình khi đăng ký xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật không bắt buộc phải là các tác phẩm đã được tặng giải Vàng, giải Bạc, giải A, giải B hoặc giải Nhất, giải Nhì tại các Liên hoan, Triển lãm về văn học, nghệ thuật quốc gia hoặc quốc tế, hoặc của các Hội VHNT Trung ương. Nếu tác phẩm có giải thưởng thì sẽ được cộng thêm điểm khi xem xét, đánh giá tác phẩm, cụm tác phẩm.

Điểm mới của Thông tư số 06/2010/TT-BVHTTDL so với Thông tư số 24/2007/TT-BVHTT ngày 27/7/2007 đó là bổ sung quy định cụ thể về đối tượng nghệ sĩ tự do; chính thức có quy định về đối tượng xét đặc cách (Điều 7); bỏ quy định về việc nghệ sĩ phải đạt danh hiệu Lao động tiên tiến 5 năm liền kề với năm xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT; giảm số Hội đồng các cấp từ 5 xuống còn 3 cấp; thay quy định “được tặng ít nhất 03 giải chính thức (loại Vàng) trở lên, trong đó có 1 giải Vàng của 2 năm liền kề với năm xét tặng… tính từ sau khi được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ (đối với các trường hợp đề nghị xét tặng NSND) thành quy định “có ít nhất 02 giải Vàng quốc gia hoặc quốc tế, tính từ thời điểm sau khi được phong tặng NSƯT”; và thay quy định “Được tặng ít nhất 4 giải thưởng chính thức (loại Vàng hoặc Bạc) trở lên trong đó có 1 giải thưởng của 2 năm liền kề với năm xét tặng” thành quy định “có ít nhất 02 giải Vàng quốc gia hoặc quốc tế” (đối với các trường hợp đề nghị xét tặng NSƯT).

Do đặc trưng của nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, do các cuộc thi, các cuộc liên hoan nghệ thuật có quy mô và tiêu chí khác nhau nên về nghệ thuật điện ảnh, lấy giải Bông sen Vàng của Liên hoan phim quốc gia làm chuẩn; nghệ thuật biểu diễn lấy Huy chương Vàng của Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc làm chuẩn. Các giải thưởng trong nước và quốc tế khác được áp dụng quy đổi dựa theo tiêu chí nghệ thuật, quy mô, tầm cỡ của Liên hoan phim quốc gia hoặc của Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc.

Một trong những thay đổi căn bản trong Thông tư số 06/2010/TT-BVHTTDL đó là: Các đơn vị nghệ thuật cơ sở có trách nhiệm giới thiệu, tôn vinh và đề nghị lên Hội đồng cấp cơ sở xét, trình cấp có thẩm quyền phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho nghệ sĩ đã và đang công tác tại đơn vị hoặc đang sinh hoạt nghệ thuật tại Hội chuyên ngành của mình; hướng dẫn nghệ sĩ làm hồ sơ, kê khai thành tích và các thủ tục theo quy định.

PV: Có nhiều ý kiến cho rằng việc xét Giải thưởng chưa tôn vinh đúng và đủ đối với các nghệ sĩ có đóng góp lớn cho sự phát triển của nền văn học, nghệ thuật nước nhà. Vậy trong thời gian tới có nên tìm ra phương thức mới trong việc xét tặng để hài hòa các lợi ích, tạo động lực lớn khuyến khích người nghệ sĩ sáng tạo?

Ông Nguyễn Hải Anh: Việc tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước và phong tặng Danh hiệu NSND, NSƯT là sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ, được cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật và được triển khai thực hiện rộng rãi, công khai, dân chủ trong cả nước. Đây không phải là lần đầu tiên chúng ta tổ chức xét tặng Giải thưởng và Danh hiệu, mà là đợt xét Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật lần thứ 4 (lần thứ 3 đối với Giải thưởng Nhà nước), đợt xét Danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 7.

Tính đến nay, Chủ tịch nước đã ký quyết định tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho tác phẩm, công trình của 89 tác giả, Giải thưởng Nhà nước cho tác phẩm, công trình của 328 tác giả; phong tặng danh hiệu NSND cho 184 nghệ sĩ và danh hiệu NSƯT cho 1527 nghệ sĩ. Việc trao tặng Giải thưởng và Danh hiệu cao quý này thời gian qua thực sự là nguồn cổ vũ, động viên của Đảng, Nhà nước đối với sự nghiệp văn học, nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ; khuyến khích và nêu cao vai trò quan trọng của đội ngũ văn nghệ sĩ, chung sức cùng nhân dân cả nước xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. Qua mỗi lần tổ chức xét tặng trước đây, trên cơ sở thực tiễn của sự vận động và xu thế phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, khu vực, thế giới nói chung và của nền văn học, nghệ thuật nước nhà nói riêng, Bộ đều có tổng kết, rút kinh nghiệm, điều chỉnh để xét chọn một cách tốt nhất, chính xác nhất các tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, nghệ sĩ theo đúng tiêu chuẩn quy định trình lên Chủ tịch nước xem xét, phong tặng.

PV: Các cấp Hội văn học nghệ thuật có thể đứng ra đề cử các nghệ sĩ xứng đáng được trao tặng Giải thưởng thay vì tự thân các nghệ sĩ đứng ra viết đơn xin được trao giải như hiện nay? Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Hải Anh: Trong Thông tư số 03/2010/TT-BVHTTDL cũng như Thông tư số 06/2010/TT-BVHTTDL không có quy định nào về việc nghệ sĩ phải viết đơn. Thông tư 06/2010/TT-BVHTTDL quy định rõ “Đơn vị cơ sở có trách nhiệm giới thiệu, tôn vinh và đề nghị Hội đồng cấp cơ sở xét, trình cấp có thẩm quyền phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho nghệ sĩ đã và đang công tác tại đơn vị hoặc đang sinh hoạt nghệ thuật tại Hội chuyên ngành của mình; hướng dẫn nghệ sĩ làm hồ sơ, kê khai thành tích và các thủ tục theo quy định”.

Trong Công văn số 3424/BVHTTDL-TĐKT ngày 27/9/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT năm 2011 gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, các Hội VHNT Trung ương và địa phương, các Sở VHTTDL trong cả nước, các đơn vị thuộc bộ, cũng nêu rõ “các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp (công lập, ngoài công lập), các Hội chuyên ngành nghệ thuật giới thiệu, bầu chọn, tôn vinh nghệ sĩ có đủ phẩm chất và tài năng quy định tại điều 4, điều 5 Thông tư để đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT; hướng dẫn các nghệ sĩ làm hồ sơ, thủ tục theo quy định của Thông tư số 06/2010/TT-BVHTTDL”.

Như vậy, sau khi được các đơn vị nghệ thuật cơ sở giới thiệu lên Hội đồng cấp cơ sở, các nghệ sĩ được giới thiệu sẽ hoàn tất hồ sơ cá nhân của mình (theo mẫu). Đây là quyền lợi, trách nhiệm của các nghệ sĩ trong việc lập hồ sơ cá nhân, kê khai thành tích, quá trình công tác, phấn đấu của bản thân, các giải thưởng, hình thức khen thưởng mà nghệ sĩ đã đạt được trong quá trình công tác... Đây là những thông tin quan trọng, một trong những cơ sở để hội đồng các cấp xét phong tặng danh hiệu.

Tại Công văn số 3423/BVHTTDL-TĐKT ngày 27/9/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2011 cũng nêu rõ “Đề nghị các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội VHNT Trung ương và địa phương, Sở VHTTDL tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị thuộc Bộ triển khai Thông tư số 03/2010/TT-BVHTTDL đến các tác giả để nghiên cứu, nắm vững đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình xét chọn; hướng dẫn tác giả tự chọn và đăng ký tên tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình, cụm công trình tiêu biểu của mình để đề nghị xét Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật”.

Việc tác giả có Bản đăng ký tác phẩm, công trình đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật (mẫu M 1a) hoặc Giải thưởng Nhà nước (Mẫu M 1b) là quyền lợi và trách nhiệm của tác giả trong đăng ký tác phẩm, là cơ sở pháp lý và minh chứng về tác phẩm và các giải thưởng liên quan phục vụ cho công tác xét tặng. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, một tác giả có thể sáng tác hoặc đồng sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật và nội dung tư tưởng đạt các tiêu chuẩn xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước. Vì vậy, tác giả/đồng tác giả là người/những người duy nhất có toàn quyền quyết định sẽ đề nghị tác phẩm, cụm tác phẩm; công trình, cụm công trình nào để xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh hoặc Giải thưởng Nhà nước.

PV: Về trường hợp nhạc sỹ Phạm Tuyên, người có đóng góp về âm nhạc xuất sắc, được đông đảo giới chuyên môn, công chúng ghi nhận, ông đã được trao giải thưởng Nhà nước năm 2001 nhưng 10 năm qua chưa được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Được biết nhạc sỹ và Hội Âm nhạc Hà Nội đã có công văn gửi tới Bộ từ 6 tháng qua nhưng mới đây Bộ mới có ý kiến trả lời, hướng dẫn, như vậy là quá muộn. Vậy ý kiến chính thức của Bộ về trường hợp này ra sao?

Ông Nguyễn Hải Anh: Như đã nêu trong câu trả lời trên, ngày 27/9/2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 3423/BVHTTDL-TĐKT gửi các bộ, cơ quan ngang bộ; Hội VHNT Trung ương và địa phương; Sở VHTTDL tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước và các đơn vị thuộc Bộ, hướng dẫn triển khai công tác xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước năm 2011 theo quy định tại Thông tư số 03/2010/TT-BVHTTDL.

Ngày 23/02/2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được Công văn số 10/HAN ngày 15/02/2011 của Hội Âm nhạc Hà Nội, trong đó nêu: “Hội Âm nhạc Hà Nội đề nghị Hội đồng xét tặng danh hiệu Giải thưởng Hồ Chí Minh, các cấp lãnh đạo của Thành phố Hà Nội, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, có ý kiến góp phần quyết định đặc cách tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho nhạc sĩ Phạm Tuyên trong dịp này”.

Thực chất, nội dung đề nghị của Hội Âm nhạc Hà Nội tại Công văn số 10/HAN nêu trên chỉ là đề nghị Hội đồng các cấp lưu tâm khi xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho tác phẩm/cụm tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Tuyên. Công văn số 10/HAN của Hội Âm nhạc Hà Nội được gửi cho nhiều cơ quan, trong đó có các cơ quan có đầy đủ thẩm quyền tổ chức Hội đồng cấp cơ sở để xét chọn các tác phẩm/cụm tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Tuyên và đề nghị lên hội đồng cấp trên xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh theo đúng quy định tại Thông tư số 03/2010/TT-BVHTTDL, gồm: Liên hiệp Văn học Nghệ thuật thành phố Hà Nội, hoặc chính bản thân Hội Âm nhạc Hà Nội - nơi ban hành Công văn số 10/HAN nêu trên (Hội đồng cấp trên của cơ quan này là Hội đồng cấp thành phố, Thành phố Hà Nội), hoặc Hội Nhạc sĩ Việt Nam (hội đồng cấp trên là Hội đồng cấp Bộ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Sau phiên họp của Hội đồng cấp Bộ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngày 28/7/2011, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được Công văn số 62/HAN ngày 25/7/2011 của Hội Âm nhạc Hà Nội chuyển bản thống kê tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Tuyên để xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Nhưng do đây không phải là hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh nên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 2542/BVHTTDL-TĐKT ngày 11/8/2011 gửi Hội Âm nhạc Hà Nội, chuyển trả lại bản thống kê tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Tuyên để Hội Âm nhạc Hà Nội thực hiện theo đúng quy định về quy trình, thủ tục, hồ sơ quy định tại Thông tư số 03/2010/TT-BVHTTDL.

Tuy nhiên, cho đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn chưa nhận được bất kỳ hồ sơ nào từ hội đồng cấp cơ sở và cả các hội đồng cấp tỉnh/thành phố, đề nghị xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2011 cho các tác phẩm, cụm tác phẩm của nhạc sĩ Phạm Tuyên.

PV: Trân trọng cám ơn ông./.


Thanh Giang
(thực hiện)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất