Thứ Bảy, 30/11/2024
Nghiên cứu trao đổi
Chủ Nhật, 7/8/2011 10:23'(GMT+7)

Xây dựng gia đình văn hóa góp phần tạo nền tảng vững chắc xây dựng đất nước

Gia đình văn hóa được quy định bởi một số tiêu chuẩn. Theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, bốn tiêu chuẩn chính để xem xét công nhận Gia đình văn hóa là: gia đình no ấm, hòa thuận, tiến bộ, khỏe mạnh và hạnh phúc; thực hiện tốt nghĩa vụ công dân; thực hiện kế hoạch hóa gia đình; đoàn kết tương trợ trong cộng đồng dân cư. Trên cơ sở bốn tiêu chuẩn này, có nhiều địa phương bổ sung thêm hai tiêu chuẩn: ý thức bảo vệ môi trường; không có tệ nạn xã hội và cụ thể hóa: ông bà cha mẹ được quan tâm chăm sóc chu đáo; mọi người đoàn kết, thương yêu, tôn trọng lẫn nhau; có gia phong, nền nếp; các thành viên đạt trình độ học vấn phổ thông và chuyên môn, nghiệp vụ, chính trị ngày càng cao; có phương tiện nghe nhìn cơ bản phục vụ việc tiếp nhận thông tin hiện đại...

Xây dựng gia đình văn hóa là cuộc vận động sâu rộng, toàn diện nhằm giữ gìn, tôn vinh văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hoá thế giới. Đồng thời từng bước làm cho văn hóa thấm sâu vào từng người, từng gia đình, từ đó lan toả trên từng địa bàn dân cư, mọi lĩnh vực, sinh hoạt và quan hệ con người, góp phần tạo dựng nền tảng tinh thần phong phú, cao đẹp của xã hội.

Xây dựng gia đình văn hóa gắn bó chặt chẽ với chương trình  quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đó là chương trình phát triển tổng thể về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, giáo dục, y tế, an ninh, quốc phòng theo hướng CNH, HĐH. Trong đó, văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của phát triển kinh tế - xã hội. Không thể xây dựng thành công nông thôn mới nếu còn nhiều gia đình thiếu văn hóa. Trong xây dựng nông thôn mới, mỗi người, từ cán bộ, đảng viên đến người dân, đều phải là chủ thể có văn hóa (yêu nước, thương dân, ứng xử văn minh, có tri thức, tư duy khoa học,...), hoạt động tự giác, tích cực, sáng tạo.

Với vai trò hạt nhân chính trị, các tổ chức cơ sở đảng có vai trò quan trọng trong lãnh đạo nâng cao chất lượng xây dựng gia đình văn hóa. Cần chú ý một số giải pháp cơ bản sau:
 
1. Làm cho người dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc vị trí, vai trò của gia đình, văn hóa gia đình trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong xây dựng nông thôn mới.

2. Lãnh đạo tổ chức có chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa mới: Xây dựng các tiêu chuẩn phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với hoàn cảnh từng địa phương. Trong quá trình thực hiện, cần phát huy nội lực của các gia đình, dòng họ. Nêu cao vai trò quan trọng của người phụ nữ, người vợ, người mẹ, sự gương mẫu, tiên phong của đảng viên, gia đình cán bộ, đảng viên, các già làng, trưởng bản, trưởng thôn,  người cao tuổi, người có uy tín. Gắn kết phong trào xây dựng gia đình văn hóa với các cuộc vận động, các phong trào thi đua, chương trình hành động của các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể. Công tác đăng ký, bình xét, công nhận danh hiệu cần tiến hành thường xuyên, nền nếp, dân chủ, công khai, không hình thức.

3. Nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo bồi dưỡng cán bộ văn hóa. Phát huy ý thức tự học, tự nghiên cứu, tự rèn luyện, tu dưỡng để trở thành chủ thể có văn hóa của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân.

4. Tăng cường quản lý của nhà nước về văn hóa. Hoàn thiện, bổ sung văn bản pháp luật về xây dựng gia đình văn hóa; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, biểu dương, khen thưởng kịp thời.


TS. Nguyễn Liên Châu,
Trường Chính trị Trần Phú, Hà Tĩnh

Nguồn:
Tạp chí Xây dựng Đảng
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất