(TCTG)-Chương trình Những ngày phim Việt diễn ra vào tháng 3/2011 đã chiếu lại 15 bộ phim điện ảnh Việt Nam đương đại từng phát hành tại các rạp và giành được nhiều tình cảm của khán giả như: Áo lụa Hà Đông, Đẹp từng centimet, Bẫy Rồng, Cánh đồng bất tận, Đừng đốt, Huyền thoại bất tử, Mùa len trâu, Chuyện của Pao, Trăng nơi đáy giếng… cho thấy sự khởi sắc của điện ảnh Việt Nam hiện tại.
Những dấu ấn khó quên của điện ảnh Việt
Theo dõi điện ảnh Việt Nam trong khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều người sẽ nhận thấy sự khởi sắc dần dần của loại hình nghệ thuật này. Người đi đầu trong trào lưu làm phim thu hút khán giả là đạo diễn Lê Hoàng với bộ phim Gái nhảy (năm 2003) của Hãng phim Giải phóng, đạt kỷ lục về doanh thu trên 10 tỷ đồng.
Ngay sau khi các hãng phim tư nhân được phép thành lập và công ty tư nhân được nhập phim nước ngoài về trình chiếu, điện ảnh Việt Nam xuất hiện nhiều hãng phim lớn mạnh như: Thiên Ngân (Galaxy), BHD và Phước Sang.
Để thu hút khán giả, dần dà, các hãng phim đã mời những ca sĩ, người mẫu nổi tiếng tham gia trong một số phim như: 1735 km, Chuyện tình Sài Gòn, Dòng máu anh hùng…
Thời gian gần đây, sự quan tâm đặc biệt của công chúng có lẽ là động lực lớn nhất để các nhà sản xuất đầu tư cho phim Việt. Những bộ phim: Để mai tính, Giao lộ định mệnh, Khát vọng Thăng Long, Cánh đồng bất tận… đều mang lại doanh thu cao mà không cần phải chiếu vào dịp cao điểm. Với sự phát triển của điện ảnh Việt, bên cạnh những người làm nghề, khán giả đương nhiên cũng hưởng lợi khi có nhiều lựa chọn hơn.
Từ đầu năm 2011 đến nay, phim Việt màn ảnh rộng trở nên khá đa dạng, với đủ thể loại: tình cảm lãng mạn, hành động, hài hước, kinh dị và cả phim chuyển thể từ tác phẩm văn học. Những dự án đưa truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư lên màn ảnh rộng gồm: Sầu trên đỉnh Puvan, Khói trời lộng lẫy và Nước như nước mắt cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị… Nhiều dự án phim chuyển thể từ tác phẩm văn học đã phát một tín hiệu vui cho điện ảnh khi có được sự cân bằng giữa hai dòng phim giải trí và nghệ thuật.
Ngoài những đơn vị làm phim Tết truyền thống như: BHD, Galaxy, Phước Sang thì những hãng phim mới như: Saiga Films, Saigon Media, LBT Entertainment, Sailywood Films… cho biết họ cũng sẽ không bỏ qua thị trường phim Tết 2012. Đó là chưa kể nhiều dự án đang được triển khai nhưng chưa chính thức công bố.
Có thể nói, điện ảnh Việt Nam sẽ có một năm thăng hoa và được đánh giá là khá sôi động.
Dấu ấn phim Việt
Khoảng 20 năm trở lại đây, không nhiều tác phẩm điện ảnh thương mại mang đi dự liên hoan phim, nhưng các phim theo hướng “nghệ thuật” của Việt Nam khi đến các liên hoan phim lại được đánh giá khá tốt như: Trăng nơi đáy giếng, Chơi vơi, Bi, đừng sợ!…
Vào năm 2003, Đại hội Điện ảnh Việt Nam quốc tế lần đầu tiên được tổ chức ở vùng Little Saigon của Quận Cam, California, Hoa Kỳ. Sau đó, Đại hội được tổ chức hai năm một lần. Đây là Đại hội Điện ảnh duy nhất dành riêng cho các nhà làm phim gốc Việt trên toàn thế giới. Ngoài những nhà làm phim Việt kiều, một số đạo diễn trong nước như Phạm Nhuệ Giang, hay Bùi Thạc Chuyên cũng đem phim tới dự.
Trang web điện ảnh Screenjunkies mới đây đã điểm danh những bộ phim Việt Nam xuất sắc nhất trong con mắt khán giả thế giới. Trong đó, chủ yếu là các bộ phim thuộc dòng “nghệ thuật” và mang dấu ấn Việt Nam đậm nét: Mùi đu đủ xanh (năm 1993) và Mùa hè chiều thẳng đứng (năm 2000) - hai bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng. Sau đó có Người Mỹ trầm lặng (năm 2002) của Phillip Noyce, Mùa len trâu (năm 2004) của Nguyễn Võ Nghiêm Minh, Oan hồn (năm 2004) của Victor Vũ, Áo lụa Hà Đông (năm 2006) của Lưu Huỳnh, Chơi vơi (năm 2009) của Bùi Thạc Chuyên, Bi, đừng sợ! (năm 2010) của Phan Đăng Di.
Để phim Việt hút khán giả hơn
Điện ảnh Việt Nam những năm gần đây đã thật sự khởi sắc. Hằng năm, số lượng cụm rạp chiếu vẫn tăng lên đều đều. Theo đó, số lượng khán giả chịu khó bỏ tiền ra rạp cũng nhiều dần lên. Mặc dù chưa có con số thống kê nào cụ thể nhưng ước tính mỗi năm, số lượng khán giả đến rạp có thể tăng không dưới 20%. Thực tế đang chứng minh rằng, khán giả phim rạp đã bớt tẩy chay và đánh giá phim Việt gần như ngang bằng với những “siêu phẩm điện ảnh” khác.
Theo lời của Đạo diễn Phillip Noyce (người Australia) thì Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nhanh, sự biến đổi của xã hội là một điều kiện tốt và cần để làm phim. Người Việt với nền tảng văn hóa và sự am hiểu tâm lý khán giả của mình, sẽ là những người chiếm được trái tim khán giả.
“Việt Nam có tính cách riêng, văn hóa, lịch sử riêng, ngôn ngữ riêng, đó là những điều khiến các bạn giữ được bản sắc của mình” - Phillip Noyce nhấn mạnh.
Để điện ảnh Việt Nam thu hút khán giả, Dean Wilson - Tiến sĩ điện ảnh Đại học thành phố New York, Tư vấn viên tại Dự án Điện ảnh của Quỹ Ford cho rằng: “Các nhà điện ảnh Việt Nam nên nghĩ nhiều hơn tới khía cạnh giải trí của phim ảnh bên cạnh những bộ phim nghệ thuật kén công chúng, nên kết nối với khán giả nhiều hơn và cần nhiều dịp để phát hành tới công chúng chứ không chỉ là dịp Tết Nguyên đán”.
Các thay đổi về chiến lược truyền thông cũng là lợi điểm khiến điện ảnh Việt hút khán giả. Các phim điện ảnh gần đây đã áp dụng phương pháp truyền thông mạnh mẽ của Hollywood. Tuy nhiên, đôi khi gây hiệu ứng ngược trong khán giả do lời quảng cáo phim ở tầm Hollywood trong khi phim chỉ có chất lượng trung bình.
Còn nếu muốn điện ảnh Việt Nam tiến xa hơn nữa thì cần mở rộng và nâng cao việc hợp tác quốc tế. Việc hợp tác này rất quan trọng vì nó tiến tới việc phát hành, xuất khẩu phim ảnh Việt Nam ra thị trường thế giới. Cộng đồng điện ảnh và truyền hình Việt Nam nên tạo ra ngành công nghiệp xuất khẩu phim ảnh để không chỉ thu lợi nhuận mà còn để xuất khẩu văn hóa, lịch sử Việt Nam ra thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á và Đông Nam Á. Nếu không, truyền thông, phim ảnh các nước khác sẽ thống trị thị trường Việt Nam trong nay mai.
Phạm Ngọc Huệ