Thấy rõ hơn bất cập trong nguồn nhân lực
Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là khâu quan trọng nhất trong 3 khâu đột phá chiến lược. Vai trò này xuất phát từ những đặc điểm kinh tế lớn của thời đại, từ thực trạng ở trong nước, từ mục tiêu tổng quát của Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 2011- 2020.
Ba đặc điểm kinh tế lớn của thời đại chi phối sự phát triển của mỗi quốc gia đã được Thủ tướng chỉ ra khá cụ thể và cho rằng những đặc điểm này đã làm nổi bật vai trò ngày càng tăng của nguồn lực con người - lợi thế cạnh tranh động, nhân tố làm chuyển dịch lợi thế so sánh giữa các quốc gia. Trong điều kiện thế giới như trên, nếu không phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn kết với phát triển và ứng dụng khoa học- công nghệ, thì Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ tụt hậu xa hơn, sản phẩm làm ra sẽ “thắng ít trên sân người” và “thua nhiều trên sân nhà”.
Thực trạng nguồn nhân lực ở trong nước, bên cạnh những thành tựu quan trọng, cũng còn không ít những hạn chế, bất cập và đứng trước những thách thức không nhỏ.
Những thành tựu quan trọng là đã hình thành được thị trường lao động với sự nỗ lực của cả 3 chủ thể (Nhà nước tạo cơ chế, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế thu hút, người lao động chủ động tìm việc làm).
Số lượng lao động đang làm việc trong 20 năm qua đã tăng gần 1 triệu người/năm, với số người được giải quyết việc làm cao gấp rưỡi số đó. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm từ trên dưới 13% xuống còn dưới 4,5%. Cơ cấu lao động theo nhóm ngành đã chuyển dịch theo hướng: tỷ trọng lao động của nông, lâm nghiệp- thủy sản đã giảm từ 73% xuống còn 48,2%; của công nghiệp- xây dựng tăng từ 11,2% lên 22,4%; của dịch vụ tăng từ 15,8% lên 29,4%...
Còn hạn chế, bất cập dễ nhìn thấy nhất là tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp và tăng chậm. Ví dụ, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo năm 2005 là 12,5%, thì đến năm 2010 chỉ mới đạt 15,5%; trong đó ở nông thôn thấp xa so với thành thị (9,1% so với 32,7%), nữ thấp hơn nam (13,8% so với 17%), chênh lệch giữa các vùng miền còn khá lớn (theo Tổng cụ Thống kê).
Một hạn chế bất cập khác là chất lượng đào tạo thấp, khi so sánh với nhiều nước, khi ra trường các doanh nghiệp thường phải mất nhiều công sức đào tạo lại. Cơ cấu đào tạo còn chưa hợp lý cả về bằng cấp (sơ cấp 1/ trung cấp 1,8/ cao đẳng, đại học 2,3); cả về ngành nghề; cả về lý thuyết/thực hành. Việc phân bồ, sử dụng cũng chưa hợp lý. Đất nước đang thiếu cả cán bộ quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp; thiếu đội ngũ chuyên gia và công nhân có tay nghề cao.
Năng suất lao động của Việt Nam còn thấp và đây là yếu tố cản trở tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhất là về chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh; là nguyên nhân sâu xa, là yếu tố tiềm ẩn của lạm phát; là một trong những yếu tố làm mất cân đối kinh tế vĩ mô (nhập siêu, thâm hụt cán cân thanh toán), là lực cản của thu nhập, sức mua có khả năng thanh toán của dân cư.
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nên đòi hỏi phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trên cơ sở 3 khâu đột phá, trong đó đột phá về nguồn nhân lực là khâu quan trọng nhất.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ, “xét đến cùng, đây là khâu quan trọng nhất trong ba khâu đột phá, có vai trò chi phối việc thực hiện các đột phá khác, vì chính con người tạo ra và thực thi thể chế, xây dựng bộ máy, quy hoạch và phát triển kết cấu hạ tầng".
Đề xuất vấn đề cần quan tâm
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI đã đề ra một số chỉ tiêu về nguồn nhân lực. Để thực hiện các chỉ tiêu đó, Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 2011- 2020 đã nhấn mạnh “phải đặc biệt coi trọng phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý giỏi, đội ngũ chuyên gia, quản trị doanh nghiệp giỏi, lao động lành nghề và cán bộ khoa học, công nghệ đầu đàn. Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đa dạng, đa tầng của công nghệ và trình độ phát triển của các lĩnh vực, ngành nghề… Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài; đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế tri thức”.
Như vậy có 2 vấn đề lớn cần đặc biệt quan tâm.
Thứ nhất, khoa học- công nghệ là động lực của phát triển nhanh và bền vững. Bài viết của Thủ tướng đã chỉ rõ: “Trong nhiệm kỳ 2011 - 2016, Chính phủ sẽ đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học công nghệ; hướng trọng tâm hoạt động khoa học công nghệ vào phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế….”.
Điểm nhấn mới trong khâu đột phá này là gắn kết với việc phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ. Đây cũng là “tính hướng đích của sự phát triển khoa học, công nghệ, bảo đảm vận chuyển tiềm năng trí tuệ của nguồn nhân lực thành những thành quả ứng dụng và sáng tạo khoa học công nghệ- động lực then chốt của quá trình phát triển nhanh và bền vững”.
Thứ hai, nếu khoa học- công nghệ là động lực của phát triển nhanh và bền vững, thì giáo dục- đào tạo là “chìa khóa” của khoa học- công nghệ.
Thông điệp của Thủ tướng đã chỉ rõ nhiệm vụ 5 năm tới, phải tập trung chỉ đạo xây dựng và triển khai chương trình đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, trong đó, đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt.
Để đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà, hiện có nhiều nội dung, nhưng cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Theo đó, giáo dục phổ thông tập trung cần nâng cao chất lượng cả về hai mặt: một mặt là dạy chữ, dạy kiến thức và quan trọng hơn là dạy người, rèn luyện nhân cách.
Giáo dục đại học, cao đẳng trên cơ sở bảo đảm đội ngũ giảng viên, điều kiện dạy và học để mở rộng quy mô, nâng quy mô số sinh viên trên 1 vạn dân đến năm 2020 lên 450 và nâng cao chất lượng; xây dựng một số trường đại học chất lượng cao theo chương trình hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế.
Đào tạo nghề cần phát triển mạnh về số lượng và cơ cấu theo yêu cầu của thị trường và nâng cao kiến thức thực hành.
Minh Đức/ Chinhphu.vn