Đó là nhận định của Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công An, được đưa ra tại Hội nghị Môi trường toàn quốc, diễn ra hôm qua (18/11) tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội.
Theo đánh giá của Trung tướng Phạm Quý Ngọ, thời gian qua, vi phạm pháp luật môi trường diễn ra trong nhiều lĩnh vực, dưới nhiều hình thức. Điển hình như trong sản xuất công nghiệp. Lợi dụng chủ trương mở cửa, chính sách thu hút vốn đầu tư của Nhà nước cùng với những sơ hở về pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đã đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh nhưng không chú trọng việc xây dựng các hệ thống xử lý chất thải.
Đáng lo ngại hơn là việc các doanh nghiệp tuy có hệ thống xử lý chất thải, nhưng luôn cố tình vi phạm, thủ đoạn tinh vi, lén lút để xả thải ra môi trường như xây dựng. Trung tướng Phạm Quý Ngọ dẫn ra các ví dụ điển hình như vụ Công ty Vedan ở Bà Rịa – Vũng Tàu, vụ Công ty Tungkuang ở Hải Dương, Công ty Miwon ở Vĩnh Phúc hay Công ty Giấy Việt Trì…
Trong hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu, phổ biến là tình trạng nhập khẩu trái phép chất thải vào nước ta dưới hình thức phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, thiết bị công nghệ lạc hậu với thủ đoạn như “tạm nhập, tái xuất”, khi bị phát hiện thì khai là “gửi nhầm hàng” và xin được chuyển trả lại… Ngoài ra, một số doanh nghiệp lợi dụng cơ chế kiểm hoá xác suất, thậm chí móc ngoặc với một số tổ chức kiểm định, giám định để có kết luận hàng hoá đạt tiêu chuẩn về môi trường, câu kết với nhân viên hải quan để lấy mẫu trong các lô hàng đảm bảo yêu cầu chất lượng đã được chuẩn bị sẵn, từ đó dễ dàng được thông quan.
Nghiêm trọng hơn phải nói đến hành vi nhập rác thải sinh hoạt, các loại chất có phóng xạ, các thiết bị công nghệ lạc hậu sản xuất từ những năm 60 của thế kỷ trước… Theo Trung tướng Ngọ, mặc dù đã có nhiều vụ được phát hiện và xử lý, nhưng vì lợi nhuận, tội phạm và các doanh nghiệp thiếu đạo đức vẫn sẽ móc nối với các nhân viên nhà nước biến chất, hám hợi, cấu kết với các tổ chức tội phạm nước ngoài để nhập khẩu rác, phế thải, thiết bị máy móc cũ vào Việt Nam.
Về vấn đề xử lý, Trung tướng Phạm Quý Ngọ cho rằng, việc tổ chức phát hiện vi phạm không khó, nhưng việc xử lý sai phạm, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, có yếu tố nước ngoài, số lượng lao động đông lại rất khó khăn. Lý do được Trung tướng Ngọ đưa ra là vì áp lực về yêu cầu tăng trưởng kinh tế, áp lực về công ăn việc làm, về đối ngoại, về an ninh xã hội…
Trước diễn biến phức tạp về vi phạm và tội phạm môi trường, tại Hội nghị, Bộ Công an đã đề xuất 6 giải pháp với Đảng và Chính phủ, các ngành liên quan để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường trong thời gian tới. Đó là, quan tâm kiện toàn và tăng cường năng lực tổ chức bộ máy cơ quan quản lý nhà nước về môi trường; hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về bảo vệ tài nguyên và môi trường; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm công dân trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường; tăng cường công tác phối thanh tra, kiểm tra công khai, kết hợp với điều tra xử lý bằng biện pháp nghiệp vụ công an; ưu tiên kinh phí nhằm tăng cường nỗ lực cho lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường và cuối cùng là thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác với các tổ chức quốc tế.
(Theo VnMedia)