Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến tổng kết
công tác thuế năm 2021 và triển khai các giải pháp thực hiện nhiệm vụ
công tác thuế năm 2022 với 64 điểm cầu trong cả nước, ngày 24/12.
60/63 ĐỊA PHƯƠNG VƯỢT DỰ TOÁN
Theo báo của các Cục Thuế, hiện có 60/63 địa phương đã hoàn thành và hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách Nhà nước, trong đó có 14/19 khoản thu, sắc thuế hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán.
Tổng cục trưởng Cao Tuấn Anh cho hay từ cuối tháng Tư, dịch bệnh COVID-19 bùng phát
trở lại, nhiều địa bàn kinh tế trọng điểm đã phải thực hiện giãn cách xã
hội kéo dài để chống dịch, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh
nghiệp bị đình trệ, đứt gãy chuỗi cung ứng, nền kinh tế suy giảm nghiêm
trọng đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác thu ngân sách.
“Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Tài chính cộng
và sự nỗ lực của cơ quan thuế các cấp, ngành Thuế đã hoàn thành nhiệm vụ
được giao. Để hoàn thành mục tiêu kép ‘vừa quyết liệt phòng chống dịch,
vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm đời sống
nhân dân,’ Tổng cục Thuế khẳng định là do có sự vào cuộc của cả hệ
thống chính trị, chính quyền địa phương”, Tổng cục trưởng Cao Tuấn Anh nói.
Cụ thể, Tổng cục trưởng Cao Tuấn Anh lý giải việc kiểm soát tốt dịch bệnh cùng với
các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho doanh nghiệp và người dân phát
huy tác dụng nên kinh tế trong nước từ tháng Mười đã phục hồi trở lại,
nhiều đơn vị đã phục hồi sản xuất-kinh doanh và đóng góp lớn cho ngân
sách.
GIÃN VÀ MIỄN THUẾ, TIỀN THUE ĐẤT TRÊN 115.000TỶ ĐỒNG
Báo cáo chung toàn ngành cho biết, thực hiện Nghị định số
52/2021/NĐ-CP ngày 19/4 về gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất trong năm
2021 do tác động của đại dịch COVID-19, cả nước có gần 140.000 đơn đề
nghị gia hạn nộp thuế với tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn là
92.900 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cơ quan thuế triển khai Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng, đã thực hiện miễn giảm
tiền thuê đất với tổng số tiền khoảng 3.500 tỷ đồng và giảm thuế theo
Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 và Nghị định số 92/2021/NĐ-CP khoảng
19.700 tỷ đồng.
Hội
nghị trực tuyến tổng kết công tác thuế năm 2021 và triển khai các giải
pháp thực hiện nhiệm vụ công tác thuế năm 2022 với 64 điểm cầu trong cả
nước, ngày 24/12. (Ảnh: Vietnam+)
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc khai nộp thuế, Tổng cục trưởng Cao Tuấn Anh cho hay Tổng cục Thuế đã đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành
chính, trong đó đã triển khai hạ tầng kỹ thuật, hệ thống kết nối với
cổng dịch vụ công quốc gia và hoàn thành việc tích hợp 150 thủ tục hành
chính thuế lên cổng dịch vụ công Quốc gia (tại địa chỉ: https://dichvucong.gov.vn/)
và đạt 161% kế hoạch (150/93 TTHC) của Bộ Tài chính. Ngoài ra, Tổng cục
Thuế cũng đang triển khai tích hợp các dịch vụ công trực tuyến mức độ
3,4 tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia theo kế hoạch đề ra.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế đã triển khai giai đoạn 1 hóa đơn điện tử
tại 6 Cục Thuế là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng,
Phú Thọ, Bình Định. Hiện tại, 6 địa phương này có số lượng người nộp
thuế chiếm 60% so toàn quốc và tổng số hóa đơn phát hành trong một năm
chiếm khoảng 70% so toàn quốc. Tính ngày 21/12, số lượng người nộp thuế
đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử tại 264.000 doanh nghiệp, chiếm 71%
tổng số doanh nghiệp, tổ chức kinh tế của 6 địa phương.
PHÁT HIỆN NHIỀU SAI SÓT CỦA NGƯỜI NỘP THUẾ
Để đạt được kết quả trên, Tổng cục trưởng Cao Tuấn Anh chia sẻ cùng với việc thực
hiện các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, ngành Thuế đã triển khai
đồng bộ các giải pháp quản lý thu ngân sách.
“Qua kiểm tra rà soát các hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế đã phát
hiện những sai sót, ẩn lậu của người nộp thuế để điều chỉnh tăng số thuế
kê khai hoặc ấn định thuế”, Tổng cục trưởng Cao Tuấn Anh nhấn mạnh.
Cụ thể, ngành thuế thực hiện gần 66.500 cuộc thanh tra, kiểm tra tại
các doanh và kiểm tra gần 940.000 hồ sơ khai thuế. Theo đó, tổng số tiền
kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 45.000 tỷ đồng, thu về số
thuế nộp vào ngân sách là 7.600 tỷ đồng. Ngoài ra, ngành thuế cũng tiến
hành thanh tra, kiểm tra 300 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên
kết. Kết quả đã truy thu, truy hoàn và xử phạt 793 tỷ đồng, giảm lỗ gần
2.800 tỷ đồng, giảm khấu trừ gần 11 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập
chịu thuế 1.560 tỷ đồng.
Mặt khác, các đơn vị trong ngành đã kiểm tra gần 944.000 hồ sơ tại
trụ sở cơ quan thuế, theo đó đã xử lý điều chỉnh thu vào ngân sách 977
tỷ đồng đồng thời giảm khấu trừ là 436 tỷ đồng và giảm lỗ 1.400 tỷ đồng.
Đáng chú ý, ngành thuế đã tăng cường công tác quản lý thuế đối với
hoạt động thương mại điện tử. Qua rà soát, cơ quan thuế đã thu trên
1.300 tỷ đồng từ các tổ chức Việt Nam có ký hợp đồng quảng cáo trực
tuyến với tổ chức nước ngoài không thành lập pháp nhân tại Việt Nam như
Google, Youtube, Facebook, ...
Và, số thu từ cá nhân tự kê khai, số thuế truy thu, tiền phạt qua
thanh tra kiểm tra đối với cá nhân cư trú tại Việt Nam cung cấp dịch vụ
xuyên biên giới (tiếp thị, quảng cáo trực tuyến, sản xuất nội dung số,
ứng dụng công nghệ thộng tin...) tại các trang mạng xã hội nước ngoài
Google, Facebook, Youtube..., tính đến hết tháng Mười là 498 tỷ đồng.
Đối với công tác quản lý nợ thuế, toàn ngành đã thu hồi được 25.100
tỷ đồng, trong đó: thu bằng biện pháp quản lý nợ hơn 17.700 tỷ đồng và
thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ trên 7.400 tỷ đồng.
“Năm 2022 Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao dự toán thu ngân sách cho ngành Thuế là 1.174.900 tỷ đồng, trong đó thu từ dầu thô là 28.200
tỷ đồng và thu nội địa là 1.146.700 tỷ đồng. Đây là nhiệm vụ rất khó
khăn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến khó lường với nhiều
biến chủng mới. Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, toàn ngành sẽ tập
trung triển khai các giải pháp hỗ trợ, góp phần giúp người nộp thuế duy
trì, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, ngành sẽ
tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế bằng các hình
thức trực tuyến”, Tổng cục trưởng Cao Tuấn Anh cho biết./.
Hạnh Nguyễn (Vietnam+)