Thứ Tư, 2/10/2024
Sức khỏe
Thứ Hai, 26/10/2009 15:48'(GMT+7)

Thử test nhanh để xác định cúm ABộ Y tế nói không, bệnh viện cứ làm!

Lấy mẫu thử test nhanh để xác định cúm A/H1N1. Ảnh: Ngọc Phương.

Lấy mẫu thử test nhanh để xác định cúm A/H1N1. Ảnh: Ngọc Phương.

Ngừng xét nghiệm vì mỗi ngày có hàng nghìn ca nghi mắc cúm

Ông Nguyễn Huy Nga - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho rằng: Gần đây đã không xét nghiệm (XN) 100% các ca bệnh, mà chỉ giám sát các điểm bùng phát dịch mới và những người có triệu chứng bệnh nặng, những ca tử vong, XN tính kháng thuốc của virus. Thực ra, đây là hướng dẫn của WHO. WHO đã ngừng XN và cập nhật số liệu người nhiễm cách đây 2 tháng.
 
Bộ Y tế chỉ XN ở những tỉnh chưa có ổ dịch, khi xuất hiện bất kể một ca bệnh nào cũng tiến hành XN. Hiện nay, một ngày có thể có vài nghìn ca nghi ngờ nhiễm cúm và như vậy việc XN không thể kịp thời. Bộ Y tế lấy chỉ số đánh giá dịch có lây lan hay không là chỉ số tử vong, bởi vì càng nhiều ca tử vong và những ca tử vong là trẻ em, người già... đã chứng tỏ virus cúm đã có sự lan tràn mạnh hơn.

Phải thử test nhanh cúm A để định hướng điều trị

Trước tình hình số bệnh nhân có hội chứng cúm đến khám tại các cơ sở y tế rất đông, nên nhiều bệnh viện dùng test nhanh để xác định và loại trừ cúm A.
 
TS Nguyễn Hồng Hà - Phó Viện trưởng Viện các Bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia - cho rằng: "Viện vẫn tiến hành làm test nhanh cho bệnh nhân có các biểu hiện sốt, ho... để xác định bệnh nhân đó có nhiễm cúm A hay không. Đây là một định hướng cho bác sĩ điều trị. Nếu kết quả dương tính với cúm A cho điều trị ngay Tamiflu, nếu âm tính sẽ loại trừ được bệnh cúm A.

Tuy nhiên, do loại test nhanh này độ nhạy không cao nên sẽ xảy ra khả năng âm tính giả. Do vậy, bác sĩ sẽ dặn dò bệnh nhân tiếp tục theo dõi, nếu các biểu hiện ho, khó thở nặng hơn... có thể nhiễm cúm A cần khám lại. Còn trường hợp dương tính giả, nếu điều trị theo phác đồ cúm A/H1N1 thì cũng không có ảnh hưởng gì. Theo quan điểm của tôi, trong giai đoạn này, sử dụng test nhanh để sớm phát hiện cúm A có ý nghĩa định hướng tốt trong điều trị".

Quá tải xin xét nghiệm cúm A/H1N1 tại
Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia. Ảnh: TTXVN.

Tuy nhiên, cho đến lúc này, hội chứng cúm đang bùng phát rất mạnh với rất nhiều loại cúm. Nếu đưa tất cả những người có triệu chứng như thế vào điều trị thì sẽ không có cơ sở y tế nào đủ lớn để chứa hết. Qua giám sát 100 ca cúm A thì 100% là cúm A/H1N1, còn trong tổng số bệnh nhân thì chỉ có 10% được xác định là cúm A, như thế vẫn còn lại 90% là không phải mắc cúm A.

Do vậy, loại trừ cúm A bằng các test nhanh vẫn có giá trị nhất định. Bệnh nhân đến khám những ngày đầu chỉ sốt thông thường, không ai dám chắc là vài ngày sau có biến chứng viêm phổi. Thầy thuốc lâm sàng rất khó mà biết được diễn biến của bệnh, trong khi yêu cầu điều trị cúm phải sớm mới có hiệu quả cao.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Huy Nga - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế lại cho rằng: Bộ Y tế chưa bao giờ khuyến cáo dùng test nhanh trong hệ thống giám sát, cũng như hệ thống bệnh viện của Bộ Y tế. Vì Bộ Y tế đã tiến hành thử nghiệm test ở những người nhiễm cúm và chỉ 50% - 60% là chính xác, còn lại là không chính xác. Bộ khuyến cáo không nên dùng, vì có người âm tính giả, tạo ra chủ quan tiếp tục lây ra người khác.

Với tình hình hiện nay, khi việc điều trị cúm A/H1N1 được mở rộng ra các tuyến điều trị, song có nên sử dụng test nhanh để XN cúm A hay không vẫn chưa được thống nhất, đã gây không ít khó khăn trong điều trị cho bệnh nhân. Đã đến lúc, Bộ Y tế cần phải có ý kiến chính thức, vì người bệnh đang phải bỏ ra không ít tiền để làm test nhanh.

Hà Nội: Bệnh nhân cúm A/H1N1 đầu tiên tử vong là thai phụ

BS Nguyễn Hồng Hà - Phó Viện trưởng Viện các Bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới QG, ngày 25.10 xác nhận ca đầu tiên ở Hà Nội tử vong do cúm A/H1N1. Đây cũng là thai phụ thứ bảy tử vong vì bệnh này trên toàn quốc. Chị ở thị xã Sơn Tây, đang mang thai tháng thứ sáu, có biểu hiện sốt cao và được người nhà đưa tới BV Sơn Tây điều trị, nhưng không đỡ.

Tới ngày thứ sáu được chuyển lên Viện các Bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới QG, được xác định nhiễm cúm A/H1N1, viêm phổi, suy hô hấp nặng, nên cho uống Tamiflu. Tuy nhiên, do bệnh tình quá nặng nên tối ngày 22.10, bệnh nhân đã tử vong. TS Nguyễn Viết Tiến - GĐ BV Phụ sản T.Ư cho biết: "Khi phụ nữ mang thai, sức miễn dịch, đề kháng đều kém hơn, nên các bệnh mắc phải đều sẽ nặng. Do vậy, họ dễ bị mắc cúm và dễ bị tử vong vì cúm hơn người bình thường". 


(Theo Lao Động)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất