Thứ Năm, 5/12/2024
Chung sức phòng chống thiên tai
Thứ Tư, 1/11/2023 9:24'(GMT+7)

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Nhanh chóng khắc phục hạ tầng thủy lợi thiết yếu, phòng chống lũ lụt

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp và đoàn công tác kiểm tra tại Hà Tĩnh

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp và đoàn công tác kiểm tra tại Hà Tĩnh

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp và lãnh đạo Cục Thủy lợi đã đi kiểm tra tình hình mưa lũ và thực trạng hồ đập thủy lợi tại tỉnh Hà Tĩnh. Tham gia cùng đoàn có Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải, đại diện các sở, ban, ngành liên quan.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cùng Đoàn công tác đã đến kiểm tra công trình Thủy điện Ngàn Trươi - Cẩm Trang (huyện Vũ Quang) và đập Tắt (huyện Hương Khê).

Từ ngày 28/10 đến nay, khu vực Hà Tĩnh mưa to, có nơi mưa rất to; lũ trên các sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố lên nhanh, gây ngập lụt cục bộ, sạt lở, sụt lún đất tại một số địa phương, gây thiệt hại về tài sản, nhà cửa, cơ sở hạ tầng…

Hiện diễn biến mưa lũ ngày càng cực đoan, trong khi trên tỉnh Hà Tĩnh đang có gần 130 hồ đập hư hỏng, xuống cấp có nguy cơ mất an toàn cao. Trong số đó, có 47 hồ chứa xung yếu cần sớm nâng cấp, sữa chữa.

Mưa lũ những ngày qua đã làm đập Tắt (xã Hòa Hải, huyện Hương Khê) bị vỡ thân đập với chiều dài 15m, rộng 7m. Đập được xây dựng năm 1967. Công trình này có dung tích 0,4 triệu m3 nước, phục vụ tưới cho sản xuất nông nghiệp. Sự cố đã gây xói lở đường giao thông vùng hạ lưu và bồi lấp nhiều diện tích đất lúa của người dân.

Qua kiểm tra, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp ghi nhận nỗ lực của Hà Tĩnh trong phòng chống thiên tai. Đặc biệt, công trình Ngàn Trươi - Cẩm Trang đã góp phần lớn tích nước, ngăn lũ cho vùng hạ du. Cùng đó, vùng hạ du công trình thủy lợi hồ Kẻ Gỗ cũng đã có giải pháp để phòng chống lũ lụt.

Thứ trưởng đề nghị tỉnh Hà Tĩnh báo cáo cụ thể, đầy đủ về tình hình mưa lũ tại địa phương; trong đó làm rõ tình hình lũ lụt ở huyện Hương Khê, từ đó, kiến nghị Trung ương có các giải pháp để khắc phục tình trạng lũ lụt ở địa phương này. Báo cáo cần nhấn mạnh tác động của công trình hồ chứa thủy điện Hố Hô để có giải pháp phù hợp; kiến nghị thay đổi quy trình vận hành hồ chứa với mục tiêu đảm bảo an toàn hơn cho vùng hạ du.

Thứ trưởng cũng yêu cầu đối với các công trình thủy lợi, trước mắt nhanh chóng khắc phục hạ tầng thủy lợi thiết yếu; trong đó có đập Tắt, xã Hòa Hải, Hương Khê để phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương. Việc sửa chữa, xây dựng hồ, đập phải được tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định.

Ông Hoàng Xuân Thịnh, Giám đốc Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, với lượng mưa lớn như những ngày qua, nếu không có công trình hồ Ngàn Trươi đóng vai trò “cắt lũ” khoảng 250 triệu m3 nước thì các xã vùng hạ huyện Vũ Quang sẽ bị ngập sâu trên diện rộng.

Nước ngập, dâng cao đến gần mái nhiều nhà ở Hà Tĩnh. (Ảnh: Vũ Nghi)

Nước ngập, dâng cao đến gần mái nhiều nhà ở Hà Tĩnh. (Ảnh: Vũ Nghi)

Hiện mực nước hồ Ngàn Trươi đạt khoảng 60% dung tích thiết kế. Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 4 sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra công trình, theo dõi mưa thượng nguồn và bố trí lực lượng trực thường xuyên để chủ động ứng phó trong mọi tình huống có thể xảy ra.

Theo Cục Thủy lợi, khu vực Bắc Trung Bộ hiện có 2.323 hồ (3 hồ chứa quan trọng đặc biệt, 171 hồ chứa lớn, 460 hồ chứa vừa, 1.689 hồ chứa  nhỏ). Trong số đó 52, hồ chứa có tràn cửa van, còn lại 2.271 hồ có tràn tự do.

Tính đến 17h ngày 31/10, lượng nước trữ trong hồ chứa ở khu vực đạt trung bình khoảng 58 - 86% dung tích thiết kế. Cụ thể theo tỉnh: Thanh Hóa 87%, Nghệ An 85%, Hà Tĩnh 97%, Quảng Bình 66%, Quảng Trị 75%, Thừa Thiên Huế 77%.

 Nhiều hồ chứa đang vận hành xả tràn là: hồ Cửa Đạt (Thanh Hóa); hồ Ngàn Trươi, Sông Rác, Thượng Sông Trí, Đá Hàn, Kim Sơn (Hà Tĩnh); Hồ Tả Trạch (Thừa Thiên Huế).


Hiện khu vực Bắc Trung Bộ có 25 hồ chứa hư hỏng, xuống cấp nặng (Quảng Nam 3 hồ chứa, Quảng Ngãi 3, Bình Định 14, Phú Yên 3, Bình Thuận 2).

Khu vực Nam Trung Bộ có 517 hồ chứa. Trong số đó 86 hồ chứa có tràn cửa van còn lại 431 hồ có tràn tự do. Lượng nước trữ trong hồ chứa đạt khoảng từ 34 - 93% dung tích thiết kế. Cụ thể theo tỉnh: Đà Nẵng 87%, Quảng Nam 84%, Quảng Ngãi 48%, Bình Định 37%, Phú Yên 35%, Khánh Hòa 69%, Ninh Thuận 71%, Bình Thuận 85%.

Các hồ chứa đang vận hành xả tràn: hồ Nước Trong (Quảng Ngãi); hồ Sông Cái (Ninh Thuận); hồ Sông Quao (Bình Thuận).

Trung Bộ hiện đang có 166 hồ chứa hư hỏng, xuống cấp nặng.

Trước tình hình mưa lũ ở Trung Bộ, Cục Thủy lợi đề nghị các địa phương theo dõi diễn biến mực nước và hiện trạng công trình, đặc biệt lưu ý tới các hồ chứa nước xung yếu, hồ chứa có cửa van, hạ du đông dân cư sinh sống khi có mưa trên lưu vực hồ chứa

Các tỉnh cử Đoàn công tác kiểm tra, hỗ trợ địa phương xử lý sự cố nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thiệt hại do mưa lũ gây ra. 

Đối với công trình đang thi công, phải có phương án thi công phù hợp, đảm bảo không để xảy ra sự cố, tuyệt đối không triển khai các hạng mục không đáp ứng tiến độ thi công vượt lũ.

Các đơn vị vận hành các hồ chứa nước theo đúng quy trình vận hành được phê duyệt. Các hồ chứa có cửa van xả lũ, thực hiện điều chỉnh mực nước hồ bảo đảm tuyệt đối an toàn công trình và không xả lũ bất thường gây mất an toàn cho vùng hạ du; đồng thời thực hiện tích nước hợp lý đối với các hồ chứa đang có dung tích trữ thấp. Đặc biệt, thực hiện nghiêm túc việc cảnh báo sớm cho người dân vùng hạ du trước khi hồ chứa xả lũ và khi có nguy cơ xảy ra sự cố.

Các địa phương, đơn vị tổ chức trực ban 24/24 giờ trong thời gian có mưa, lũ; bố trí nhân lực thường trực tại công trình có nguy cơ xảy ra sự cố, các hồ chứa đầy nước để kịp thời xử lý tình huống bất thường theo phương châm “bốn tại chỗ” khi có nguy cơ xảy ra sự cố công trình./.

Tường Vy

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất