Tháng 12/2017, theo Quyết định của Bộ Chính trị, ông Trần Sỹ Thanh, Ủy
viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa
XIV tỉnh Lạng Sơn được phân công thôi tham gia Ban Chấp hành, Ban
Thường vụ và Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn nhiệm kỳ 2015 - 2020 để giữ chức
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương kiêm Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập
đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.
Tiếp đó, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã ra Quyết định
chỉ định bổ sung ông Trần Sỹ Thanh vào Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và
giữ chức Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) nhiệm
kỳ 2015-2020.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi Lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn
mạnh đến truyền thống tốt đẹp của ngành dầu khí Việt Nam và đội ngũ
hùng hậu các cán bộ, kỹ sư, nhà khoa học, công nhân viên, người lao động
xuất sắc của ngành dầu khí đã đóng góp hết mình vào sự phát triển chung
của đất nước.
Về những khuyết điểm của một số cá nhân thuộc Tập đoàn, Thủ tướng cho
rằng: “Chúng ta đã trả một giá rất đắt đối với một số cá nhân có liên
quan trong việc quản lý điều hành PVN.” Điều này cùng với tình hình khó
khăn của đất nước, những biến động ở Biển Đông, giá dầu suy giảm nhiều
năm đã làm ảnh hưởng đến hoạt động, tư tưởng của cán bộ, người lao động
của Tập đoàn.
Thủ tướng nhận xét, trong bối cảnh đó, vượt qua những khó khăn, dưới sự
chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, với truyền thống tốt đẹp, năm 2017, “những
con người còn đang làm việc, đang chiến đấu ở PVN” vẫn hoàn thành tốt
nhiệm vụ sản xuất kinh doanh. Tập đoàn vẫn thực hiện vượt mức kế hoạch
được giao về sản lượng dầu thô, khí và các mặt hàng sản phẩm được giao,
đảm bảo được đời sống của cán bộ, công nhân viên.
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức,” PVN đã quyết tâm tổ chức công việc
trong nhiều biến động để hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh được
giao, Thủ tướng nói và biểu dương lãnh đạo PVN, các đơn vị thành viên đã
có nhiều đóng góp đối với thành công của ngành công thương Việt Nam và
thành tích chung của đất nước.
Đề cập đến vị trí, vai trò rất quan trọng của PVN trong sự nghiệp xây
dựng và bảo vệ Tổ quốc, Thủ tướng nêu rõ, PVN phải thực hiện đồng thời
hai nhiệm vụ nặng nề mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó là sản xuất
kinh doanh có hiệu quả, góp phần bảo vệ và khẳng định chủ quyền quốc
gia, đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng tin tưởng, với kinh nghiệm trên nhiều vị
trí công tác và bản lĩnh cách mạng, tân Chủ tịch PVN Trần Sỹ Thanh sẽ
tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó; củng cố,
phát huy truyền thống đoàn kết, nguồn lực dồi dào của PVN; nâng cao tinh
thần trách nhiệm của cán bộ, nhân viên, người lao động, quyết tâm thực
hiện tốt Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát
triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035.
Chúc mừng tân Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch PVN Trần Sỹ Thanh và giao nhiệm
vụ cho Tập đoàn, Thủ tướng đề nghị PVN nỗ lực vượt qua mọi khó khăn; chú
trọng làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, công nhân viên, xây dựng bộ
máy tinh gọn “vừa hồng vừa chuyên.”
Thủ tướng đề nghị PVN chỉ đạo thực hiện tốt các giải pháp và điều hành
Tập đoàn về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến
năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 theo Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị
và các Quyết định số 1748/QĐ-TTg, 1749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Nhấn mạnh đến tỷ lệ đóng góp rất lớn của PVN trong cơ cấu GDP cũng như
trong cơ cấu kinh tế - xã hội của đất nước, Thủ tướng cho biết, 1 triệu
tấn dầu chiếm tới 0,25% GDP trong khi 1 triệu tấn thép chỉ chiếm 0,018%
GDP.
Thủ tướng đề nghị Tập đoàn phối hợp tốt với các cơ quan liên quan để
triển khai các dự án dầu khí ở vùng xa trên thềm lục địa Việt Nam, thực
hiện tốt nhiệm vụ đóng góp phát triển kinh tế-xã hội song song với việc
bảo đảm an ninh quốc phòng, bảo vệ và khẳng định chủ quyền quốc gia.
Song song với đó, PVN cần rà soát cơ cấu lại các nguồn lực, thực hiện
sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2017-2020 như đã được phê
duyệt; khẩn trương trình Thủ tướng Đề án tái cơ cấu toàn diện PVN giai
đoạn 2017-2020 và các Đề án tái cơ cấu khác của Tập đoàn để có bộ máy
tinh gọn hơn, phát triển ngành dầu khí bền vững.
Ông
Phạm Viết Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy khối Danh
nghiệp Trung ương trao Quết định Bí thư Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc
gia Việt Nam cho ông Trần Sỹ Thanh. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)
Thủ tướng đề nghị PVN đẩy nhanh các dự án trọng điểm quốc gia; hợp tác
quốc tế chặt chẽ, hiệu quả, khắc phục các bất cập, đề xuất cơ chế chính
sách để tạo điều kiện cho triển khai tốt các dự án.
Thủ tướng lưu ý Chủ tịch và Ban Lãnh đạo PVN tiếp tục xử lý quyết liệt 5
dự án tồn đọng, yếu kém, thua lỗ kéo dài chưa khắc phục xong như: Nhà
máy Sơ xợi Đình Vũ, Nhà máy Đóng tầu Dung Quất, 3 nhà máy nhiên liệu
sinh học.
“Cần có những biện pháp quyết liệt hơn, cách mạng hơn, chặt chẽ hơn,”
nhanh chóng hoàn thành ngay trong năm 2018, Thủ tướng giao nhiệm vụ.
PVN cần tiếp tục tiết giảm chi phí, chống lãng phí tiêu cực, “sân trước
sân sau” của một số đơn vị thành viên, nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng
cao đời sống vật chất tinh thần cho cán bộ, công nhân viên trong ngành.
Phát biểu nhận nhiệm vụ, tân Chủ tịch PVN Trần Sỹ Thanh bày tỏ nhận thức
sâu sắc về trách nhiệm cá nhân cùng Ban Thường vụ, Ban Tổng Giám đốc để
thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ đã giao cho PVN. Chủ tịch
Trần Sỹ Thanh kêu gọi toàn thể PVN đoàn kết, chung sức, chung lòng vượt
qua thời khắc khó khăn hiện nay để đưa Ngành Dầu khí tiếp tục giữ vững
và phát huy vị thế quan trọng của mình.
Thay mặt toàn ngành dầu khí, ông Trần Sỹ Thanh khẳng định, PVN sẽ thực
hiện tốt 7 nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao phó; đồng thời bày tỏ
mong muốn Đảng, Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương quan tâm, tạo điều
kiện cho ngành Dầu khí, người lao động dầu khí lấy lại tâm thế, phát
triển ổn định, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp của ngành, vì lợi ích
quốc gia và dân tộc.
Ông Trần Sỹ Thanh sinh năm 1971, tốt nghiệp Đại học Tài chính kế toán,
hiện là đại biểu Quốc hội khóa XIV, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách
của Quốc hội. Việc Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm người đứng
đầu PVN nhằm ổn định và phát triển PVN trong giai đoạn mới. Điều này
thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Chính phủ đối với PVN.
Sau lễ công bố, Thủ tướng đã dự lễ chào mừng hoàn thành vượt mức kế hoạch sản lượng khai thác dầu khí năm 2017 của PVN.
Trong suốt lịch sử xây dựng và phát triển, PVN luôn có đóng góp quan
trọng cho tăng trưởng GDP và ngân sách nhà nước. Tổng doanh thu của PVN
luôn ở mức 15-18% GDP. Trung bình hàng năm, PVN đóng góp cho tổng thu
ngân sách Nhà nước từ 20-25%.
Năm 2017, mặc dù kinh tế thế giới có nhiều diễn biến bất lợi, giá dầu
thô ở mức thấp kéo dài, song tập thể lãnh đạo và cán bộ công nhân viên
PVN đã vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ được Đảng
và Nhà nước giao phó. Điều này thể hiện qua việc hầu hết các chỉ tiêu
vượt cao hơn kế hoạch đề ra. Cụ thể, khai thác dầu trong nước vượt 10,5%
kế hoạch, khai thác khí vượt 3% kế hoạch. Sản xuất xăng dầu từ Nhà máy
Lọc dầu Dung Quất vượt 19,5% kế hoạch. Tổng doanh thu vượt 13,8% kế
hoạch; nộp ngân sách vượt 30,8% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất
đạt 31.900 tỷ đồng; hệ số bảo toàn vốn đạt 1,02 lần./.
Theo TTXVN