Thứ Ba, 26/11/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 11/1/2015 15:20'(GMT+7)

Thủ tướng Đức điện đàm thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine

Thủ tướng Đức Angela Merkel trong một cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Nguồn: Getty Images)

Thủ tướng Đức Angela Merkel trong một cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Nguồn: Getty Images)

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, trọng tâm hai cuộc điện đàm của bà Merkel đều tập trung vào việc tìm kiếm các biện pháp đảm bảo thực thi thỏa thuận ngừng bắn tạm thời đã được các bên ký ngày 5/9 vừa qua ở Minsk (Belarus).

Nhà lãnh đạo Đức cũng bày tỏ quan ngại về những căng thẳng tiếp diễn và tình hình nhân đạo tại miền Đông Ukraine.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Poroshenko, bà Merkel nhấn mạnh về cơ bản bà sẵn sàng tham gia cuộc gặp nhóm Normandie (gồm lãnh đạo 4 nước Đức, Nga, Ukraine và Pháp). Tuy nhiên, để cuộc gặp có ý nghĩa, các bên phải thực sự có chung quan điểm về việc ngừng bắn hay thiết lập giới tuyến, đồng thời gắn kết quả cuộc gặp với các bước tiến cụ thể.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Putin, Thủ tướng Merkel hoan nghênh các nỗ lực tích cực nhằm tiến hành cuộc gặp "nhóm Normandie" hiện đang được Bộ Ngoại giao bốn nước xúc tiến triển khai.

Hiện tại chưa biết cuộc gặp sẽ được tổ chức ở thủ đô Astana của Kazakhstan, hay tại một địa điểm khác.

Cuộc gặp được lên kế hoạch trên tinh thần kêu gọi các bên đẩy mạnh nỗ lực hướng tới một thỏa thuận mới dựa trên cơ sở Thỏa thuận Minsk; trong đó, Nga sẽ sử dụng ảnh hưởng của mình để tác động tới lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine nhằm tiến tới những giải pháp đồng thuận.

Theo kế hoạch, vào ngày 12/1, Ngoại trưởng "nhóm Normandie" sẽ gặp nhau ở Berlin để lên kế hoạch trù bị cho cuộc gặp thượng đỉnh có thể diễn ra ngay trong tuần tới.

Trước đó, trong thông điệp hàng tuần phát trên trang web chính phủ Đức, Thủ tướng Merkel đã kêu gọi châu Âu đoàn kết để trở nên mạnh mẽ và vững chắc, cùng vượt qua mọi thách thức hiện nay.

Theo bà, mặc dù lợi ích quốc gia của 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) có phần khác biệt nhưng một trong những "nhiệm vụ chính trị trọng đại" của khối là phải tái thiết lập sự thống nhất toàn châu Âu./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất