Bà Merkel đang nỗ lực vậnđộng hậu trường để CSU cho thời hạn 2 tuần nhằm tìm kiếm một thoả thuận với các đối tác châu Âu.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong nội bộ liên minh cầm quyền, do sự phản đối của đảng CSU đối với các chính sách tị nạn.
Theo kế hoạch, trong ngày hôm nay (thứ Hai - 18/6), đảng Xã hội Cơ đốc giáo CSU sẽ tổ chức một cuộc họp báo quan trọng, nhằm thông báo liệu họ sẽ cho nữ Thủ tướng Đức, Angela Merkel một khoảng thời gian để thay đổi chính sách về người tị nạn, hay sẽ công khai kế hoạch phản đối cách điều hành của bà Merkel trong vấn đề này.
Nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Ảnh: CNN)
Trong trường hợp CSU quyết định chống lại cách xử lý vấn đề tị nạn của bà Merkel, chắc chắn liên minh cầm quyền giữa các đảng Dân chủ Cơ đốc giáo – CDU của bà Merkel, đảng CSU và đảng Dân chủ xã hội SPD sẽ đứng trước nguy cơ tan vỡ cực lớn. Theo giới phân tích chính trị tại Đức, trong tình huống đó, bà Angela Merkel gần như chắc chắn sẽ mất chiếc ghế Thủ tướng Đức.
Mâu thuẫn hiện nay giữa bà Merkel với đảng liên minh CSU, cụ thể là với thủ lĩnh đảng này hiện đang giữ chức Bộ trưởng Nội vụ - ông Seehofer, xuất phát từ việc ông Seehofer muốn trục xuất khỏi nước Đức những người đã đăng ký xin tị nạn tại nước khác, nhưng điều này bị bà Merkel phản đối.
Bà Merkel cho rằng, một quyết định như thế sẽ ngăn chặn khả năng đạt được một thoả thuận toàn diện hơn về vấn đề tị nạn ở cấp độ toàn Liên minh châu Âu.
Tuy nhiên, dư luận cũng như truyền thông Đức dường như không ủng hộ bà Merkel. Hiện có đến hơn 3/4 người Đức không hài lòng với cách bà Merkel xử lý vấn đề tị nạn, đặc biệt là quyết định mở cửa biên giới Đức để tiếp nhận hàng triệu người tị nạn vào năm 2016, khiến nước Đức phải đối mặt với nhiều vấn đề về an ninh, xung đột văn hoá và bất ổn xã hội.
Theo báo chí Đức, trước sức ép từ phía đảng CSU vốn là liên minh thân thiết với CDU từ hơn 1 thập kỷ qua, bà Merkel đang nỗ lực vận động hậu trường để CSU cho thời hạn 2 tuần nhằm tìm kiếm một thoả thuận với các đối tác châu Âu, đặc biệt tại hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu vào các ngày 28 và 29/6 tới.
Trong trường hợp thất bại, bà Merkel nhiều khả năng phải giải tán chính phủ liên minh và từ chức, hoặc đàm phán liên minh với đảng Xanh, dù cơ hội thành công là tương đối ít./.
Theo vov.vn