Thứ Bảy, 21/9/2024
Thế giới
Thứ Bảy, 16/6/2018 10:57'(GMT+7)

Vấn đề vũ khí hóa học ở Xy-ri và dư luận quốc tế



Ngược dòng lịch sử

Trong lúc phong trào “Mùa xuân A-rập” đang diễn ra trên phạm vi rộng và tính chất ngày càng nguy hiểm đối với thể chế chính trị của một số nước Bắc Phi - Trung Đông (trong đó có chính quyền của Tổng thống B. An Át-xát), ngày 23-7-2012, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Xy-ri, ông Di-hát Mác di-si, lần đầu tiên công khai khẳng định, “Chính phủ Xy-ri có sở hữu vũ khí hóa học và những vũ khí này sẽ không bao giờ được sử dụng để chống lại người dân Xy-ri, mà chỉ nhằm chống ngoại xâm”. Ông này cũng cho biết “số vũ khí hóa học này đang được các đơn vị quân đội Xy-ri bảo quản cẩn thận và ở những nơi rất an toàn”1. Tuyên bố này không biết thực hư thế nào, nhưng đã gây sự tò mò, thèm muốn của nhiều lực lượng chống chính phủ ở Xy-ri và là một cú sốc lớn đối với thế giới, đặc biệt là các nước lớn. Số vũ khí hóa học mà Chính phủ Xy-ri “tuyên bố không đúng thời điểm”2, không có kiểm chứng của các cơ quan quốc tế có uy tín cũng đã trở thành mục tiêu săn đuổi của Mỹ, phương Tây và nhiều phe phái có vũ trang chống chính quyền Đa-mát.

Theo các nguồn tin của tình báo Mỹ, Chính phủ Xy-ri sở hữu nhiều loại vũ khí hóa học, như: mù-tạt (mustard gas), chất độc gây ngạt (blister agents), nhiều loại chất độc thần kinh như sa-rin và VX, v.v. Không những thế, Xy-ri còn sở hữu các năng lực phóng vũ khí hóa học, như: bom, tên lửa đạn đạo, tên lửa thông thường và các loại pháo, v.v. Từ những thông tin tình báo và các phát ngôn của Chính phủ Xy-ri, ngày 23-8-2012, Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma tuyên bố, “nếu vũ khí hóa học được sử dụng ở Xy-ri, đó sẽ là giới hạn đỏ mà Mỹ không thể ngồi yên. Nếu Mỹ phát hiện thấy vũ khí hóa học bị di chuyển hoặc sử dụng, các tính toán về phản ứng quân sự sẽ có thay đổi rất lớn”3. Và thực chất, đã nhiều lần, Chính phủ Mỹ, Anh, Pháp đề xuất với quốc hội nước mình cho phép tấn công quân sự vào Xy-ri, nhưng đều bị từ chối, bởi chưa có bằng chứng nào đủ sức thuyết phục chứng minh Xy-ri sử dụng vũ khí hóa học. Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, ông Tom-my Vietor tuyên bố rằng, vụ việc tấn công bằng vũ khí hóa học ở Horm vào ngày 23-12-2012 có những thông tin không nhất quán với báo cáo mà Mỹ có được về chương trình vũ khí hóa học của Xy-ri. Vì chất độc 15 không nằm trong danh mục vũ khí hóa học mà Chính phủ Xy-ri sở hữu, v.v.

Dưới sức ép của cộng đồng quốc tế và đề xuất của Nga ngày 12-9-2013, Xy-ri tuân thủ các quy định của Công ước về chống vũ khí hóa học (CWC). Ngày 14-9-2013, Mỹ và Nga đạt được một thỏa thuận chi tiết về việc tiêu hủy toàn bộ kho vũ khí hóa học của Xy-ri. Theo đó, chỉ hơn một tháng sau, ngày 31-10-2013, Tổ chức ngăn ngừa vũ khí hóa học (OPCW) tuyên bố, Xy-ri đã phá hủy và giao nộp toàn bộ số cơ sở pha trộn và sản xuất vũ khí hóa học. Đồng thời, giao hầu hết số hóa chất (khoảng 1.500 tấn) lên 18 chuyến tàu và chuyển ra khỏi lãnh thổ Xy-ri. Tuy nhiên, do thiếu trách nhiệm hay một trong các bên cố tình làm ngơ dẫn đến việc làm này của Xy-ri không có một văn bản pháp lý nào của Liên hợp quốc hay tổ chức có uy tín thế giới được lưu lại. Điều này đã dẫn tới những hệ quả không mong muốn, đặc biệt là lòng tin giữa các bên không được củng cố, kể cả sau khi Xy-ri tuyên bố chuyển giao hết vũ khí hóa học. Đây chính là nguyên nhân, lý do để Mỹ và các nước phương Tây tiếp tục cho rằng, Chính phủ Xy-ri vẫn sử dụng chất độc hóa học trong thời gian vừa qua.

Ngày 09-4-2018, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn cấp để thảo luận về cáo buộc sử dụng vũ khí học tại Xy-ri. (Ảnh: Reuters)

Cái cớ hoàn hảo

Sau nhiều lần đổ lỗi cho Chính quyền Xy-ri sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường, ngày 07-4-2017, Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm bất ngờ ra lệnh bắn 59 quả tên lửa vào lãnh thổ Xy-ri để trả đũa. Đúng một năm sau, vào sáng ngày 14-4-2018, sau nhiều lần đe dọa, Mỹ và đồng minh lại thực hiện tấn công Xy-ri. Hơn 100 quả tên lửa được bắn đi từ tàu chiến và các máy bay chiến đấu của Mỹ và liên quân nhằm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Xy-ri.

Cả hai vụ tấn công, Mỹ và liên quân đều mượn cớ Chính phủ Xy-ri sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường và đây là điều mà Mỹ, phương Tây không thể chấp nhận. Thực tế chiến trường Xy-ri cho thấy, sau khi IS bị đánh bại, vũ khí hóa học đã trở thành “cái cớ hoàn hảo” để Mỹ và phương Tây sử dụng khi cần thiết. Tuy nhiên, câu chuyện thực sự đằng sau vụ việc không chỉ đơn giản như vậy. Trong vụ tấn công bất ngờ Xy-ri vào tháng 4-2017, thực chất Mỹ có 3 tính toán khác nhau. Thứ nhất, răn đe Chính phủ của Tổng thống B. An Át-xát và ngầm cảnh cáo Nga, I-ran và các lực lượng thân Chính phủ của Tổng thống B. An Át-xát, v.v. Thứ hai, hỗ trợ cho các lực lượng mà Mỹ hậu thuẫn ở Xy-ri (quân đội Xy-ri tự do, chiến binh người Kurd). Thứ ba, ngầm chuyển thông điệp tới Trung Quốc trong việc xử lý vấn đề Triều Tiên và tạo lợi thế trên bàn đàm phán với Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong vụ tấn công bằng tên lửa vào lãnh thổ Xy-ri tháng 4-2018, trong bối cảnh có nhiều điểm khác trước. (1). Địa điểm xảy ra tấn công hóa học, khu vực Đau-ma ở rất gần thủ đô Đa-mát của Xy-ri và tương quan lực lượng trên chiến trường cho thấy, lực lượng của Chính phủ Xy-ri đang chiếm thế áp đảo. Do vậy, theo lô-gíc thông thường, Chính quyền Xy-ri không cần thiết và rất khó sử dụng vũ khí hóa học. (2). Tổng thống Đô-nan Trăm vừa tuyên bố sẽ rút hết quân khỏi Xy-ri. Do vậy, không loại trừ khả năng một vài lực lượng nào đó muốn tạo cớ để Mỹ và phương Tây can thiệp trở lại nhằm giữ chân Mỹ ở lại chiến trường Xy-ri. Khác với vụ tấn công bất ngờ tháng 4-2017, lần này Mỹ đã nhiều lần cảnh báo Xy-ri từ rất sớm. Do vậy, Xy-ri đã có phương án đối phó, sơ tán hầu hết các lực lượng và khí tài quan trọng, như: máy bay, vũ khí, khí tài quân sự, v.v. (3). Ba mục tiêu mà Mỹ và phương Tây lựa chọn để tấn công đã được tính toán kỹ, gồm: Trung tâm nghiên cứu khoa học ở ngoại ô thủ đô Đa-mát và hai cơ sở cất giữ vũ khí hóa học ở thành phố Horm mà phía Mỹ cho là đã từng được sử dụng để chế tạo chất độc thần kinh sa-rin. Cả ba mục tiêu này đều cách xa khu dân cư và xa các khu vực có lực lượng quân sự của Nga và I-ran đồn trú.

Với cuộc tấn công này, Mỹ và phương Tây muốn chuyển đi ba thông điệp. Một là, mặc dù Mỹ tuyên bố sẽ rút hết quân khỏi Xy-ri, nhưng “Mỹ vẫn cam kết với mục tiêu ngăn chặn việc tái diễn sử dụng vũ khí hóa học”. Hai là, hỗ trợ tinh thần cho các lực lượng mà Mỹ hậu thuẫn ở Xy-ri. Ba là, Hoa Kỳ muốn chuyển thông điệp tới Nga rằng, Mỹ và phương Tây luôn có vai trò quan trọng trong ván bài ở Xy-ri, mặc dù Nga đã chiếm ưu thế áp đảo tại đây. Cuộc không kích kết thúc nhanh chóng và từ đó đến nay không có thêm bất kỳ hành động quân sự nào chống Xy-ri. Tuy nhiên, dường như kết quả đạt được là rất hạn chế. Các cuộc tấn công của Mỹ và phương Tây không làm thay đổi tương quan lực lượng trên chiến trường, mà chỉ làm cho dư luận và tình hình trở nên phức tạp hơn.

Dư luận quốc tế

Dư luận quốc tế về vấn đề Xy-ri bị chia rẽ nghiêm trọng, xen lẫn với hoài nghi. Trong vấn đề vũ khí hóa học ở Xy-ri, nhìn chung dư luận quốc tế ủng hộ việc Xy-ri từ bỏ vũ khí hóa học và sáng kiến của Nga về việc Xy-ri giao nộp vũ khí hóa học để tiêu hủy và đổi lấy hòa bình. Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế không có đủ thông tin về quá trình chuyển giao vũ khí hóa học của Xy-ri, nên không thể đưa ra các phản ứng chi tiết; từ đó, dẫn tới những nghi ngờ về ý đồ thực sự của các bên. Trong khi đó, các nguồn thông tin công khai thường là bị bóp méo để phục vụ mục đích chính trị và không thể kiểm chứng.

Riêng đối với vụ tấn công bằng tên lửa vào ba cơ sở của Xy-ri trong tháng 4-2018 vừa qua, phản ứng của các bên cũng rất khác nhau. Tổng thống Nga V. Pu-tin gọi đây là “một hành động xâm lược” và cho rằng “vụ tấn công sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo, vốn đã rất nghiêm trọng tại Xy-ri”4. I-ran và Héc-bô-la, những đồng minh quan trọng của Chính phủ Xy-ri lên án vụ tấn công. Lãnh đạo tối cao I-ran, ông A. A-li Kha-mê-nây gọi lãnh đạo của ba nước Mỹ, Anh và Pháp là “tội phạm”, trong khi Héc-bô-la cho rằng, vụ tấn công này không giúp Mỹ đạt được mục tiêu của mình5. Ngược lại, các đồng minh của Mỹ: Anh, Pháp, Ca-na-đa, Nhật Bản,… đều ủng hộ Hoa Kỳ ở các mức độ khác nhau. Riêng Anh và Pháp còn có lý do riêng để trực tiếp cùng Mỹ tham chiến là vì họ đều lo ngại việc sử dụng vũ khí hóa học có thể lây lan, nhất là sau khi xảy ra vụ đầu độc hai cha con cựu điệp viên người Nga đang lưu vong tại Anh, ông Séc-gây Ski-pan. Thổ Nhĩ Kỳ cũng hoan nghênh vụ tấn công và coi đó là một phản ứng thích hợp. Riêng Đức, tuy ủng hộ hành động của Mỹ, nhưng tuyên bố sẽ không tham gia cùng Mỹ và phương Tây trực tiếp đánh Xy-ri.

Đối với các tổ chức quốc tế, cả Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đều ủng hộ hành động của Mỹ và đồng minh. Tổng thư ký NATO J. Stôn-ten-bớt phát biểu ủng hộ mạnh mẽ vụ không kích. Chủ tịch Ủy ban châu Âu J. Clau-dơ Jun-kơ cũng tuyên bố ủng hộ hành động của Mỹ và cho rằng những kẻ chủ mưu vụ tấn công hóa học phải chịu trách nhiệm. Trong khi đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông A. Gu-tơ-rét kêu gọi bình tĩnh và các quốc gia thành viên cần kiềm chế trong các tình huống nguy hiểm. Trên thực tế, với việc tấn công vào lãnh thổ một quốc gia độc lập, có chủ quyền, Mỹ và phương Tây đã phớt lờ vai trò của Liên hợp quốc và phần nào làm giảm giá trị của luật pháp quốc tế, tạo tiền lệ nguy hiểm trong quan hệ quốc tế.

Tóm lại, với thực tiễn đang diễn ra hiện nay, vấn đề vũ khí hóa học ở Xy-ri có lẽ sẽ chưa thể chấm dứt hoàn toàn. Cho dù Chính phủ Xy-ri đã thực sự chuyển giao toàn bộ kho vũ khí hóa học ra khỏi lãnh thổ, nhưng vẫn còn không ít phe phái ở Xy-ri muốn lợi dụng vấn đề này để phục vụ cho những tính toán ích kỷ của họ. Trong khi đó, các cường quốc lớn ngoài khu vực đều vẫn cần những cái cớ hợp lý để phục vụ cho các toan tính của họ trong bàn cờ chiến lược ở Trung Đông. Trong bối cảnh đó, người chịu hậu quả nặng nề nhất chính là người dân Xy-ri và đất nước Xy-ri sẽ còn tiếp tục lầm than, bị chia rẽ, xung đột, nội chiến mà chưa biết đến bao giờ mới kết thúc để bắt đầu tiến trình tái thiết đất nước.

TS. TRẦN VIỆT THÁI, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao

______________

1 - Báo cáo của Hiệp hội kiểm soát vũ khí - ACA.

2 - Đúng lúc “Mùa xuân A-rập” khởi nguồn từ các nước ở khu vực Bắc phi - Trung Đông dần lan tới Đa-mát Xy-ri.

3 - Thời báo New York, số ra ngày 24-8-2012.

4 - Báo The Guardian (Anh) số ra ngày 14-4-2018.

5 - Sđd.

Nguồn: Tạp chí Quốc phòng Toàn dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất