Dự diễn đàn có Chủ nhiệm Ủy
ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Bộ trưởng Bộ Lao động Thương
binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn
Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Chủ
tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; lãnh đạo ban,
bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đặc
biệt có 450 đại biểu đại diện cho 11 triệu đoàn viên Công đoàn, hơn 18
triệu công nhân, người lao động toàn quốc.
Theo Tổng cục Thống kê, những năm qua, năng suất lao động Việt Nam
liên tục tăng, đạt 4,8% vào năm 2022 và 3,65% vào năm 2023. Bình quân
giai đoạn 2011-2020, mỗi năm, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt
Nam đạt 5,29%, góp phần quan trọng tăng hiệu quả sản xuất, kinh doanh,
phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Mặc dù vậy, mức tăng này chưa
đạt yêu cầu và vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực.
Tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung
ương, địa phương, chuyên gia và công nhân, người lao động cùng trao đổi,
thảo luận về thực trạng năng suất lao động Việt Nam, nguyên nhân, điểm
nghẽn và đề xuất, kiến nghị các giải pháp thúc đẩy tăng năng suất lao
động Việt Nam.
Chia sẻ về những nỗ lực, cố gắng trở thành người dẫn đầu về năng
suất, với 1.400 sản phẩm/ngày, đạt 150% so với đồng nghiệp cùng công
đoạn tại Tổng Công ty may 10, chị Phùng Thị Hạnh đề xuất, Chính phủ và
các bộ, ngành nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ công tác đào tạo cho
các doanh nghiệp sử dụng đông lao động, đặc biệt là lao động mới; có
các chính sách để nhân rộng mô hình này cho các doanh nghiệp sử dụng
nhiều lao động nữ.
Cho rằng, để nâng cao năng suất lao động, các doanh nghiệp phải rèn
luyện tác phong công nghiệp, nâng cao ý thức, kỷ luật lao động cho người
lao động, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, anh
Mai Thiên Ân, đoàn viên công đoàn cơ sở Công ty trách nhiệm hữu hạn
Intel Products Việt Nam, có trụ trở tại Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị:
Cần có thêm các hình thức giảng dạy, trang bị tác phong công nghiệp cho
người lao động từ sớm để trở thành "thói quen, nếp nghĩ, nếp làm" khi
còn ngồi trên ghế nhà trường, xem xét định hướng ở các cấp bậc phù hợp;
có quy chế tài chính cho phép công đoàn cơ sở có đủ nguồn lực trong đầu
tư, chi tiêu cho các hoạt động đào tạo, tuyên truyền, khen thưởng về tác
phong công nghiệp và kỷ luật lao động…
Bà Vũ Thị Mai, Giám đốc nhân sự Tập đoàn Công nghiệp, Viễn thông Quân
đội Viettel cho biết, năm 2023, năng suất lao động theo doanh thu của
toàn Tập đoàn là hơn 4,1 tỷ đồng/người/năm. Bà cho biết, để đạt được kết
quả trên có hai yếu tố quan trọng là nguồn nhân lực và công nghệ, trong
đó, chất lượng nguồn nhân lực mang ý nghĩa quyết định việc thúc đẩy,
nâng cao năng suất lao động. Bên cạnh đó, có cơ chế chính sách tạo động
lực, khuyến khích đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động và trao cơ
hội phát triển cho người lao động…
Sau 10 tham luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt câu hỏi và trao đổi
với các công đoàn viên, công nhân, người lao động về 6 yếu tố mang tính
quyết định năng suất lao động: Yêu lao động, yêu nghề; luôn luôn học
hỏi, nâng cao kiến thức, tay nghề; tuân thủ kỷ luật, xây dựng môi trường
lao động lành mạnh, bình đẳng, an toàn; luôn luôn đổi mới sáng tạo;
người lao động được đãi ngộ thỏa đáng về tinh thần, vật chất; Chính phủ,
Công đoàn và các chủ thể liên quan phải xây dựng hệ sinh thái lao động
tốt. Xuyên suốt quá trình đó, lấy con người vừa là trung tâm, nguồn lực,
động lực, mục tiêu của sự phát triển và tăng năng suất lao động; không
hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn
thuần.
Chuyển lời chúc mừng tốt đẹp nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
gửi tới Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và toàn thể người lao động cả
nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao báo cáo của Tổng Liên đoàn
Lao động Việt Nam và các ý kiến phát biểu thẳng thắn, tâm huyết, trách
nhiệm, sát thực tiễn của đại biểu, đại diện người lao động, doanh
nghiệp, trong đó, có nhiều ý kiến đóng góp mang tính xây dựng, rất tích
cực, phản ánh rõ những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc trong nâng cao
năng suất lao động; đưa ra những mô hình tốt, cách làm hay; đặc biệt là
đề xuất, kiến nghị những giải pháp sâu sắc, cụ thể.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, năng suất lao động là một chỉ
tiêu kinh tế tổng hợp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; là một trong những
thước đo quan trọng nhất để đánh giá, so sánh trình độ phát triển giữa
các quốc gia, cũng như giữa các lĩnh vực, địa phương trong từng quốc
gia.
Dẫn luận điểm của Lãnh tụ cộng sản vĩ đại Các – Mác và Nhà kinh tế
học đoạt giải Nobel kinh tế Paul Krugman về năng suất lao động, Thủ
tướng nhấn mạnh, lịch sử kinh tế thế giới chứng minh năng suất lao động
là yếu tố quyết định đến sự thành công hay thất bại của từng quốc gia,
dân tộc trong quá trình phát triển. Trong thế giới ngày nay, tăng năng
suất lao động là một trong những nhân tố quan trọng nhất để các nước
đang phát triển nỗ lực vươn lên, hướng đến phát triển nhanh và bền vững,
thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Thủ tướng cho biết, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến
năng suất lao động và chú trọng những giải pháp tăng năng suất lao động.
Tăng năng suất lao động xã hội là một trong những chỉ tiêu chủ yếu được
đặt ra trong các Nghị quyết Đại hội của Đảng.
Để cụ thể hoá những chủ trương theo Nghị quyết Đại hội Đảng, Chính
phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và tổ chức triển khai các cơ chế,
chính sách, chiến lược, kế hoạch liên quan đến nâng cao năng suất lao
động. Đặc biệt, ngày 8/11/2023, Thủ tướng Chính phủ đã han hành Quyết
định số 1305 phê duyệt “Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động
đến năm 2030” với mục tiêu đến năm 2030, năng suất lao động trở thành
một động lực quan trọng cho tăng trưởng nhanh, bền vững, tận dụng hiệu
quả các cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Theo Thủ tướng, mặc dù đã có sự cải thiện nhưng năng suất lao động
của Việt Nam vẫn ở mức thấp. Trong giai đoạn 2021-2023, tỷ lệ tăng năng
suất lao động thấp hơn mục tiêu đề ra là 5,5%/năm. Xét theo giá trị
tuyệt đối, năng suất lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các
nước trong khu vực; khoảng cách về năng suất lao động và trình độ phát
triển giữa các vùng, miền, khu vực còn khá lớn…
Phân tích tình hình, bối cảnh thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Tổng
Liên đoàn Lao động Việt Nam, toàn thể các đoàn viên, người lao động,
Công đoàn các cấp, cộng đồng doanh nghiệp cùng các bộ, ngành, địa phương
cùng chung tay tập trung thực hiện: 3 đẩy mạnh, 3 tiên phong, 3 bứt phá
để góp phần thúc đẩy tăng năng suất lao động.
Trong đó, “3 đẩy mạnh” bao gồm: Đẩy mạnh hoàn
thiện khung khổ pháp lý, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi,
thúc đẩy phát triển, phát huy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, đổi mới
sáng tạo; đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát
triển; đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân
lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với đổi mới sáng tạo để tạo nền
tảng cho tăng năng suất lao động.
“3 tiên phong” là: Tiên phong trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh,
phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các
ngành, lĩnh vực mới nổi, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã
hội; tiên phong trong hội nhập quốc tế, tận dụng tốt mọi cơ hội, phát
huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để nâng cao
hiệu quả sản xuất kinh doanh; tiên phong trong các phong trào thi đua
tăng năng suất lao động, phát huy sáng kiến về quản lý, tổ chức sản xuất
kinh doanh, cải tiến kỹ thuật, thúc đẩy mạnh mẽ các sáng kiến tăng năng
suất lao động.
Thủ tướng đề nghị thực hiện “3 bứt phá” gồm: Bứt phát về phát triển
nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao và dạy nghề; bứt
phá về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là trong những ngành,
lĩnh vực mới nổi; bứt phá về môi trường lao động, bảo đảm xanh, sạch,
đẹp, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Về nhiệm vụ, giải phát trọng tâm tăng năng suất lao động, Thủ tướng
yêu cầu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng - coi đây là nền tảng để tăng năng
suất lao động, trong đó lưu ý gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát
lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược
về thể chế, kết cấu hạ tầng, đặc biệt là nguồn nhân lực gắn với khoa
học công nghệ và đổi mới sáng tạo; tập trung nâng cao chất lượng giáo
dục đào tạo và dạy nghề ở tất cả các cấp học, bậc học, ngành, lĩnh vực,
bảo đảm đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng, số lượng, cơ cấu hợp
lý; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu lao động từ phi chính thức sang chính
thức, từ lĩnh vực nông nghiệp năng suất thấp sang lĩnh vực công nghiệp,
dịch vụ năng suất cao hơn; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; nâng
cao tỷ trọng các khu vực công nghiệp, dịch vụ, công nghiệp hoá nông
nghiệp.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
phát huy vai trò của tổ chức đại diện, nhất là vai trò tham gia quản lý
xã hội, làm cầu nối thực hiện các hoạt động đối thoại chính sách, chia
sẻ kinh nghiệm về tăng năng suất lao động; phối hợp với Bộ Lao động -
Thương binh và Xã hội nghiên cứu, đề xuất xây dựng chương trình hỗ trợ
và phát triển kĩ năng nghề cho người lao động. Tổng Liên đoàn thường
xuyên trao đổi, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư và
người lao động và kiến nghị giải pháp phù hợp; chú trọng thương lượng,
đối thoại, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể; đẩy mạnh tuyên
truyền, vận động người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng
làm việc; đổi mới công tác khen thưởng, thúc đẩy mạnh mẽ các sáng kiến
tăng năng suất lao động.
Thủ tướng yêu cầu cộng đồng doanh nghiệp phát huy hơn nữa vai trò của
doanh nghiệp - chủ thể chính tạo ra của cải vật chất cho xã hội; ứng
dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động, tăng giá trị
chứ không phải tăng thời gian làm việc của người lao động; quan tâm chăm
lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động; chú trọng đào tạo,
đào tạo lại; tạo dựng môi trường làm việc an toàn, sạch đẹp; có chế độ
lương, thưởng đối với người lao động có nhiều sáng kiến, năng suất cao,
chất lượng tốt.
Đối với anh chị em công nhân, người lao động, Thủ tướng mong muốn
phát huy hơn nữa vai trò của người lao động, không ngừng trau dồi, tự
học tập nâng cao trình độ, kỹ năng, tay nghề, kinh nghiệm, khả năng
thích ứng; nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng động sáng tạo, nâng cao
năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc; đổi mới tác phong, ý thức
chấp hành pháp luật và kỷ luật lao động; nâng cao kiến thức và kỹ năng
làm việc.
Nhấn mạnh, nâng cao năng suất lao động là nhiệm vụ quan trọng, vừa
cấp bách, vừa mang tính chiến lược, dài hạn của cả hệ thống chính trị -
là con đường ngắn nhất đưa nước ta bắt kịp các nước phát triển trong khu
vực và trên thế giới, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn và tin tưởng,
với tinh thần “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng
lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”, tổ chức Công
đoàn Việt Nam, toàn thể đoàn viên, người lao động cả nước sẽ chung tay,
chung sức, đồng lòng cùng cả nước phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu
chiến lược đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công
nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước
phát triển, thu nhập cao…
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng thưởng 95 đoàn viên Công
đoàn, công nhân, người lao động có năng suất lao động cao, có thành
tích tiêu biểu trong lao động sản xuất./.
TTXVN