Trước lễ khai mạc hội nghị, Tổng thống Pháp P.Ô-lăng-đơ cùng Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun đã đón Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Trưởng đoàn tham dự Hội nghị COP-21. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun đã gửi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân trong loạt vụ khủng bố tại Pa-ri hôm 13-11 và các vụ khủng bố tại nhiều nơi trên thế giới, tuyên bố dành một phút tưởng niệm các nạn nhân khủng bố.
Phát biểu ý kiến khai mạc COP-21, Tổng thống Pháp P.Ô-lăng-đơ bày tỏ hy vọng các nhà lãnh đạo thế giới thể hiện quyết tâm cao để đạt được một thỏa thuận lịch sử đối phó biến đổi khí hậu. Tổng thống Ô-lăng-đơ cảm ơn các nước sát cánh cùng Pháp trong thảm kịch khủng bố vừa qua. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun nhấn mạnh thông điệp "Thành công tại COP-21 Pa-ri phụ thuộc vào các nhà lãnh đạo của các quốc gia trên thế giới. Người dân trên thế giới và các thế hệ sau này trông chờ vào tầm nhìn và lòng dũng cảm của các nhà lãnh đạo thế giới trong việc nắm lấy thời cơ lịch sử này".
Mục tiêu chính của COP-21 là thông qua một khuôn khổ pháp lý toàn cầu mới về chống biến đổi khí hậu cho giai đoạn sau năm 2020, gọi là Thỏa thuận Pa-ri năm 2015, với cam kết của các nước cắt giảm lượng khí thải nhằm hạn chế tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức dưới 2oC vào cuối thế kỷ XXI so thời kỳ tiền công nghiệp (1850 - 1990).
* Bên lề Hội nghị COP-21, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng Vương quốc Hà Lan M.Rút-tơ và Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) L.Tu-xcơ đã đồng chủ trì phiên Đối thoại cấp cao "Việt Nam chung tay cùng các đối tác quốc tế ứng phó những thách thức của biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long”. Tham dự Đối thoại có nhiều đại diện các nước, các tổ chức quốc tế, các bộ, ngành Việt Nam và lãnh đạo các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn Chính phủ Hà Lan, WB và nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế đã hỗ trợ nguồn lực quý báu cho Việt Nam và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ Việt Nam chú trọng triển khai các hoạt động thích ứng tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, gắn kết với quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng bền vững, lồng ghép hiệu quả vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bằng sông Cửu Long... Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh tích hợp quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu trong quy hoạch phát triển đô thị và sử dụng đất; phát triển hệ thống các khu dân cư vượt lũ; giảm dần sử dụng các nguyên liệu hóa thạch, giảm phát thải khí nhà kính..., đồng thời nâng cao năng lực dự báo và các hệ thống cảnh báo sớm, chủ động triển khai các giải pháp phòng, tránh thiên tai và ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức và sự tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp trong chủ động phòng tránh thiên tai và tăng cường hợp tác giữa các quốc gia trong khu vực và các đối tác liên quan, để khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên nước cho vùng đồng bằng sông Cửu Long... Phó Chủ tịch WB L.Tu-xcơ nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam đã chứng tỏ cho cộng đồng thế giới thấy rõ cam kết mạnh mẽ cũng như quyết tâm đề ra các biện pháp hiệu quả để ứng phó biến đổi khí hậu. Thủ tướng Hà Lan M.Rút-tơ đề nghị Việt Nam với vai trò là quốc gia đi đầu trong khu vực về ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường hành động mạnh mẽ hơn nữa.
* Nhân chuyến dự COP-21, đêm 29-11, tại thủ đô Pa-ri, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Pháp - Việt Giăng Pi-e Ác-song-bô. Thủ tướng khẳng định tình đoàn kết của Chính phủ và nhân dân Việt Nam với nhân dân Pháp trước những mất mát do các vụ khủng bố vừa qua tại Pa-ri; tin tưởng những kẻ khủng bố sẽ bị trừng trị thích đáng. Thủ tướng cảm ơn về sự gắn bó, tình đoàn kết và giúp đỡ quý báu của Hội Hữu nghị Pháp - Việt và cá nhân ông Giăng Pi-e Ác-song-bô đã dành cho Việt Nam; đánh giá cao các chương trình, dự án, hoạt động của Hội Hữu nghị Pháp - Việt thời gian qua, nhất là giúp Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, giải quyết các vấn đề phát triển bền vững, giảm nghèo, cũng như tổ chức các hoạt động thiết thực, ý nghĩa như: Hội thảo "Việt Nam ngày nay"; đồng tác giả "Lời kêu gọi tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và hòa bình ở Biển Đông"... Thủ tướng mong muốn, Tổng Thư ký và Hội Hữu nghị Pháp - Việt tiếp tục có những đóng góp tích cực thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, là cầu nối giúp bạn bè Pháp và quốc tế hiểu và yêu mến Việt Nam hơn.
Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Pháp - Việt cho rằng, sự hiện diện của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị COP-21 lần này sẽ góp phần tích cực vào những quyết sách và thành công chung của hội nghị. Tổng Thư ký Giăng Pi-e Ác-song-bô nhấn mạnh, tình đoàn kết giữa nhân dân hai nước là nền tảng vững chắc để vun đắp quan hệ hữu nghị và đẩy mạnh hợp tác song phương Pháp - Việt ngày càng thiết thực, vì lợi ích của nhân dân hai nước. Ông khẳng định, Hội Hữu nghị Pháp - Việt tiếp tục triển khai các chương trình, dự án ngày càng thiết thực hơn, nhất là giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam và các hoạt động nhân đạo khác ở Việt Nam, tiếp tục đóng góp tích cực thúc đẩy hợp tác giữa hai nước.
* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã gặp và nói chuyện thân mật với đại diện cộng đồng người Việt Nam và cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những hoạt động thiết thực hướng về quê hương, đất nước của kiều bào tại Pháp, cũng như đóng góp tích cực của cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam trong thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Pháp ngày càng thiết thực và hiệu quả. Thủ tướng mong muốn cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp luôn nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; thực hiện tốt việc hỗ trợ, công tác bảo hộ công dân; chủ động, sáng tạo trong công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận quan trọng, không thể tách rời của dân tộc Việt Nam; mong muốn kiều bào tại Pháp tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, giúp đỡ, đùm bọc lẫn nhau, chấp hành tốt luật pháp nước sở tại, duy trì, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và luôn hướng về cội nguồn quê hương đất nước; là cầu nối thúc đẩy quan hệ hai nước.
Theo Nhân Dân