Thứ Ba, 8/10/2024
Thời sự - Chính trị
Chủ Nhật, 29/3/2015 21:37'(GMT+7)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự lễ truy điệu ông Lý Quang Diệu

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại sân bay Changi của Singapore trưa 29/3 trước khi tới dự lễ truy điệu nguyên Thủ tướng Lý Quang Diệu. (Ảnh: Vietnam+)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại sân bay Changi của Singapore trưa 29/3 trước khi tới dự lễ truy điệu nguyên Thủ tướng Lý Quang Diệu. (Ảnh: Vietnam+)

Cùng tham dự lễ truy điệu và đưa tang có người đứng đầu nhà nước, chính phủ các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các nước đối thoại, thành viên Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS).

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự các hoạt động trong lễ truy điệu nguyên Thủ tướng Lý Quang Diệu, chia buồn với chính phủ, nhân dân và gia quyến nguyên Thủ tướng Lý Quang Diệu và ký sổ tang.

Nội dung Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi trong sổ tang tại lễ truy điệu viết: “Thay mặt Đảng Cộng sản, Nhà nước, Chính phủ, nhân dân Việt Nam và nhân danh cá nhân, tôi xin gửi đến đảng Nhân dân Hành động Singapore, Nhà nước, chính phủ, nhân dân Singapore và Ngài Lý Hiển Long cùng gia quyến lời chia buồn sâu sắc nhất. Ngài Lý Quang Diệu là một nhà lãnh đạo, một chiến lược gia kiệt xuất của Singapore và thế giới - là người bạn gần gũi của nhân dân Việt Nam. Tôi vô cùng trân trọng và lưu giữ những ký ức về những lần trao đổi ý kiến hết sức sâu sắc và bổ ích với Ngài Lý Quang Diệu. Tôi tin tưởng rằng di sản của Ngài sẽ mãi mãi được lưu truyền bởi các thế hệ người dân Singapore. Xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt Ngài Lý Quang Diệu.”

Sau Lễ truy điệu và đưa tang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có tiếp xúc ngắn với Tổng thống Singapore Tony Tan, nhiều nhà lãnh đạo ASEAN và các nước cùng dự buổi lễ.

Chiều tối cùng ngày, Thủ tướng và đoàn tùy tùng đã về Hà Nội./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

64% số người mắc bệnh đái tháo đường không biết mình bị bệnh

Ngày 28/3 tại Hà Nội, Hội Nội tiết, Đái tháo đường Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội thảo Quản lý Bệnh đái tháo đường dưới góc nhìn kinh tế-y tế. Phát biểu tại hội thảo, phó giáo sư-tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, hiện bệnh đái tháo đường chiếm 5,4% dân số ở người trưởng thành; 9,9% người từ 60 tuổi trở lên mắc bệnh đái tháo đường và có đến 64% số người mắc bệnh đái tháo đường chưa được phát hiện. Đây là con số đáng báo động đối với một quốc gia có 90 triệu dân như Việt Nam. Trong điều kiện nguồn lực cho y tế còn hạn chế, số bệnh nhân ngày càng gia tăng càng đỏi hòi ngành y tế phải thực hiện tốt công tác dự phòng và phát hiện sớm Phó giáo sư-tiến sỹ Lương Ngọc Khuê khẳng định, mạng lưới y tế cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc dự phòng và phát hiện sớm bệnh nhân đái tháo đường. Hiện cả nước có 645 bệnh viện huyện; 30.000 phòng khám tư nhân; 80 phòng khám bác sỹ gia đình; 10.500 trạm y tế. Các cơ sở này phải thực hiện tốt công tác chăm sóc và quản lý bệnh nhân đái tháo đường ở cộng đồng. Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn điều trị, quy trình thực hành chăm sóc, danh mục thuốc thiết yếu… đối với bệnh đái tháo đường. Điều quan trọng là các cán bộ y tế thực hiện như thế nào để đảm bảo hiệu quả điều trị và hiệu quả kinh tế cho người bệnh. Theo giáo sư-tiến sỹ Thái Hồng Quang, Chủ tịch Hội Nội tiết, Đái tháo đường Việt Nam, Việt Nam là một trong những quốc gia nằm trong khu vực có tỷ lệ tử vong do đái tháo đường tăng hơn mức tăng trung bình của toàn cầu. Nguyên nhân chủ yếu là do có đến 70% người dân không hiểu biết các yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường và cách phòng bệnh như ít vận động thể lực, hút thuốc lá, sử dụng chất cồn, thức ăn nhanh; béo phì gia tăng. Ngoài ra, khi mắc bệnh đái tháo đường người bệnh dễ mắc bệnh tim mạch gấp 2 đến 4 lần so với người không bị mắc. Người bệnh đái tháo đường cũng dễ mắc các biến chứng của bệnh võng mạc, loét bàn chân, béo phì, bệnh thần kinh, bệnh mạch vành…/.

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất