Thứ Ba, 24/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 17/4/2009 10:13'(GMT+7)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lên đường dự Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2009

Một góc Khu kinh tế Thâm Quyến

Một góc Khu kinh tế Thâm Quyến

Tham gia Đoàn chính thức do Thủ tướng dẫn đầu có: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Văn Thơ, Trợ lý Thủ tướng Nguyễn Văn Tùng, lãnh đạo các Bộ: Ngoại giao, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo các tỉnh: Kiên Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Cần Thơ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước…

Chia sẻ kinh nghiệm đối phó với khủng hoảng tài chính quốc tế

Diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang chịu tác động mạnh của khủng hoảng tài chính toàn cầu, Diễn đàn châu Á Bác Ngao lần thứ 8 này với chủ đề "Châu Á nỗ lực vượt qua khủng hoảng" tập trung trao đổi về việc đối phó với những thách thức của châu Á trước tác động của khủng hoảng tài chính-tiền tệ hiện nay, triển vọng, xu hướng vận động kinh tế-xã hội của khu vực và quốc tế; vai trò, vị trí của các nền kinh tế mới nổi; tìm kiếm sự cân bằng giữa sáng tạo mới, mở cửa, giám sát, quản lý trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ, triển vọng kinh tế thế giới năm 2009; đối phó với những biến động của thương mại, đầu tư, an ninh năng lượng, khoáng sản thế giới; chiến lược phát triển của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Hội nghị diễn ra trong 3 ngày (17-19/4/2009), với 19 phiên thảo luận về các chủ đề nêu trên. Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Ôn Gia Bảo sẽ có bài phát biểu tại phiên khai mạc.

Theo Ban tổ chức, ngoài Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã có Tổng thống Pakistan, Togo, Kazakhstan, Thủ tướng Việt Nam, Mông Cổ, Myanmar, Azerbaijan, New Zealand, Phần Lan, Anbani, Papua Guinea khẳng định tham dự Hội nghị.

Như Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã đưa tin, Việt Nam tham dự Diễn đàn với tư cách là thành viên sáng lập. Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm đã tham dự Hội nghị trù bị và Hội nghị thành lập Diễn đàn Bác Ngao năm 2001, dự Diễn đàn thường niên lần thứ nhất năm 2002. Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã dự Diễn đàn thường niên lần thứ ba.

Năm nay, lần đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Diễn đàn châu Á Bác Ngao nhằm củng cố và phát triển mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc theo thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước. Trao đổi về tình hình kinh tế thế giới và khu vực, đánh giá tác động của khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu hiện nay, qua đó tìm hiểu và chia sẻ kinh nghiệm đối phó và tăng cường hợp tác quốc tế cùng vượt qua khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu. Khẳng định Việt Nam tiếp tục đổi mới, hội nhập quốc tế và vận động các doanh nghiệp châu Á đầu tư vào Việt Nam.

Thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư với Quảng Đông, Hồng Công, Ma Cao

Quảng Đông, Hồng Công, Ma Cao là những địa phương có trình độ phát triển cao của Trung Quốc.

Quảng Đông với dân số hơn 94,4 triệu người là tỉnh đi đầu trong cải cách, mở cửa của Trung Quốc. 6 năm gần đây, kinh tế Quảng Đông phát triển nhanh và ổn định, GDP tăng từ 1.350,2 tỷ NDT năm 2002 lên 3.569,6 tỷ NDT năm 2008, bình quân mỗi năm tăng 14,5%. Năm 2008, GDP bình quân đầu người đạt 5.369 USD. Quảng Đông có 3/5 đặc khu kinh tế của Trung Quốc đều phát triển rất mạnh. Đó là các đặc khu kinh tế Thâm Quyến, Chu Hải, Sán Đầu.

Quan hệ hợp tác Việt Nam với Quảng Đông, trong những năm gần đây gia tăng rõ rệt. Tháng 9/2008, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông Uông Dương thăm Việt Nam. Một số địa phương của Việt Nam và Quảng Đông có quan hệ hợp tác như: Thành phố Hồ Chí Minh với Quảng Châu, Bình Phước với Giang Môn, Cần Thơ với Sán Đầu.

Hồng Công là khu hành chính đặc biệt của Trung Quốc với nền kinh tế có tính chất quốc tế hóa cao độ, được coi là khu vực kinh tế tự do nhất thế giới. Trong mấy chục năm qua, kinh tế Hồng Công phát triển nhanh chóng, là một trong 4 "con rồng châu Á" có sức cạnh tranh mạnh trên thế giới. Đây cũng là trung tâm hàng đầu về tài chính thương mại quốc tế (đứng thứ 8 trên thế giới về buôn bán, thứ 13 về dịch vụ xuất khẩu). Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của Hồng Công là 7,5%, GDP bình quân đầu người đạt 29.800 USD.

Hồng Công coi trọng thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại – đầu tư với Việt Nam. Khi Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới, Hồng Công đã đóng vai trò quan trọng trong quan hệ buôn bán, đầu tư của nước ngoài với Việt Nam. Trong những năm gần đây, hợp tác trao đổi thương mại giữa Việt Nam – Hồng Công phát triển mạnh, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tính đến hết năm 2008, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên đạt hơn 3,5 tỷ USD.

Cũng như Hồng Công, Ma Cao là khu hành chính đặc biệt của Trung Quốc, được hưởng quyền tự trị cao, được duy trì chế độ xã hội, chế độ kinh tế, lối sống hiện hành theo phương châm “một nước hai chế độ”. Ma Cao là vùng lãnh thổ phát triển năng động, nổi tiếng với lĩnh vực du lịch, giải trí. Năm 2008, lượng khách du lịch đến Ma Cao đạt mức kỷ lục vượt 30 triệu người, tăng 11% so với năm 2007. GDP bình quân đầu người khoảng 36.357 USD.

Quan hệ Việt Nam với Ma Cao những năm gần đây phát triển nhanh. Tháng 10/2006, Trưởng Đặc khu hành chính Ma Cao Hà Hậu Hoa lần đầu tiên thăm Việt Nam. Tháng 3/2007, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm thăm Ma Cao. Hiện nay, Ma Cao đầu tư vào Việt Nam 7 dự án với vốn đầu tư đăng ký 31 triệu USD, đứng thứ 49 trong số quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.

Chuyến thăm Quảng Đông và thăm chính thức Hồng Công, Ma Cao của Đoàn cấp cao Chính phủ Việt Nam do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu sẽ tạo động lực thúc đẩy hơn nữa quan hệ kinh tế thương mại và hợp tác đầu tư giữa Việt Nam với các địa phương này.

TG - Chinhphu.vn

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất