(TG) - Phát biểu tại phiên giải trình và trả lời chất vấn sáng 10/11 tại Quốc hội, nhấn mạnh những thành quả nổi bật về kinh tế - xã hội 5 năm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ nhiều vấn đề cần tiếp tục quan tâm giải quyết, nhất là về an sinh xã hội.
NỖ LỰC ĐẢM BẢO AN SINH XÃ HỘI
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, không chỉ riêng trong năm 2020 mà ngay từ lúc bắt đầu nhiệm kỳ, chúng ta đã đối diện với những thử thách lớn chưa từng thấy như đợt hạn hán kỷ lục trong gần 100 năm ở Vùng ĐBSCL, sự cố môi trường Formosa, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống ở Tây Bắc, bão lũ, ngập lụt ở Miền Trung. Tuy nhiên, bằng quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, chúng ta đã cùng nhau tạo ra hơn 1200 tỷ USD GDP trong gần 5 năm, trên một nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định.
Tạp chí The Economist tháng 8 năm 2020 đã xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng thế giới, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8% một năm giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất. Dưới tác động của đại dịch Covid-19, trong khi hầu hết các nền kinh tế rơi vào suy thoái, với việc chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt “mục tiêu kép”, Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương ở mức khá. Nhiều địa phương đã vươn lên trở thành những động lực kinh tế quan trọng, đóng góp vào tăng trưởng chung của cả nước, có địa phương đã đạt mức tăng trưởng GDP kỷ lục trong hàng thập niên, kể cả trong bối cảnh đại dịch Covid 19.
Thủ tướng cho biết, trong hơn 4 năm qua, Việt Nam đã tạo được hơn 8 triệu việc làm mới cho những người đến tuổi lao động và cả những người bị mất việc làm trước đó. Năng suất lao động của nền kinh tế thực sự đã được cải thiện rõ nét trong những năm qua với mức tăng 5,8% một năm, cao hơn nhiều so với mức 4,3% giai đoạn trước đây. Tính chung trong gần nhiệm kỳ qua, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gần 145%.
Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều đã giảm mạnh từ 9,8% năm 2015 xuống còn dưới 3% năm 2020. Thủ tướng khẳng định, chúng ta sẽ tiếp tục nỗ lực không ngừng để giảm nghèo bền vững cho 3% hộ dân còn lại; đặc biệt là người dân ở vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng lõi nghèo - ở nơi đó có những người trong độ tuổi lao động chỉ kiếm được thu nhập "dăm ba trăm nghìn đồng một tháng". Chính phủ sẽ chỉ đạo quyết liệt hơn nữa các cấp các ngành ưu tiên nguồn lực, bố trí đất đai, có cơ chế phù hợp để phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân và các thiết chế văn hóa ở khu công nghiệp như ý kiến Đại biểu Quốc hội đã nêu.
“Tôi cũng ghi nhận ý kiến của Đại biểu về mức lương quá thấp của gần 1 triệu người có nhiều đóng góp đã về hưu trước năm 1993. Thủ tướng giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính trình phương án đề xuất lên Thủ tướng và Chính phủ để xem xét, xử lý cụ thể đúng quy định và đảm bảo khả năng cân đối của NSNN” – Thủ tướng nói.
Thủ tướng đề cập, ngày nay, trẻ em Việt Nam được đến trường, được học hành, vui chơi. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy những mặt hạn chế của nền giáo dục nước nhà như nhiều ĐBQH đã nêu rất thẳng thắn tại nghị trường. “Chính phủ ý thức được nhu cầu cấp thiết cải cách mạnh mẽ và toàn diện nền giáo dục, từ cơ sở vật chất cho đến phương tiện giảng dạy, từ sách giáo khoa cho đến phương pháp sư phạm, từ cơ chế tự chủ cho đến cơ chế tiền lương, song trung tâm vẫn phải là người học và người thầy, tinh thần “tiên học lễ, hậu học văn”, "tôn sư trọng đạo" phải luôn được đề cao, tinh thần tự học, sáng tạo, học đi đôi với hành phải được khuyến khích, tư duy của nhà quản lý giáo dục cũng cần phải đi trước”.
MỞ RỘNG ĐỘ BAO PHỦ BẢO HIỂM Y TẾ TOÀN DÂN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề cập, một cuộc sống tốt hơn cho các gia đình Việt Nam đòi hỏi hệ thống chăm sóc sức khỏe có chất lượng, dễ dàng tiếp cận và chi phí hợp lý. Thành quả chống dịch Covid-19 đã cho thấy tính ưu việt của hệ thống y tế công lập nước ta, chúng ta đã kiểm soát được sự lây lan và giảm thiểu tác hại của Covid-19.
“Đến nay, sau nhiều nỗ lực, chúng ta đã bao phủ được mạng lưới BHYT toàn dân lên gần 91% so với 75% cách đây hơn 4 năm, BHXH cũng được mở rộng chiếm 30% lực lượng lao động, tăng gấp 1,3 lần so với năm 2015” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng, chắc chắn ngành y tế vẫn còn nhiều việc phải làm, nhiều hạn chế, bất cập; chúng ta cần kiểm soát tình trạng thương mại hóa quá mức, “tiền nào của nấy” về chất lượng điều trị, chăm sóc sức khỏe y tế cho nhân dân. Chính phủ sẽ nỗ lực tăng cường khả năng đáp ứng của hệ thống y tế dự phòng, đưa y tế đến gần người dân hơn ở khắp mọi miền đất nước nhưng với một chi phí thấp hơn, thúc đẩy hệ thống y tế từ xa.
“Như nhiều vị đại biểu Quốc hội đã có ý kiến, chúng ta sẽ từng bước mở rộng độ bao phủ của BHYT toàn dân, đồng thời mở rộng phạm vi thanh toán BHYT, nhất là đối tượng trẻ em, người già, người có hoàn cảnh khó khăn. Người già phải được chăm sóc y tế tốt hơn; trẻ em, đặc biệt là trẻ em từ 6 đến 11 tuổi, tiếp đến là trẻ em dưới 16 tuổi theo quy định của Luật Trẻ em sẽ cần được nhà nước chi trả BHYT hoàn toàn” - Thủ tướng nói.
Khẳng định, Chính phủ quyết tâm cải thiện tình trạng quá tải bệnh viện, chất lượng dịch vụ y tế gắn với cơ chế tiền lương, viện phí, Thủ tướng đề nghị ngành y tế phải có trách nhiệm đảm bảo tính minh bạch về viện phí hơn nữa, kiểm soát tốt hơn chi phí dược phẩm, phác đồ và thuốc chữa bệnh cũng như vật tư, thiết bị y tế. Chính phủ sẽ nỗ lực để không ai bị bỏ rơi do chi phí Vaccine cao vượt khả năng chi trả của người dân, hướng đến những người mắc các bệnh hiểm nghèo như ung thư, HIV/AID v.v… sẽ được chăm sóc y tế hợp lý hoặc được BHYT chi trả, trước mắt là bệnh nhi ung thư. “Mỗi trẻ em là tài nguyên quý giá của dân tộc, do đó chúng ta phải có trách nhiệm rất lớn đối với thế hệ tương lai của đất nước”.
Theo Thủ tướng, cùng với giáo dục và y tế, chúng ta cũng đang xây dựng mạng lưới an sinh xã hội rộng lớn. Chúng ta phải có trách nhiệm hơn nữa chăm lo cho những người có công với đất nước; người nghèo, người tàn tật, người già trước xu hướng già hóa dân số; bảo vệ phụ nữ và trẻ em, nhất là trẻ em gái trước vấn nạn xâm hại và tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. Chúng ta cần phải chung tay hành động một cách đầy trách nhiệm hơn nữa để phát triển trẻ thơ toàn diện, được an toàn, khỏe mạnh, được học tập và phát huy tối đa tiềm năng.
Thủ tướng bày tỏ, những con số thống kê, dù phong phú cũng không thể lột tả hết được những thành tựu kinh tế và những tiến bộ trong đời sống xã hội. Đó là cả một chặng đường đầy khó khăn, không phải chỉ cải cách một lần mà phải nhiều lần của các thế hệ đi trước trong nhiều giai đoạn. Điều quan trọng là chúng ta đã biết tận dụng tốt hơn các cơ hội, khơi dậy trong nhân dân niềm tin cũng như khát vọng về một Việt Nam độc lập, tự cường và thịnh vượng, sánh vai với cường quốc năm châu như mong muốn của Bác Hồ./.
PV