Cùng dự có các Phó Thủ tướng
Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà, Lê Thành Long; các Bộ trưởng,
Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện lãnh đạo
một số Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo một số Tập đoàn kinh tế, Tổng công
ty, Ngân hàng thương mại Nhà nước.
Lãnh đạo Chính phủ và các đại biểu đánh giá, 5 tháng của năm 2024 đã
đi qua, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, kinh
tế thế giới, nhất là các nền kinh tế lớn và có quan hệ kinh tế với Việt
Nam đang hồi phục, song chậm, còn không ít khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ
tới tình hình kinh tế Việt Nam; trong khi trong nước, nền kinh tế vẫn
có những vấn đề nội tại.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bám sát tình hình, chỉ đạo, điều hành
quyết liệt, sát sao. Do đó kinh tế vĩ mô Việt Nam tiếp tục ổn định, lạm
phát cơ bản được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; nợ công, nợ
chính phủ, nợ nước ngoài trong ngưỡng cho phép; nhiều định chế thế giới
lạc quan và dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 đạt khoảng trên
6%.
Các đại biểu cho rằng, thời gian tới kinh tế vĩ mô, lạm phát tiếp tục
chịu áp lực trước những diễn biến phức tạp, khó lường trên thế giới; sự
điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn có quan hệ kinh tế với
Việt Nam; cũng như những diễn biến trên thị trường tiền tệ, ngoại hối,
giá vàng, giá cả các mặt hàng trên thị trường trong nước… Do đó, cần có
giải pháp và có sự nỗ lực lớn của tất cả các cấp, các ngành để đạt mục
tiêu đã đề ra.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phân tích,
đánh giá thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức và cho rằng khó khăn,
thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, song quyết tâm thực hiện thắng
lợi các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ về phát
triển kinh tế - xã hội năm 2024, trong đó phấn đấu tăng trưởng đạt cận
trên, lạm phát ở cận dưới so với mục tiêu trưởng từ 6-6,5% và lạm phát
từ 4-4,5%; ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh
tế; kiểm soát bội chi, ngân sách, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài
theo Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng,
các Nghị quyết Trung ương đã đề ra.
Thủ tướng quán triệt tinh thần chủ động tấn công, phòng ngự từ sớm,
từ xa, từ nơi xuất phát, từ cơ sở; không cầu toàn, không nóng vội; không
điều hành nóng vội, giật cục mà phải linh hoạt, mềm mại, hiệu quả; "chỉ
bàn làm, không bàn lùi"; không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, song
cũng không bi quan, lo sợ; có biện pháp khả thi, phát huy tinh thần chủ
động, tích cực, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; linh hoạt trong chỉ
đạo, điều hành, phối hợp đồng bộ trong chính sách, tháo gỡ mọi khó
khăn, điểm nghẽn; tạo khí thế mới, niềm tin mới, động lực, thắng lợi
mới...
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục điều hành
chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp
đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có
trọng tâm, trọng điểm; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp
cận vốn tín dụng, với lãi suất giảm hợp lý; quyết liệt triển khai các
giải pháp ổn định giá cả thị trường để kiểm soát lạm phát, tăng nguồn
cung, chuẩn bị cung ứng dồi dào hàng hóa, không để xảy ra tình trạng
thiếu hàng và các dịch vụ phục vụ người dân; công khai, minh bạch, không
tăng giá các mặt hàng, dịch vụ bất hợp lý mà phấn đấu giảm giá, nhất là
đối với xăng, dầu, các hàng hóa thiết yếu, nhà ở và lương thực, thực
phẩm, học phí, sách giáo khoa, dịch vụ khám chữa bệnh, giá xi măng..;
giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá chỉ
đạo.
Các bộ, ngành tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống
là đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng
trưởng mới như liên kết vùng, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần
hoàn, đổi mới sáng tạo, các ngành, lĩnh vực mới như chip bán dẫn, trí
tuệ nhân tạo.
Trong đó, đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình
mục tiêu quốc gia, với việc tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của 5 Tổ công
tác của Thủ tướng và 26 Tổ công tác của thành viên Chính phủ; phân bổ
sớm 29,1 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công còn lại; thúc đẩy giải ngân gói
tín dụng 120 nghìn tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Cùng với đó, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các
công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia, các hạ tầng
xã hội, giải quyết dứt điểm vấn đề vật liệu san lấp thông thường.
Quang cảnh cuộc họp. (Ảnh: TTXVN)
Yêu cầu sớm thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, giải quyết các vướng mắc,
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, nhất là các quy
định liên quan đầu tư công, hợp tác công tư, luật về thuế… trên cơ sở đó
để đề xuất ban hành một văn bản luật để sửa nhiều luật; tăng thu, triệt
để tiết kiệm chi; tập trung cải cách hành chính, thực hiện miễn, giảm
thuế, phí, lệ phí, giảm chi phí tuân thủ, chi phí đầu vào cho doanh
nghiệp.
Chỉ đạo các nhiệm vụ cụ thể trong một số ngành, lĩnh vực, Thủ tướng
yêu cầu bảo đảm cung ứng đủ điện, với việc hoàn thành Đường dây 500kV
mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối trước 30/6/2024, huy động và điều phối các
nguồn điện phục nhu nhu cầu người dân, doanh nghiệp, khẩn trương trình
ban hành 3 Nghị định về: cơ chế mua bán điện trực tiếp, về điện mặt trời
mái nhà tự sản, tự tiêu và về cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng
khí thiên nhiên và khí LNG; khai thác, sản xuất, cung ứng đầy đủ xăng
dầu, khí đốt; tận dụng tối đa các hiệp định thương mại tự do, thúc đẩy
xuất khẩu nông sản, đồng thời nỗ lực sớm gỡ “thẻ vàng IUU”; đẩy mạnh thu
hút du lịch; xử lý các vấn đề tồn đọng kéo dài, nhất là các dự án như
Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2, hướng dẫn các địa phương gỡ các dự
án có kết luận của Thanh tra.
Thủ tướng cũng yêu cầu nỗ lực nâng hạng thị trường chứng khoán; chú
trọng các lĩnh vực an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; tích cực
triển khai cải cách tiền lương; làm tốt công tác khám chữa bệnh, bảo đảm
thuốc y tế; tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia; tăng cường
quốc phòng an ninh, ổn định chính trị; làm tốt công tác đối ngoại; tăng
cường thông tin truyền thông, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, với sự đồng lòng, chung sức, sự
vào cuộc chủ động, tích cực, quyết liệt của các cấp, các ngành, địa
phương, sẽ đạt mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm
phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024 như Nghị quyết, Kết luận của
Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
5 năm 2021-2025./.
TTXVN