Thứ Bảy, 19/4/2014 10:41'(GMT+7)
Nhân ngày sách Việt Nam 21/4:
Thư viện lưu động - truyền cảm hứng đọc cho giới trẻ vùng cao
Từ năm 2013, Lào Cai có thêm một loại hình thư viện mới, đó chính là thư viện lưu động. Đến nay, mô hình này đã đem lại cơ hội khám phá tri thức cho hơn 3.000 học sinh các cấp.
"Kể từ khi triển khai thí điểm mô hình "Thư viện lưu động", lượng độc giả thanh thiếu niên đến làm thẻ tại thư viện trung tâm đã tăng hơn 40%, số lượng sách luân chuyển tăng gấp đôi. Đây là thành công ngoài sức tưởng tượng của đội ngũ những người làm công tác thư viện chúng tôi". Ông Phạm Văn Hạnh - Giám đốc thư viện tỉnh Lào Cai hào hứng cho biết về hiệu quả của "Thư viện lưu động" đối với việc xây dựng văn hóa đọc cho thanh thiếu nhi trên địa bàn tỉnh Lào Cai trong hơn 1 năm qua.
Từ năm 2013, Lào Cai có thêm một loại hình thư viện mới, đó chính là thư viện lưu động. Thư viện lưu động được thiết kế trên một xe tải chuyên dụng, nhờ đó có thể đi vào những nơi chật hẹp, vùng xa xôi hẻo lánh mà người dân ít có điều kiện tiếp cận đầy đủ các loại hình sách báo. Mỗi chuyến xe lăn bánh lại mở ra nguồn tri thức mới cho nhiều học sinh, nhất là ở các xã miền núi, khó khăn. Bởi vậy, thư viện lưu động luôn nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đội ngũ giáo viên và học sinh. Em Vũ Thị Mai (học sinh lớp 4A, Trường tiểu học Bắc Cường) còn nhớ như in cảm giác thích thú khi lần đầu tiên nhìn thấy một chiếc xe chở đầy sách, truyện tới trường mình: "Cháu chưa bao giờ được chọn lựa và đọc thỏa thích như vậy".
Từ đầu năm 2013 đến nay, thư viện tỉnh Lào Cai đã tổ chức được 10 chuyến đi tới các xã vùng sâu, vùng xây dựng nông thôn mới của thành phố Lào Cai và một số trường tiểu học trung tâm thành phố, phục vụ bình quân 250 - 300 lượt học sinh/buổi. Đến nay, mô hình này đã đem lại cơ hội khám phá tri thức cho hơn 3.000 học sinh các cấp. Bên trong thư viện lưu động có từ 300 đến 500 đầu sách báo/lần, xếp theo chủ đề: Văn học, Nghệ thuật, Thiếu nhi, Lịch sử, Danh nhân, Nông nghiệp, Truyện tranh, báo Mực Tím – Hoa học trò – Nhi đồng…
Ngoài việc đọc sách các em còn được tham gia các hoạt động bổ trợ khác như: Giao lưu với các diễn giả trong các buổi nói chuyện chuyên đề, được hướng dẫn đọc sách theo chuyên đề và lứa tuổi, kể chuyện, hướng dẫn vẽ tranh, tham gia các trò chơi giáo dục... Qua đó, độc giả nhí có được những giờ phút thư giãn thật thoải mái sau những giờ học tập trên lớp, có cơ hội được khám phá, tìm hiểu về thế giới tri thức rộng lớn, được trải nghiệm những hoạt động vui chơi, lý thú và bổ ích. Theo đánh giá của nhiều giáo viên, mô hình đã bước đầu xây dựng văn hóa đọc sách cho học sinh và giúp các em hình thành phương pháp tìm kiếm thông tin, tra cứu tài liệu phục vụ học tập.
Với lịch phục vụ định kỳ tại địa phương, thư viện lưu động đang dần trở thành người bạn đồng hành, thân thiết với lứa tuổi thanh thiếu nhi, truyền cảm hứng cho giới trẻ thông qua việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc. "Cùng với sự hướng dẫn từ thầy cô giáo, những quyển sách trong thư viện lưu động sẽ được sử dụng hiệu quả hơn khi khơi gợi được trong các em niềm đam mê đọc sách, khám phá thế giới tri thức và để cho trí tưởng tượng của các em được bay cao, bay xa" - ông Phạm Văn Hạnh chia sẻ./.
Hương Thu/TTXVN