Một lần nữa, "Đêm Phương Đông" - chương trình thời trang "điểm nhấn"
của Festival Huế - lại khiến các khán giả tại sân Điện Thái Hòa (Đại
Nội, TP Huế) mê hoặc bởi sự huyền ảo, mà vẫn nêu bật sự phong phú và đa
dạng của bản sắc Á Đông.
Thay vì chín nước như hai lần trước, năm nay, Đêm Phương Đông có sự
góp mặt của 11 nước trong khu vực, gồm: Nhật Bản, Mông Cổ, Hàn Quốc,
Trung Quốc, Ấn Độ, Thái-lan, Malaysia, Lào, Cam-pu-chia, Myanmar, và chủ
nhà Việt Nam. 100 người mẫu, đến từ cả ba miền, đã góp phần giới thiệu
đến khán giả trong và ngoài nước vẻ đẹp châu Á đến tham dự.
Khai mạc Đêm Phương Đông năm nay là bộ sưu tập kimono của Nhật Bản.
Đây là lần đầu tiên Nhật Bản mang tới Festival Huế những bộ kimono "đúng
kiểu". Những năm trước, nước này chỉ tham dự chương trình với những bộ
yutaka - một loại kimono đơn giản, gọn và dễ mặc. Do đó, Đêm Phương Đông
2014 mở màn có phần hơi "chậm" so với giờ chính thức. Nhưng đến khi
những bộ trang phục truyền thống Nhật Bản được các người mẫu đưa lên sàn
catwalk, khán giả đã lập tức tán thưởng không ngớt.
Bộ kimono đầu tiên được đưa ra là trang phục kimono truyền thống của cô dâu Nhật Bản trong ngày cưới.
Đối với người Nhật Bản, đây là bộ trang phục cực kỳ quý giá, tượng trưng cho phẩm hạnh của người con gái trong ngày làm dâu.
Dù khởi đầu với bộ trang phục truyền thống rất dễ nhầm với lễ phục thời Mãn Thanh của Trung Quốc, nhưng trong các bộ còn lại, đoàn Mông Cổ lại khiến khán giả chú ý tới sự thoải mái, có phần hơi phóng túng, đậm chất thảo nguyên.
Hai bộ trang phục truyền thống của đoàn Mông Cổ.
Những mẫu thiết kế kích thích sự khát khao tự do.
Năm nay là năm đầu tiên Malaysia và Myanmar tham dự chương trình Đêm Phương Đông. Lần lượt các bộ baju kurum của Malaysia và longyi của Myanmar đã khéo léo đưa khán giả trở lại miền đồng bằng sau khi "ngao du" xứ thảo nguyên Mông Cổ.
Những bộ baju kurum của Malaysia với thiết kế truyền thống: Áo dài ngang hông hoặc đầu gối, bên trong là váy phủ đến tận gót chân.
Longyi truyền thống của Myanmar, với những gam màu trầm tôn màu da sáng.
Như mọi lần, đoàn Hàn Quốc năm nay đưa sang Việt Nam những bộ hanbok truyền thống, trang trí bằng nhiều họa tiết thêu tay khéo léo, cầu kỳ. Thêm vào đó là những bộ quan phục, lễ phục triều đình của vua chúa, quan lại.
Bộ hanbok của cô dâu và trang phục truyền thống của nhà vua Hàn Quốc.
Trên nền nhạc của các bài hát truyền thống rất đặc trưng, những bộ trang phục của đoàn Lào và Thái-lan cũng lần lượt được trình diễn. Đặc biệt, bộ sưu tập của Thái-lan năm nay được thiết kế và may dựa trên những mẫu trang phục hoàng gia tinh xảo, quý giá.
Siêu mẫu Hoàng Yến "chân đất" trong trang phục truyền thống của Lào.
Thái-lan với những mẫu thiết kế "đắt tiền".
Đêm Phương Đông 2014 kết thúc bằng các bộ sưu tập của ba đại diện của Việt Nam: Minh Hạnh, Võ Công Khanh và Hải Long - Thế Huy. Nếu như nhà thiết kế (NTK) Minh Hạnh vẫn trung thành với các họa tiết thêu tay trên nền lụa, phối hợp cùng nghệ thuật Pháp Lam cổ truyền của Huế, thì NTK Võ Công Khanh lại đem đến Đêm Phương Đông 2014 một bộ sưu tập với những hình ảnh rồng phượng quý phái.
Siêu mẫu Lan Khuê trong một thiết kế của NTK Võ Công Khanh.
Hoa hậu Ngọc Hân với mẫu áo dài truyền thống của NTK Minh Hạnh.
Những đường nét hiện đại được kết hợp khá lạ mắt trong bộ sưu tập của hai NTK Hải Long - Thế Huy.
LINH PHAN/NhanDan