Kết quả xét nghiệm đàn lợn rừng nuôi nhốt tại khu du lịch nước khoáng Thanh Tân, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi.
Ngày 23/3, ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết kết quả xét nghiệm đàn lợn rừng nuôi nhốt tại khu du lịch nước khoáng Thanh Tân (Công ty Cổ phần Alba Thanh Tân), xã Phong Sơn, huyện Phong Điền cho kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi.
Như vậy, đây là điểm chăn nuôi thứ hai được phát hiện mắc bệnh dịch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Trước đó, tại cơ sở chăn nuôi này có 9/47 con lợn rừng bị mắc bệnh, trong đó có 2 con chết. Chi cục đã tiến hành lấy mẫu gửi đi xét nghiệm và phát hiện các mẫu này đều dương tính với virus dịch tả lợn châu Phi.
Tỉnh Thừa Thiên-Huế xác định các xã giáp ranh huyện Phong Điền như Quảng Thái, Quảng Lợi có nguy cơ xảy ra dịch bệnh nên đã tăng cường các biện pháp giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi, kinh doanh thông qua kiểm soát các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm từ lợn không rõ nguồn gốc.
Hiện nay, hầu hết các điểm chăn nuôi tập trung, gia trại, các điểm giết mổ, kinh doanh, đường làng, ngõ xóm... đều được các lực lượng tổ chức tiêu độc, khử trùng, phát quang, dọn dẹp vệ sinh môi trường.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Phan Ngọc Thọ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế, các cấp, ngành liên quan tiếp tục khẩn trương triển khai các giải pháp khống chế và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi lan rộng trên địa bàn.
Đối với địa phương có bệnh dịch, phải tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn ra khỏi địa bàn có dịch bệnh, đặc biệt nghiêm cấm việc vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn ra vào vùng dịch theo đúng quy định.
Tỉnh cũng thành lập thêm 2 chốt kiểm dịch, nâng tổng số chốt kiểm dịch lên 9 chốt, kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ đối với lợn và sản phẩm từ lợn ra vào địa bàn có dịch; bố trí lực lượng thú y, công an và các lực lượng liên quan tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn.
Các địa phương trong vùng có dịch tổ chức thông tin, tuyên truyền liên tục để người chăn nuôi và cộng đồng hiểu rõ mức độ nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi, các biện pháp xử lý đối với động vật nghi mắc bệnh, chết và tiêu hủy.
Bên cạnh công tác tiêu độc khử trùng, các địa phương còn phát tờ rơi, tuyên truyền, vận động người chăn nuôi cam kết thực hiện "5 không": không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt./.
Quốc Việt (TTXVN/Vietnam+)