Thứ Bảy, 28/9/2024
Văn hóa
Thứ Tư, 30/12/2015 16:46'(GMT+7)

Thừa Thiên Huế: Xây dựng và phát triển văn hóa con người

Đặc biệt, Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, Nhã nhạc Cung đình Việt Nam - Âm nhạc triều Nguyễn được công nhận là Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Thừa Thiên Huế còn là nơi có cảnh quan thiên nhiên độc đáo, có hệ sinh thái, nguồn tài nguyên biển, đầm phá đa dạng... Những yếu tố trên đã góp phần tạo nên nền tảng tinh thần vững chắc trong đời sống xã hội, là tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, dịch vụ, là cơ sở để thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển đồng bộ và bền vững.

Qua tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trên địa bàn Thừa Thiên Huế đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tiến bộ trên nhiều mặt, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Truyền thống và bản sắc văn hóa Thừa Thiên Huế qua đó được tiếp thêm nguồn lực mới, phát triển mạnh mẽ.

Xuất phát từ những yêu cầu cấp thiết về lý luận và thực tiễn, được tổng kết công phu, khoa học, kế thừa Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), ngày 09/6/2014, Hội nghị lần thứ chín BCH TW Đảng (khoá XI) thống nhất ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đây là một Nghị quyết về văn hóa thể hiện tầm vóc, trí tuệ, bản lĩnh của Đảng trong hội nhập và phát triển với những vấn đề rất mới, phù hợp với điều kiện hiện nay của nước ta.

Trên tinh thần đó, ngày 14/4/2015, Hội nghị lần thứ mười chín BCH Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế (khóa XIV) đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TU về xây dựng, phát triển con người và văn hóa Thừa Thiên Huế đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, nhằm cụ thể hóa những nội dung cơ bản Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị vào điều kiện Thừa Thiên Huế.

Nghị quyết đã đề ra mục tiêu tổng quát là: "Xây dựng nền văn hóa và con người Thừa Thiên Huế phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học; phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người, phù hợp với chính trị, văn hóa, môi trường của tỉnh. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, tạo nền tảng vững chắc để xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành tỉnh vững về chính trị, mạnh về kinh tế, đẹp về lối sống văn hóa, tiếp tục xây dựng và giữ vững thành phố Huế là "thành phố văn hóa ASEAN", "thành phố môi trường bền vững của ASEAN"; góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Nghị quyết cũng đã xác định 6 nhiệm vụ trong tâm: xây dựng con người Thừa Thiên Huế phát triển toàn diện, Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế, Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động văn hóa, Xây dựng và hoàn thiện thị trường văn hóa, Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa.

Mục tiêu và quan điểm về xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế với Xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa là điểm rất mới trong Nghị quyết lần này. Điều này thể hiện, tư duy về văn hóa đã có thay đổi, đặt văn hóa ngang hàng với chính trị và kinh tế, trong đó, ưu tiên hoàn thiện thị trường văn hóa. Trong bối cảnh mới, toàn cầu hóa và cuộc cách mạng khoa học - công nghệ diễn ra ngày càng mạnh mẽ, giao lưu văn hóa và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân không ngừng được nâng cao. Thực tế này đòi hỏi văn hóa phải có những đổi mới phù hợp, trong đó bản sắc văn hóa đặt ra với vai trò vừa là lực hút, vừa là lực đẩy cho sự phát triển. Đối với thị trường văn hóa, Thừa Thiên Huế cần quan tâm, xem xét toàn diện thực trạng, khả năng, cả những giải pháp khả thi để triển khai một cách bài bản, hiệu quả, qua đó nhằm khẳng định sức mạnh, vị thế của văn hóa không chỉ là lĩnh vực gián tiếp, "ăn theo" trong phát triển kinh tế mà trực tiếp đóng vai trò, động lực thúc đẩy sự phát triển của tỉnh nhà trong những năm tới.  

Triển khai Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 23 của tỉnh là một quá trình. Trong rất nhiều luận điểm mới, cách nhìn mới về văn hóa, trên cơ sở kế thừa những nội dung của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), nghị quyết tiếp tục khẳng định mục tiêu trọng tâm là hoàn thiện các chuẩn mực văn hóa và xây dựng con người. Đặc biệt là tập trung đẩy mạnh công tác quy hoạch, trùng tu bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc các di tích văn hoá, di tích lịch sử - cách mạng, tiêu biểu như: Ngọ Môn, Thế Miếu, Duyệt Thị Đường… Hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, di tích lịch sử về các bậc tiền bối cách mạng, danh nhân, chí sĩ yêu nước… tiếp tục tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị. Các công trình tượng đài lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa (đền thờ vua Trần Nhân Tông, tượng đài Quang Trung - Nguyễn Huệ, khu văn hóa Huyền Trân, tượng đài Phan Bội Châu...); các đền chùa, đền thờ, lăng miếu, phủ đệ, phố cổ, nhà cổ, làng cổ, nhà vườn Huế, công viên, bảo tàng được tu bổ, tôn tạo và đưa vào sử dụng, tạo nên nhiều địa chỉ văn hóa, điểm tham quan mới. Các loại hình văn hoá phi vật thể, nhất là Nhã nhạc Cung đình, nghệ thuật dân gian, lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa Huế; các loại hình ca Huế, ca kịch Huế, hò Huế và các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ được sưu tầm, khôi phục phát triển. Văn hoá ẩm thực Huế, kiến trúc Huế, y phục cổ truyền Huế và nhiều làng nghề truyền thống được bảo tồn, khôi phục và phát triển, tạo bản sắc văn hóa độc đáo của riêng Huế. 

Để nghị quyết 33-NQ/TW đi vào cuộc sống một cách thiết thực, hiệu quả, Thừa Thiên Huế cần phát huy giá trị văn hóa Huế theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh, bảo tồn các giá trị vốn có của môi trường, cảnh quan thiên nhiên theo định hướng “đô thị sinh thái, văn hóa, cảnh quan, thân thiên với môi trường”, được cộng đồng trong nước và quốc tế ghi nhận là “Thành phố văn hóa của ASEAN”, “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN”.

Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 23-NQ/TU của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế với nhiều điểm mới đã một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của văn hóa trong xây dựng và phát triển quê hương, đất nước. Trọng tâm là hoàn thiện các chuẩn mực văn hóa, con người Việt Nam nói chung và con người Thừa Thiên Huế nói riêng, trong đó chú trọng chăm lo xây dựng con người Thừa Thiên Huế phát triển toàn diện, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách; đạo đức, lối sống, cốt cách con người xứ Huế, văn hoá Huế và nền nếp gia phong, nét đẹp văn hoá làng quê của Huế vẫn giữ nguyên bản chất tốt đẹp, trở thành sức đề kháng hữu hiệu trước những tác động tiêu cực của văn hoá ngoại lai và “văn hoá” đi ngược văn hoá truyền thống dân tộc. Đây là các giá trị mới phù hợp thời đại, nhằm hình thành các giá trị chuẩn mực văn hóa mới.

Nghị quyết 23-NQ/TU về Xây dựng, phát triển con người và văn hóa Thừa Thiên Huế đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đã xác định vai trò, vị trí của mình, Thừa Thiên Huế sẽ nỗ lực phấn đấu là một trong những trung tâm văn hóa quan trọng của đất nước, tiếp tục khẳng định truyền thống của một vùng đất văn hoá, phát huy những thành quả đã đạt được qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) của Đảng nhằm xứng đáng là trung tâm văn hoá du lịch, y tế chuyên sâu, khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của khu vực miền Trung và cả nước./.

Châu Thu Hà

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất