Thứ Bảy, 21/9/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Hai, 12/7/2010 6:39'(GMT+7)

Thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Niu Di-lân

Thủ tướng Niu Di-lân Giôn Phi-líp Ki

Thủ tướng Niu Di-lân Giôn Phi-líp Ki

Cùng đi có: Ðại sứ Niu Di-lân tại Việt Nam, bà Hi-thơ Rít-đồ; Phó Chánh Văn phòng Thủ tướng Phi-líp Rô-bớt A-lếch-xan-đơ đờ Giông; Vụ trưởng châu Á. Bộ Ngoại giao - Thương mại Gi-ô-phrây Ken-ôn Uất; Trung tá Không quân Hoàng gia Ti-mo-thi Uy-liêm Oan-xơ; Cố vấn Chính sách Ðối ngoại, Văn phòng Thủ tướng An-thô-ni Giôn Lin.

Thủ tướng Giôn Phi-líp Ki sinh ngày 9-8-1961, tại Ốc-cơ-len; tốt nghiệp Ðại học Can-tơ-bu-ri ngành truyền thông năm 1982, tham gia khóa học về nghiên cứu quản lý tại Trường Ha-vớt (Mỹ) năm 2000. Từ tháng 11-2008 là Thủ tướng Niu Di-lân kiêm Bộ trưởng phụ trách Dịch vụ, Du lịch, An ninh tình báo và Chủ nhiệm Văn phòng An ninh truyền thông Chính phủ. Từ tháng 11-2006 đến tháng 11-2008, là thủ lĩnh Ðảng Dân tộc. Ông là Nghị sĩ Quốc hội thuộc Ðảng Dân tộc; Người phát ngôn về tài chính của Ðảng Dân tộc từ năm 2002 đến 2006; từng làm việc trong lĩnh vực đầu tư ngân hàng tại nhiều nước (Xin-ga-po, Anh, Ô-xtrây-li-a) trong thời gian những năm 80 và 90 thế kỷ 20.

Mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Niu Di-lân đang phát triển tốt đẹp lại được tiếp thêm động lực bằng chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Giôn Ki (John Key) và phu nhân tới Việt Nam từ ngày 10 đến 12-7-2010 theo lời mời của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng này diễn ra đúng dịp hai nước đang kỷ niệm 35 năm quan hệ ngoại giao và hai bên cùng mong muốn thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện.

Nằm ở Tây Nam Thái Bình Dương, quốc đảo Niu Di-lân với khoảng 4,3 triệu dân hiện là quốc gia có nền kinh tế công, nông nghiệp phát triển. Thu nhập bình quân đầu người đạt 27.300 USD (năm 2009). Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Niu Di-lân được thiết lập từ ngày 19-6-1975, nhưng từ giữa thập niên 1990 mối quan hệ này mới được quan tâm thúc đẩy và nhanh chóng phát triển vượt bậc về mọi mặt trong những năm gần đây. Niu Di-lân đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong khu vực, đặc biệt trong ASEAN, ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO, ủng hộ Việt Nam trở thành thành viên không thường trực của HĐBA LHQ, công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ (tháng 2-2009). Tháng 5-2005, Thủ tướng hai nước đã ký "Tuyên bố về hợp tác giữa Việt Nam và Niu Di-lân", khẳng định quyết tâm trong thập kỷ tới sẽ đẩy mạnh hợp tác để thiết lập quan hệ đối tác toàn diện, lâu dài và ổn định giữa hai nước. Chuyến thăm tháng 9-2007 của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tới Niu Di-lân đã tạo bước phát triển mới trong quan hệ hai nước. Tháng 9-2009, quan hệ giữa hai nước được nâng tầm lên thành quan hệ đối tác toàn diện nhân chuyến thăm của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh tới Niu Di-lân.

Niu Di-lân hiện là đối tác thương mại lớn thứ 33 của Việt Nam và Việt Nam đứng thứ 31 trong các đối tác lớn của nước này. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng từ 187,8 triệu USD năm 2001 lên 314 triệu USD năm 2008, nhưng năm 2009 bị sụt giảm do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính-kinh tế toàn cầu. Niu Di-lân là một trong số nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam với 18 dự án còn hiệu lực (số vốn đạt gần 73 triệu USD), đứng khiêm tốn ở vị trí thứ 37 trong danh sách 86 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Chính phủ Niu Di-lân cũng ưu ái dành cho Việt Nam những khoản viện trợ phát triển chính thức (ODA) không hoàn lại từ năm 1995 và tăng dần theo từng năm. Ngoài viện trợ song phương, hằng năm Niu Di-lân còn viện trợ cho Việt Nam qua các cơ chế đa phương và viện trợ nhân đạo. Quy mô viện trợ ODA của Niu Di-lân tuy nhỏ nhưng có hiệu quả. Nguồn vốn ODA này chủ yếu tập trung vào việc hỗ trợ sự phát triển bền vững thông qua việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân các vùng nông thôn, nâng cao chất lượng giáo dục và tăng cường năng lực cho cán bộ Việt Nam...

Niu Di-lân là một trong những điểm đến thuận lợi để học sinh, sinh viên Việt Nam học tập, nghiên cứu. Từ giữa năm 2004, hai bên đã ký kết thỏa thuận khung hợp tác nhằm đẩy mạnh hợp tác về giáo dục-đào tạo. Một số trường đại học hàng đầu của hai nước đang có quan hệ hợp tác và liên kết đào tạo trực tiếp. Trong lĩnh vực hợp tác quốc phòng, Niu Di-lân tích cực hỗ trợ Việt Nam đào tạo chỉ huy tham mưu cho sĩ quan và cấp học bổng cho các học viên quân sự Việt Nam theo học một số ngành, nhất là về kỹ thuật quân sự.

Việt Nam và Niu Di-lân đang tiếp tục thực hiện một số cơ chế hợp tác: Tham khảo chính trị cấp thứ trưởng Ngoại giao (từ năm 1996), Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế-thương mại (lập năm 2005), Tham vấn quốc phòng cấp Cục trưởng (từ năm 2007), Tư vấn về hợp tác phát triển (từ năm 1997). Ngoài ra, hai bên đã ký nhiều hiệp định và thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau làm cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác song phương.

Mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Niu Di-lân là nhu cầu tự nhiên của hai dân tộc, đặc biệt trong điều kiện hai bên cùng coi trọng giúp đỡ lẫn nhau hợp tác phát triển. Vì vậy, trong những năm gần đây quan hệ giữa hai quốc gia-dân tộc không ngừng phát triển, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước. Chào đón Thủ tướng Giôn Ki và phu nhân thăm chính thức Việt Nam, chúng ta tin tưởng chuyến thăm sẽ thành công tốt đẹp, tạo đà để quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Niu Di-lân phát triển hơn nữa./.

(TG - Theo: ND, QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất