(TG) - Trong hơn 10 năm qua, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đã tăng hơn 4 lần. Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, Việt
Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại ASEAN. Đầu tư của
Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng hơn 7 lần, trở thành nhà đầu tư nước
ngoài lớn thứ 6/148 của Việt Nam. Trong năm 2023, Trung Quốc đã vươn lên
trở thành đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới ở Việt Nam.
Kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt gần 172 tỷ USD. Trong 9
tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc và Việt Nam đạt
190,9 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, Thủ tướng
Phạm Minh Chính cho rằng, những kết quả nêu trên chưa tương xứng với quan hệ tốt đẹp, cơ hội
và tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn.
Các đại biểu tham dự Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc, tổ chức sáng 8/11 tại thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc).
Trước đó, ngày 13/10/2024, trong khuôn
khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 12 - 14/10 của Thủ tướng
Quốc vụ viện Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã
trao hai văn kiện hợp tác với Bộ Trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương
Văn Đào trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và
Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường.
Các văn kiện hợp tác bao gồm: Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng nông sản bền vững giữa Bộ Công Thương và Bộ Thương mại Trung Quốc; Bản ghi nhớ về việc thành lập Nhóm công tác nghiên cứu các mô hình xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc giữa Bộ Công Thương và Bộ Thương mại Trung Quốc.
Việc ký kết Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng nông sản bền vững nhằm mục tiêu xây dựng môi trường ổn định, công bằng cho hợp tác kinh tế, thương mại và thương mại nông sản - thực phẩm, cùng đảm bảo chuỗi cung ứng nông sản - thực phẩm thông suốt, ổn định và an toàn giữa hai nước, trong khu vực và trên toàn cầu; thúc đẩy hình thành chuỗi liên kết cung ứng nông sản - thực phẩm; nâng cao mức độ thuận lợi hóa thương mại nông sản - thực phẩm và các hoạt động hợp tác xúc tiến thương mại liên quan.
Đối với Bản ghi nhớ về việc thành lập Nhóm công tác nghiên cứu các mô hình xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc, đây sẽ là cơ sở để hai Bên tích cực cùng nghiên cứu các mô hình xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới trên cơ sở phù hợp với tình hình thực tế của mỗi bên. Thực hiện theo nội dung Lãnh đạo cấp cao hai bên đã đạt được sự đồng thuận tại Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc nhân chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tháng 8 vừa qua; trong đó, có nêu hai bên tích cực nghiên cứu triển khai xây dựng thí điểm Khu hợp tác kinh tế qua biên giới.
Việc ký kết hai văn kiện hợp tác nêu trên với Bộ Thương mại Trung Quốc cũng là cơ sở để Bộ Công Thương tiếp tục duy trì và thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đặc biệt là xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Đồng thời, đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, lựa chọn mô hình hợp tác phù hợp để xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc../.
MINH THẾ