Thứ Tư, 27/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Sáu, 13/6/2014 19:2'(GMT+7)

Thúc đẩy hợp tác Việt Nam-Hà Lan đi vào chiều sâu, hiệu quả

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tháng 3/2014, tại La Haye, Hà Lan. (Ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tháng 3/2014, tại La Haye, Hà Lan. (Ảnh: TTXVN)

Vương quốc Hà Lan nằm ở Tây Âu. Với diện tích rộng 41.543 km2, Hà Lan có tới 26% tương đương 7.700 km2 thấp dưới mực nước biển. Là một nước nhỏ, người đông và không có nhiều tài nguyên thiên nhiên, Hà Lan chỉ có khí đốt (trữ lượng khoảng 2.680 tỷ m3), một khối lượng không lớn dầu lửa ở biển Bắc (sản lượng đáp ứng khoảng 20% nhu cầu hiện nay), nhưng biết sử dụng thế mạnh của mình là một quốc gia ven biển, cửa khẩu của 3 con sông lớn ở Tây Âu và giữa các cường quốc kinh tế Anh, Pháp, Đức, để phát triển các ngành dịch vụ hàng hải, cảng, vận tải sông, công nghiệp chế biến, hóa dầu…

Hà Lan cũng đã tận dụng đất đai mầu mỡ để phát triển nông nghiệp và ngành công nghiệp thực phẩm. Hiện Hà Lan là nền kinh tế lớn thứ 16 thế giới và thứ 6 trong Liên minh châu Âu (EU) tính theo giá trị GDP và đứng thứ 10 thế giới về thu nhập bình quân đầu người.

Trọng tâm chính sách đối ngoại hiện nay của Chính phủ Hà Lan là đảm bảo an ninh, sự thịnh vượng cho Hà Lan và người dân Hà Lan, ổn định và an ninh quốc tế, chuyển hướng trong chính sách hợp tác phát triển từ các mục tiêu xã hội sang các mục tiêu kinh tế.

Trong thời gian gần đây, Hà Lan đang chuyển dần sự chú ý sang châu Á, coi châu Á là đòn bẩy kinh tế của Hà Lan và ngày càng có vai trò quan trọng hơn đối với Hà Lan, tập trung vào lĩnh vực Hà Lan có thế mạnh và kinh nghiệm hàng đầu trên thế giới như: Nông nghiệp, năng lượng, cảng biển và dịch vụ hậu cần.

Việt Nam và Hà Lan thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 9/4/1973. Thời gian qua, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực và ngày càng đi vào chiều sâu, được cụ thể hóa bằng việc hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược trong lĩnh vực thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước (tháng 10/2010).

Về chính trị, hai bên thường xuyên trao đổi các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao. Hai nước cũng hợp tác tích cực trên các diễn đàn quốc tế và khu vực, đặc biệt là trong khuôn khổ Liên hợp quốc, ASEAN-EU, ASEM.

Quan hệ thương mại Việt Nam-Hà Lan không ngừng phát triển, kim ngạch thương mại khá lớn và tăng đều hàng năm, trong đó Việt Nam luôn xuất siêu. Từ năm 2002, xuất khẩu sang Hà Lan bắt đầu có chiều hướng tăng mạnh, trung bình khoảng 15%/năm. Năm 2013 vừa qua, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 3,615 tỷ USD.

Hà Lan hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại châu Âu sau Đức và Anh. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Hà Lan là giày dép các loại, may mặc, hạt điều, hạt tiêu, càphê, hải sản, hàng rau quả, đồ gỗ và các sản phẩm gỗ chế biến. Các mặt hàng nhập khẩu chính từ Hà Lan là sữa và các sản phẩm sữa, tân dược và nguyên phụ liệu dược phẩm, sắt thép các loại, chất dẻo nguyên liệu, thức ăn gia súc, nguyên liệu, hóa chất, chất dẻo các loại.

Trong nhiều năm gần đây, Hà Lan luôn là một trong những nhà đầu tư châu Âu lớn nhất của Việt Nam. Tính đến hết năm 2013, Hà Lan xếp thứ 11 trong số 96 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam với 6,29 tỷ USD và 192 dự án. Một số dự án đầu tư trọng điểm của Hà Lan tại Việt Nam là: Nhà máy Điện Mông Dương, Nhà máy Điện Phú Mỹ, Công ty Pepsico Việt Nam, Công ty chế biến và kinh doanh nông sản Metro-Cash Carry. Các dự án đầu tư chủ yếu thực hiện tại các tỉnh phía Nam như: Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương…

Ngoài một số dự án đầu tư lớn nêu trên, các dự án đầu tư của Hà Lan nhìn chung có quy mô vừa và nhỏ. Nhiều dự án đầu tư hoạt động rất có hiệu quả, với các công ty lớn nổi tiếng như Heineken, Unilever (chất tẩy rửa, hóa mỹ phẩm, kem Wall), Royal Dutch Shell (dầu khí - cả khai thác và phân phối), Foremost (sữa), Akzo Nobel Coating (hoá dược), Philips (điện tử)...

Ngay sau khi lập quan hệ ngoại giao năm 1973, Hà Lan bắt đầu viện trợ ODA không hoàn lại cho Việt Nam, chủ yếu trong các lĩnh vực nhân đạo, giáo dục-đào tạo, y tế. Trước tháng 9/1999, viện trợ của Hà Lan chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như: Bảo tồn rừng và đa dạng sinh học, y tế, giáo dục đại học, môi trường.

Trước năm 2009, Việt Nam luôn nằm trong danh sách các nước ưu tiên tiếp nhận tài trợ của Hà Lan. Ngân sách tài trợ cho Việt Nam tăng đều qua các năm. Trong giai đoạn 2000-2005, cam kết tài trợ không hoàn lại bình quân khoảng 25-27 triệu euro/năm và giai đoạn 2006-2008 là 36 triệu euro/năm.

Kể từ năm 2011 đến nay, cam kết của Hà Lan dành cho Việt Nam có giảm nhẹ, trung bình khoảng 30 triệu euro/năm, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên: bảo tồn rừng và đa dạng sinh học, y tế, quản lý nguồn nước và các vấn đề có tính liên ngành như xóa đói giảm nghèo, giới và phát triển, quản lý nhà nước…

Hiện Hà Lan đã xếp Việt Nam vào nhóm nước có thu nhập trung bình, tuy không còn nằm trong nhóm 30 nước ưu tiên nhận viện trợ của Hà Lan nhưng vẫn trong nhóm 3 nước "quá độ" sang quan hệ đối tác bình đẳng (Colombia, Việt Nam và Nam Phi).

Tuy Hà Lan vẫn tiếp tục dành ODA cho Việt Nam nhưng sẽ giảm dần và tập trung vào một số lĩnh vực rất chọn lọc như: Đối tác công-tư (chỉ làm các dự án nhỏ), an toàn thực phẩm, y tế và quản lý nước. Để chuyển dần sang quan hệ Đối tác, Hà Lan triển khai một số chương trình như: ORIO, NICHE, Đối tác công-tư…

Hà Lan coi Việt Nam là một trong những nước (cùng với Bangladesh, Nepal, Ai Cập, Surinam, Bahamas) bị tác động mạnh nhất của biến đổi khí hậu, do đó đặc biệt quan tâm thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và quản lý nước.

Tháng 8/2002, Hà Lan quyết định đưa Việt Nam vào danh sách được hưởng quy chế đặc biệt trong hợp tác về đào tạo đại học. Nhiều đại học, viện nghiên cứu Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác đào tạo, nghiên cứu với các đối tác Hà Lan.

Chuyến thăm của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tới Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước đi vào chiều sâu, hiệu quả trong các lĩnh vực Hà Lan có thế mạnh như: Biến đổi khí hậu và quản lý nước; nông nghiệp; kinh tế biển; dầu khí; năng lượng và dịch vụ hậu cần; triển khai Thỏa thuận Đối tác chiến lược về thích ứng với biển đổi khí hậu và quản lý nước; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai nước trao đổi thông tin về môi trường đầu tư, kinh doanh, xây dựng quan hệ đối tác và trao đổi một số vấn đề quốc tế hai bên cùng quan tâm./.

(TTXVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất