Nhiều khó khăn trong triển khai Luật
Một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật BHYT năm 2014 là quy định toàn dân “bắt buộc” tham gia BHYT, thay vì chỉ có trách nhiệm tham gia và khuyến khích việc tham gia theo hộ gia đình. Cùng với đó là những thay đổi về cơ chế tài chính, mở rộng quyền lợi hưởng BHYT của người tham gia, như: Người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, thân nhân của người có công với cách mạng…, không phải đồng chi trả khi khám, chữa bệnh (KCB); người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn sáu tháng lương cơ sở cũng được Quỹ BHYT thanh toán 100%. Luật mới cũng quy định mở thông tuyến khám, chữa bệnh BHYT, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người tham gia BHYT trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế; bổ sung quy định Quỹ BHYT thanh toán trong các trường hợp tai nạn giao thông, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp...
Có thể thấy, các điểm mới này đều hướng tới mục tiêu chung là tăng diện bao phủ, tiến tới thực hiện BHYT toàn dân. Tuy nhiên, trên thực tế việc triển khai Luật BHYT tại các địa phương cũng gặp không ít khó khăn, nhất là trong vấn đề mở rộng đối tượng tham gia. Năm 2015, Chính phủ giao chỉ tiêu thực hiện tỷ lệ bao phủ BHYT cho UBND các tỉnh, thành phố là 75,4%, nhưng thực tế đã sang quý IV-2015, vẫn còn đến gần 20 địa phương có tỷ lệ bao phủ BHYT chỉ từ 60% đến dưới 70% và có tới bốn tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ bao phủ BHYT dưới 60% dân số, là: Bạc Liêu, Hậu Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp. Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, nguyên nhân của tình trạng này là do: Tình trạng doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng BHXH cho người lao động diễn ra khá phổ biến, theo thống kê còn hơn 40% số doanh nghiệp còn nợ đóng, trốn đóng BHYT. Nhóm đối tượng học sinh, sinh viên mặc dù được tạo điều kiện thuận lợi về phương thức đóng BHYT (đóng hai lần hoặc ba lần/năm học), nhưng vẫn còn nhiều học sinh, sinh viên có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn nên không tham gia BHYT. Những người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư và diêm nghiệp (nhóm này chiếm khoảng 35% trên tổng số hộ gia đình) mặc dù thủ tục xác định thuận lợi và được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng, nhưng hầu hết người dân vẫn chưa biết đến chính sách này, nhiều địa phương chưa quan tâm đối tượng này. Bên cạnh đó, khi tham gia BHYT tại nhóm này thì không được giảm mức đóng, cho nên việc phát triển đối tượng này gặp nhiều khó khăn…
Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) Phạm Lương Sơn cho rằng, nguyên nhân sâu xa của tình trạng này là do đa số người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về chính sách BHYT, cũng như trách nhiệm của bản thân đối với cộng đồng xã hội, cho nên chưa tích cực, chủ động tham gia BHYT, đại bộ phận hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn, nên chưa quan tâm việc tham gia BHYT cho các thành viên trong gia đình. Đặc biệt là nhận thức của người dân còn hạn chế, vẫn mang tư tưởng khi nào có bệnh mới mua thẻ BHYT.
Cần tạo áp lực “chỉ tiêu”
Theo Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới BHYT toàn dân, Quốc hội đã giao Chính phủ bảo đảm đến năm 2015, đạt ít nhất 75% dân số tham gia BHYT và đến năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT. Đây là thách thức lớn đối với cơ quan BHXH nếu không có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và chính quyền địa phương…
Trên thực tế, hầu hết các địa phương đã ban hành kế hoạch, quyết định, công văn về việc triển khai thực hiện Luật BHYT. Tuy nhiên, hầu hết các kế hoạch của UBND tỉnh, thành phố vẫn chưa xác định tỷ lệ bao phủ BHYT như là một chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, chưa hướng dẫn cụ thể việc kê khai lập danh sách đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình; còn chậm triển khai thực hiện BHYT đối với đối tượng là người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, mặc dù đã có các quyết định, thông tư hướng dẫn. Chưa có sự chỉ đạo quyết liệt trong công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp để giảm tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHYT...
Để triển khai các giải pháp có hiệu quả, tăng tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân theo đúng lộ trình, đã đến lúc các địa phương cần đưa ra các mục tiêu cụ thể, tạo “áp lực” chỉ tiêu cho chính địa phương. Các cấp chính quyền cần tăng cường chỉ đạo các đơn vị cấp dưới thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về BHYT. Đồng thời, các địa phương cần huy động nguồn lực để hỗ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại theo chỉ đạo của Chính phủ cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo; tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu về lợi ích và các quy định tham gia BHYT, vận động người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình…
Bộ Y tế triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng KCB BHYT, cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình thanh toán KCB BHYT, quản lý và sử dụng Quỹ BHYT có hiệu quả. Thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ y tế theo Nghị định 85; Ban hành giá dịch vụ y tế thống nhất theo hạng BV. Thống nhất việc đấu thầu, quản lý giá, thanh toán thuốc BHYT; Phối hợp triển khai quyết liệt Đề án ứng dụng CNTT trong quản lý và kiểm soát chi phí KCB BHYT bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa các cơ sở y tế và cơ quan BHXH và các cơ quan quản lý nhà nước trên phạm vi cả nước.
Luật BHYT năm 2014 khuyến khích người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình. Theo đó, mức đóng được giảm dần từ thành viên thứ hai trở đi, cụ thể: Người thứ nhất đóng tối đa bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Luật BHYT năm 2014 cũng điều chỉnh mức hưởng đối với người bệnh khi đi KCB BHYT vượt tuyến/ trái tuyến. Theo đó, tại bệnh viện tuyến T.Ư sẽ được thanh toán 40% chi phí điều trị nội trú. Tại bệnh viện tuyến tỉnh được thanh toán 60% chi phí điều trị nội trú từ ngày 1-1-2015 đến 31-12-2020 và 100% chi phí điều trị nội trú kể từ 1-1-2021. Tại bệnh viện tuyến huyện được thanh toán 70% chi phí KCB từ 1-1-2015 đến 31-12-2015 và thanh toán 100% chi phí KCB từ 1-1-2016 trên địa bàn tỉnh.
NHẬT ANH/Nhân Dân