Biến đổi khí hậu đã trở thành xu thế không thể đảo ngược, thách thức lớn nhất với nhân loại, đã và đang tác động đến mọi mặt: Kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh toàn cầu. Mỗi Quốc gia phải chủ động thích ứng nhằm hạn chế các tác động tiêu cực, đồng thời có trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu kể từ năm 2021 trở đi, nhằm giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,50C vào cuối thế kỷ này.
Đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 là mục tiêu phát triển tất yếu của thế giới, thực hiện chủ yếu thông qua chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ,phát thải thấp. Đây cũng là “luật chơi” mới về thương mại, đầu tư toàn cầu đã được xác lập kể từ sau Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng từ hoá thạch sang năng lượng sạch, tái tạo cũng là cơ hội để thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng bền vững, nắm bắt thời cơ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và tận dụng các cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư cho phát triển.
Với cam kết đưa mức phát thải ròng của Việt Nam bằng “0” vào 2050, Việt Nam thực sự đã gây ấn tượng mạnh với cộng đồng quốc tế, Chủ tịch COP26, Bộ trưởng Chính phủ Anh Alok Sharmatuyên cho rằng tuyên bố trên đã thể hiện “tinh thần đi đầu về khí hậu thực sự của Việt Nam”.
Ngày 21/12/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 2157/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành làm Phó Trưởng ban. Các Ủy viên gồm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà (Ủy viên thường trực); Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Bộ trưởng Bộ Công Thương; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ trưởng Bộ Xây dựng; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam…
Ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 Quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon; Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/1/2022, danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; Quyết định 148/QĐ-TTg ngày 28/1/2022, ban hành hệ thống giám sát, đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp Quốc gia.
Đặc biệt, cuối tháng 7 và đầu tháng 8/2022, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành 3 Quyết định về biến đổi khí hậu: Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25/7/2022 Phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 Phê duyệt chiến lược quốc gia về BĐKH đến năm 2050; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 5/8/2022, phê duyệt Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê-tan đến năm 2030.
Triển khai các quy định của Chinh phủ, Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương nhằm triển khai cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 sẽ tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ chính, đó là:
Thứ nhất, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kiểm soát phát thải khí nhà kính theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật có liên quan, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Thứ hai, xây dựng nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cam kết toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Việt Nam.
Thứ ba, xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích phát triển xe ô tô điện.
Trong đó, mục tiêu tổng thể của Kế hoạch là nhằm hoàn thiện các cơ chế chính sách và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính cho toàn ngành Công Thương, kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải khí nhà kính lớn như các nhà máy nhiệt điện, các cơ sở sản xuất công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng và phát thải khí nhà kính như thép, hóa chất, giấy, dệt nhuộm…
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tập trung xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cam kết của Việt Nam về việc chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch và xây dựng đề án thành lập Trung tâm năng lượng tái tạo; giảm dần việc sử dụng năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch; đồng thời xây dựng đề án đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển ô tô điện tại Việt Nam.
Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngành Công Thương, thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan, nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế xây dựng và tổ chức triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật nhằm chia sẻ kinh nghiệp, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt là sự sẵn sàng tham gia thị trường carbon cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Một là, trong hoạt động tuyên truyền và phổ biến kiến thức về phát triển bền vững, giảm phát thải, các cam kết của Việt Nam tại COP 26, Bộ Công Thương đã hợp tác với các tổ chức quốc tế để xây dựng, triển khai các chương trình hỗ trợ kỹ thuật. Qua đó đã giúp chia sẻ, phổ biến kiến thức, kinh nghiệm quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt là sự sẵn sàng tham gia thị trường carbon cho các doanh nghiệp Việt Nam. Điển hình là một số dự án như: Dự án hỗ trợ kỹ thuật do Ngân hàng Thế giới tài trợ về sẵn sàng tham gia thị trường carbon thực hiện giai đoạn 2018-2020; Dự án hỗ trợ kỹ thuật nghiên cứu, xây dựng hệ thống đo đạc, báo cáo và thẩm tra kết quả giảm phát thải khí nhà kính cho lĩnh vực năng lượng thực hiện năm 2020-2021...
Hai là, trong công tác tham mưu cho Chính phủ về việc thực hiện các cam kết tại COP 26, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, xây dựng chính sách trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Từ đó giúp tạo ra các các cơ chế, chính sách hợp lý để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tiến hành chuyển dịch năng lượng, từng bước giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hóa thạch, tăng dần tỷ trọng năng lượng tái tạo, góp phần hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP26.
Ba là, trong công tác hỗ trợ Chính phủ xây dựng, triển khai các quy định của pháp luật, quy định đảm bảo việc thực hiện hiệu quả quá trình giảm phát thải khí nhà kính: Bộ Công Thương trong thời gian tới sẽ tiến hành xây dựng quy định về kiểm kê, chế độ đo đạc, báo cáo và thẩm tra kết quả giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời, tiếp tục triển khai các chương trình tập huấn, đào tạo, nâng cao năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp về các nội dung có liên quan để giúp doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận các phương thức quản lý, giải pháp công nghệ để kiểm soát phát thải khí nhà kính, từng bước tuân thủ quy định của pháp luật và quy định của quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính.
Ngoài ra, Bộ Công Thương còn đóng vai trò chủ đạo, phối hợp với các bộ, ban ngành khác tiến hành xây dựng, ban hành và triển khai các quy định của pháp luật, cơ chế chính sách của nhà nước về giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng carbon thấp, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, ứng dụng các giải pháp quản lý, kỹ thuật thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn. Trong đó, có thể kể tới việc triển khai Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 với những quy định cụ thể về kiểm kê, đo đạc, báo cáo và thẩm tra kết quả kiểm kê khí nhà kính, kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính; Quy định về việc thành lập và vận thành thị trường carbon nội địa tại Việt Nam tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ.
Thời gian tới, Bộ Công Thương tập trung triển khai, phối với cùng các bộ, ban ngành có liên quan tiến hành việc rà soát, sửa đổi bổ sung Luật Sử dụng năng lượng Tiết kiệm và hiệu quả nhằm đáp ứng những yêu cầu thực tiễn trong mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050./.
VĂN QUÁN