Thứ Hai, 25/11/2024
Đời sống
Thứ Năm, 28/7/2016 15:17'(GMT+7)

“Thực hiện chính sách xã hội đối với người có công”


Khách mời tham gia buổi Tọa đàm có: Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng; Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Huỳnh Văn Tý; Cục trưởng Cục Chính sách quân đội, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam Trần Quốc Dũng; Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam Võ Minh Hiệp.

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng cho biết, toàn quốc hiện có gần 9 triệu người có công đã được công nhận và đang thụ hưởng các chính sách tôn vinh, khen thưởng, ưu đãi. Những chính sách mà Nhà nước đã quy định rất toàn diện, tác động trực tiếp vào việc bảo đảm đời sống vật chất tinh thần của người có công. Đa số người có công đã có mức sống trên trung bình so với khu vực dân cư, nơi gia đình người có công lưu trú.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng Chính nhấn mạnh, chính sách người có công đã nhận được sự quan tâm của mọi tầng lớp nhân dân nên mang tính xã hội hóa cao. Đây là nguồn lực rất mạnh mẽ cùng với nguồn lực của Nhà nước thực hiện tốt chính sách tôn vinh, khen thưởng và chăm sóc tốt người có công. Điều quan trọng hơn là tính xã hội hóa này cũng góp phần tạo nên tình cảm xã hội rất rộng lớn, tiếp tục khẳng định truyền thống uống nước nhớ nguồn, ý chí độc lập, tự chủ của dân tộc ta, của đất nước ta. Phó Chủ nhiệm Đỗ Mạnh Hùng khẳng định, việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công đã tạo thêm niềm tin của người dân đối với Đảng, Nhà nước, từ đó góp phần bảo đảm và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần trực tiếp vào việc phát triển kinh tế- xã hội của từng địa phương và đất nước.

Thông tin về những vấn đề liên quan đến chế độ, chính sách đối với người có công, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Huỳnh Văn Tý cho biết, hiện cả nước vẫn còn gần 2 nghìn hồ sơ đề nghị công nhận liệt sỹ, thương binh và 70 nghìn hồ sơ người có công với cách mạng đang đề nghị được hưởng chính sách người tham gia kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học chưa được công nhận. Đặc biệt, khoảng 2 trăm nghìn hài cốt liệt sỹ chưa được quy tập về nghĩa trang và 3 trăm nghìn liệt sỹ đã được quy tập nhưng chưa có đầy đủ thông tin. Đây là món nợ lớn nhất của đất nước ta đối với liệt sỹ, gia đình liệt sỹ, người có công.

Thứ trưởng Huỳnh Văn Tý nhấn mạnh, dù có khó khăn đến mấy cũng phải giải quyết triệt để bằng nỗ lực cao nhất với tấm lòng kính trọng và tri ân sâu sắc với những người có công với cách mạng trong thời gian ngắn nhất có thể đáp ứng lòng mong đợi cháy bỏng của các đồng chí, đồng đội và nhân dân cả nước. Thứ trưởng Huỳnh Văn Tý cho biết, việc cấp chứng nhận cho các đối tượng chính sách cần dựa vào các cán bộ lão thành cách mạng, những người đã từng tham gia kháng chiến để tránh tình trạng lọt hồ sơ giả, không đúng đối tượng và phải để nhân dân giám sát quá trình thẩm định, mới đem lại kết quả cao. Các đối tượng lợi dụng chính sách của Nhà nước để lập hồ sơ giả phải xử lý nghiêm minh, tránh xảy ra bất công đối với người có công, gia đình chính sách.

Về việc tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ, Cục trưởng Cục Chính sách quân đội Trần Quốc Dũng cho biết, mỗi năm nước ta tìm được 3 nghìn bộ hài cốt. Hiện cơ quan chức năng đang đẩy mạnh những giải pháp tìm kiếm thông tin, xác định trọng tâm, trọng điểm từng địa bàn và đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ tìm được 60% hài cốt liệt sĩ có thông tin./.

Đỗ Bình/TTXVN




Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất