Thứ Tư, 2/10/2024
Đời sống
Thứ Sáu, 26/8/2011 22:36'(GMT+7)

Thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách hỗ trợ các hộ có hoàn cảnh khó khăn

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

* Theo Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội: đến thời điểm này, trên 45.000 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ trên địa bàn Thủ đô (đạt tỷ lệ 100%) đã được các cấp Hội phụ nữ hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và gần 50% trong số đó đã thoát được nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

Kể từ năm 2006 đến nay, các cấp Hội phụ nữ thành phố Hà Nội đã khai thác và quản lý gần 2.000 tỷ đồng cho hội viên phụ nữ vay, phát triển kinh tế. Đặc biệt, trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp tại nhiều huyện, thị xã khu vực ngoại thành Thủ đô đang dần thu hẹp, các cấp Hội phụ nữ ở cơ sở, trung tâm dịch vụ việc làm thuộc thành Hội phụ nữ Hà Nội đã chú trọng việc tổ chức liên kết dạy nghề, cung ứng lao động nữ cho các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng, mở rộng hình thức dạy nghề lưu động, góp phần hiệu quả trong việc duy trì và phát triển nghề truyền thống ở nhiều làng nghề và giải quyết việc làm cho hội viên phụ nữ.

Thời gian tới, Hội LHPN Hà Nội sẽ mở rộng quy mô và chất lượng dạy nghề của Trung tâm dịch vụ việc làm 20/10 trực thuộc Thành hội theo hướng tăng cường dạy nghề lưu động tại cơ sở, gắn với giải quyết việc làm và cung ứng lao động nữ. Các cơ sở Hội quan tâm dạy các nghề mới đáp ứng nhu cầu thị trường và thu hút nhiều lao động nữ; ưu tiên giúp phụ nữ nông thôn, phụ nữ dân tộc hoặc ở các vùng có dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tìm việc làm, tăng thu nhập cho gia đình. Hội LHPN thành phố Hà Nội cũng sẽ phát triển các mô hình liên kết giữa sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và phối hợp với Liên minh Hợp tác xã khảo sát, đánh giá để nhân rộng các mô hình hợp tác xã thí điểm, hỗ trợ phụ nữ có nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh.

* Tỉnh Bình Thuận đã tổng kết đánh giá tình hình, rút kinh nghiệm và đề ra các giải pháp, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh từ 1,5-1,7% bình quân mỗi năm, trong giai đoạn từ nay đến năm 2015.

Qua đánh giá thực trạng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giai đoạn 2011-2015 theo chuẩn mới, số hộ thuộc diện nghèo trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hiện còn hơn 24.000 hộ, chiếm 9,09% tổng số hộ trong tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 20 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 20% trở lên, tập trung nhiều nhất ở các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bãi ngang ven biển…Giai đoạn 2011-2015, tỉnh Bình Thuận tiếp tục rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách, dự án, tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội, nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Cùng với đó, tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng, nhất là công trình giao thông, thủy lợi cho các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các thôn, xã khó khăn có tỷ lệ hộ nghèo cao. Tỉnh tập trung khai hoang 2.900 ha đất giao cho 3.900 hộ đồng bào dân tộc thiểu số đang thiếu đất sản xuất. Đồng thời hỗ trợ vốn, phát triển ngành nghề, trang bị kiến thức, kỹ năng và chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật tạo điều kiện cho hộ nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững. Tỉnh Bình Thuận đã phân công trách nhiệm cho từng Sở, ngành liên quan phối hợp với các cấp ủy, chính quyền địa phương, Mặt trận và các đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền, nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững và củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình giảm nghèo các cấp trên địa bàn tỉnh.

5 năm qua, tỉnh Bình Thuận đã triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều dự án, chính sách hỗ trợ cho vùng nghèo, hộ nghèo như: xây dựng kết cấu hạ tầng; xây dựng, sửa chữa nhà ở; vốn tín dụng ưu đãi gắn với hướng dẫn các làm ăn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, thực hiện các chính sách trợ giúp về y tế, giáo dục cho người nghèo, hộ nghèo ...

* Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đắk Lắk tổ chức tặng 100 phần quà cho các nạn nhân chất độc da cam là những người trực tiếp tham gia chiến đấu trên các chiến trường trong kháng chiến chống Mỹ. Mỗi phần quà trị giá 3 triệu đồng. Toàn bộ kinh phí do Báo Thanh Niên và Tập đoàn RASS tài trợ.

Đắk Lắk hiện có hơn 4.500 nạn nhân chất độc da cam, trong đó, mới có gần 1.400 người được làm chế độ trợ cấp hàng tháng. Thực hiện các hoạt động kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam, đến thời điểm này, Hội nạn nhân chất độc da cam/diôxin tỉnh Đắk Lắk đã nhận được sự ủng hộ của 194 tập thể, cá nhân trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 1,6 tỷ đồng. Hội sẽ sử dụng số tiền này để xây nhà tình nghĩa cho các đối tượng là nạn nhân chất độc da cam khó khăn về nhà ở, hỗ trợ vốn chăn nuôi, tặng học bổng, thăm hỏi tặng quà cho gia đình nạn nhân vào dịp lễ, Tết./.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất