Thứ Bảy, 23/11/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 27/3/2013 9:14'(GMT+7)

Vùng Tây Bắc: Dự kiến thu hút cho vay đầu tư trên 20 nghìn tỷ đồng và 38 triệu USD

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát biểu tại buổi họp (Ảnh: Thu Hằng)

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát biểu tại buổi họp (Ảnh: Thu Hằng)

Chiều 26/3, Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tổ chức buổi họp báo về Hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội vùng Tây Bắc năm 2013 tại Hà Nội. Hội nghị dự kiến thu hút sự tham gia của 500 đại biểu, đại diện lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các Bộ, Ban, ngành Trung ương, lãnh đạo nhiều tỉnh thành phố, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp lớn, các hiệp hội ngành nghề...

Vùng Tây Bắc có nhiều tiềm năng về đất đai, rừng, tài nguyên khoảng sản; có lợi thế về phát triển các loại đặc sản nông, lâm, ngư nghiệp, du lịch, công nghiệp chế biến. Những năm gần đây, cơ sở hạ tầng, nhât là đường giao thông, điện, thông tin liên lạc đã có bước cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân đặc thù, các tiềm năng lợi thế của vùng Tây Bắc vẫn chưa được phát huy, kinh tế chậm phát triển, đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ đang sinh sống trong nhà tạm bợ, dột nát; tỷ lệ phòng học, trạm y tế chưa được kiên cố hóa vẫn còn rất lớn, nhât là tại địa bàn vùng cao, biên giới.

Ban tổ chức cho biết, Hội nghị lần này nhằm góp phần khắc phục những hạn chế nêu trên, hỗ trợ đồng bào Tây Bắc hội nhập với tiến trình phát triển của đất nước. Thông qua Hội nghị để kêu gọi, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, nhà tài trợ trong và ngoài nước tham gia phát triển kinh tế trên địa bàn và hỗ trợ đời sống cho đồng bào vùng Tây Bắc. 

Khác với những lần tổ chức trước (thường gọi là Diễn đàn), lần này Ban tổ chức thống nhất lấy tên là “Hội nghị” với hy vọng hiệu lực và hiệu quả sẽ cao hơn. Cùng với nhiệm vụ xúc tiến đầu tư, lấy “an sinh xã hội” là một trong hai nội dung quan trọng của Hội nghị, vì đây là nhu cầu bức thiết của đồng bào nghèo vùng Tây Bắc, cũng là điều kiện tiền đề đảm bảo sự bền vững cho các dự án đầu tư.

Ban tổ chức cho biết thêm, rút kinh nghiệm sau kết quả tổ chức thực hiện 2 diễn đàn trước đó, Hội nghị lần này ngoài việc giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của vùng và lắng nghe ý kiến của các tổ chức kinh tế, các nhà đầu tư để đổi  mới công tác quản lý, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho thu hút đầu tư. Cùng với đó, tạo tiền đề thiết lập các mối liên kết, hợp tác cụ thể, bền chặt theo vùng, theo lĩnh vực để phát huy thế mạnh, khắc phục hạn chế của các chủ thể, đối tác. Đó là quan hệ liên kết giữa các địa phương trong vùng để triển khai các dự án có liên quan đến nhiều tỉnh; liên kết giữa vùng Tây Bắc với các trung tâm phát triển trong nước; giữa các địa bàn sản xuất nguyên liệu với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm...

Về công tác an sinh xã hội, Hội nghị lần này sẽ cung cấp thông tin về thực trạng đời sống đồng bào trong vùng, nhất là đồng bào nghèo vùng cao biên giới đời sống đang còn nhiều khó khăn, thua thiệt so với địa bàn khác. Trên cơ sở đó, sẽ kêu gọi sự đóng góp  của nhà tài trợ để giải quyết khó khăn cho đồng bào, tạo việc làm và hướng dẫn đồng bào nghèo đổi mới phương thức làm ăn theo hướng sản xuất hàng hóa.

Tại buổi họp báo, ông Lê Khả Đấu, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc cho biết, để triển khai các nội dung trên, bên cạnh cuộc họp chính vào sáng 3/4 giữa các nhà quản lý, nhà đầu tư, nhà tài trợ do Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc chủ trì, sẽ tổ chức hai cuộc tọa đàm về “Chính sách tín dụng đầu tư và công tác an sinh xã hội vùng Tây Bắc” vào chiều 2/4; “Kết nối các nhà khoa học, công nghệ cho phát triển bền vững vùng Tây Bắc” vào chiều 3/4. Bên cạnh Hội nghị có bố trí các gian trưng bày ấn phẩm, tài liệu, sản phẩm đặc sắc của các địa phương, các doanh nghiệp để giới thiệu, cung cấp thông tin và trao đổi ý kiến với đại biểu về cơ chế, chính sách ưu đãi, dự án ưu tiên thu hút đầu tư, nhu cầu công tác an sinh xã hội, giới thiệu bản sắc văn hóa và thực trạng đời sống đồng bào các dân tộc trong vùng, kêu gọi tôn vinh các nhà tài trợ đã nhiệt tình tham gia công tác an sinh xã hội tại các địa phương vùng Tây Bắc.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết năm 2012, huy động vốn trên địa bàn Tây Bắc đạt trên 76.210 tỷ đồng, tăng 38% so với cuối năm 2011 và cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước. Tuy nhiên, dù huy động vốn đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng huy động tại chỗ mới chỉ đáp ứng được khoảng 69% dư nợ cho vay trên địa bàn. Để phát huy hết tiềm năng, lợi thế của khu vực Tây Bắc, trong thời gian tới ngành ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh đầu tư tín dụng vào các tỉnh Tây Bắc. Hội nghị lần này dự kiến sẽ thu hút cho vay đầu tư được trên 20 nghìn tỷ đồng và 38 triệu USD.


Vùng Tây Bắc bao gồm 12 tỉnh trung du, miền núi Bắc Bộ và các huyện phía Tây Thanh Hoá, Nghệ An do Ban Chỉ đạo Tây Bắc trực tiếp chỉ đạo là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh của đất nước và là địa bàn sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc. 
 

 Nam Hải

 


Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất